Tham gia hải trình đặc biệt lần này là sự có mặt của gần 200 đại biểu đến từ Bộ Nội vụ, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, tỉnh Yên bái, tỉnh Tây Ninh, các văn, nghệ sĩ, các cơ quan thông tấn, báo chí…và gần 100 cán bộ, chiến sĩ hải quân, thủy thủ tàu Kiểm ngư KN 290. Đoàn chúng tôi là đoàn công tác số 21 của năm 2024 đi thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Gần 300 con người trên tàu nhưng phút lạ lẫm, bỡ ngỡ ban đầu trôi đi rất nhanh qua những buổi giao lưu văn nghệ, những buổi nghe phát thanh trên tàu thông tin các hòn đảo thân yêu của Tổ quốc, nghe các ca khúc, vần thơ về Bác Hồ, về biển, đảo... Các thành viên nhanh chóng gắn kết nhau thành một đại gia đình KN 290 với tinh thần chung: “Tất cả vì Trường Sa, nhà giàn DK1 thân yêu!”
Các thành viên đoàn Cục văn thư và Lưu trữ nhà nước chụp tại đảo An Bang
Chuyến đi của đoàn công tác số 21 kéo dài 7 ngày từ ngày 18 đến 24 tháng 5 năm 2024 với hải trình đến các đảo, điểm đảo gồm : Len Đao, Sinh Tồn Đông, An Bang, Đá Đông B, Đá Tây C, Trường Sa và nhà giàn DK1/21. Chúng tôi mang theo những món quà được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, đong đầy tình cảm của đất liền gửi đến các chiến sĩ hải quân kiên cường, đang ngày đêm canh giữ biển, đảo của Tổ quốc.
Sáng 18 tháng 5, sau khi dâng hương tại Đài tưởng niệm Đoàn tàu không số (thuộc Lữ đoàn 125), đoàn xuất phát từ cảng Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh) trên con tàu Kiểm Ngư mang số hiệu KN 290 bắt đầu cuộc “hành quân” đến với Trường Sa thân yêu. Ai cũng cảm thấy háo hức, vinh dự và tự hào cho chuyến đi lịch sử của đời mình.
Đoàn Bộ Nội vụ chụp ảnh lưu niệm cùng Ban lãnh đạo Hải quân trước khi lên tàu
Đoàn đi đúng dịp sinh nhật Bác nên Ban lãnh đạo Hải quân đã tổ chức buổi giao lưu văn nghệ giữa các đoàn công tác và các văn, nghệ sĩ của Nhà hát ca múa nhạc Quân đội vào tối 19/5 ngay trên boong tàu. Cảm giác đứng trên sân khấu của con tàu vẫn đang tiến về phía trước giữa trùng khơi, có lúc cả người chao đảo, lắc lư theo từng đợt sóng và cất tiếng hát giữa đại dương mênh mông làm tôi cảm thấy thật thiêng liêng và xúc động.
Tiết mục văn nghệ của Đoàn Bộ Nội vụ
Sau gần hai ngày trên biển, 3h sáng ngày 20/5, tàu KN 290 thả neo tại đảo Len Đao. Đây là điểm đảo đầu tiên chúng tôi ghé thăm trong hải trình. Đảo chìm Len Đao nằm cách đảo Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng năm 1988 rất gần. Đứng từ đảo Len Đao có thể nhìn rất rõ đảo Gạc Ma, cho thấy các chiến sĩ hải quân đã phải đối mặt với hiểm nguy, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thiếu thốn để kiên cường đóng giữ đảo.
Trước khi xuống đảo, chúng tôi dự Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa. Trong không khí thiêng liêng, trang nghiêm và xúc động, đoàn công tác được nghe diễn văn tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988 để bảo vệ đảo Gạc Ma. Diễn văn kể về câu chuyện anh dũng của các chiến sĩ đã khiến phần lớn các đại biểu không thể kìm được nước mắt.
Quang cảnh buổi Lễ tưởng niệm
Các đại biểu thả hoa và hạc giấy xuống biển tưởng nhớ các liệt sĩ
Sau Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, chúng tôi xuống xuồng lên đảo Len Đao. Nhìn từ xa đã thấy toàn đảo hiện ra trước mắt với lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới mới thấy thật tự hào, thiêng liêng và xúc động.
Đảo Len Đao, phía xa là đảo Gạc Ma. Ảnh: Nguyễn Trường Sinh
Vì là đảo chìm nên tàu không thể cập bến vào đảo mà phải hạ neo cách đảo từ xa, các đại biểu muốn lên đảo phải đi xuồng.
Xuồng chở đại biểu từ tàu lên đảo. Ảnh: Thu Minh
Tại mỗi điểm đảo, việc mà tất cả các đại biểu đều làm là chụp những bức ảnh lưu niệm tại các cột mốc chủ quyền thiêng liêng và đóng dấu vào sổ công tác, áo, khăn... Đây không chỉ là để lưu lại các kỷ niệm, mà còn là sự tự hào, tôn trọng đối với chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của đất nước.
Cột mốc đảo Len Đao
Đóng dấu của Đảo Trường Sa lên áo cờ đỏ sao vàng
Các đại biểu chụp ảnh cùng các chiến sĩ đảo Len Đao sau buổi giao lưu văn nghệ. Ảnh: Trương Hồng Lĩnh
Điểm đảo tiếp theo chúng tôi đến là đảo Sinh Tồn Đông. Khác với đảo chìm Len Đao, hình ảnh đảo Sinh Tồn Đông hiện ra trong mắt chúng tôi từ xa đã là một hòn đảo có màu xanh của cây cối và đặc biệt là hình ảnh ngôi chùa Sinh Tồn Đông uy nghi như để che chở, phù hộ cho các chiến sĩ mạnh khỏe, bình an, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đoàn đi đúng dịp Đại lễ Phật đản nên đã đến thăm và thắp hương tại chùa Sinh Tồn Đông và chùa Trường Sa để thể hiện lòng tri ân và tôn kính. Chùa Trường Sa và chùa Sinh Tồn Đông không chỉ là nơi thờ tự mà còn là các cột mốc tâm linh khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Việt Nam.
Đến đảo Sinh Tồn Đông đã là gần trưa. Mặc dù trời nắng chói chang thì cũng không làm buổi giao lưu văn nghệ giữa đoàn văn công và các chiến sĩ giảm đi nhiệt huyết. Sân khấu ở ngoài trời nhưng chúng tôi vẫn cháy hết mình với từng lời ca, tiếng hát ca ngợi biển, đảo. Tình quân dân trở nên gắn kết và thân thương hơn bao giờ hết.
Các ngày tiếp theo, chúng tôi hành quân đến các đảo An Bang, Đá Đông B, Đá Tây C và Trường Sa. Vì thời gian không có nhiều nên đoàn phải chia thành từng nhóm để tổ chức được nhiều hoạt động cùng một lúc trên từng đảo: trao quà, giao lưu với các cán bộ, chiến sĩ, thăm đảo...
Đảo Đá Tây C
Chim hải âu trên biển. Ảnh: Nguyễn Trường Sinh
Đại diện đoàn công tác Bộ Nội vụ trao quà cho các cán bộ, chiến sĩ ở các đảo
Đến mỗi điểm đảo, chúng tôi đều được cán bộ, chiến sĩ trên đảo ra tận bến xuồng đón với khuôn mặt rạng rỡ, vui mừng, thể hiện nỗi nhớ khôn nguôi với đất liền. Những người lính đảo ai cũng có làn da ngăm đen của nắng và gió biển nhưng ở họ lại toát lên vẻ chững chạc, rắn rỏi, kiên cường, sắt đá trước mọi gian khổ để bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Kết thúc chuyến thăm mỗi đảo, những người lính đảo lại ngậm ngùi, xúc động tiễn chúng tôi trở lại tàu. Giữa cái nắng chói chang của biển cả, tôi vẫn nhìn thấy những giọt nước nơi khóe mắt người chiến sĩ hòa lẫn vào mồ hôi được gạt vội để kìm nén cảm xúc. Hình ảnh ấy khiến chúng tôi không thể cầm được nước mắt bởi chúng tôi hiểu rằng các chiến sĩ nhớ đất liền, nhớ người thân và gia đình đến nhường nào nhưng vẫn phải nén lại để hoàn thành nhiệm vụ giữ biển, giữ đảo.
Trên hải trình của đoàn công tác số 21, ngoài đi thăm quân, dân trên đảo thì chúng tôi còn tham gia các cuộc thi: Cuộc thi tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam; Cuộc thi ảnh “Trường Sa – Không xa”; Cuộc thi cờ tướng; Cuộc thi sáng tác thơ, ca khúc “Trường Sa – Cảm xúc niềm tin”. Qua các cuộc thi, chúng tôi gắn kết hơn, trau dồi thêm nhiều kiến thức hơn về biển, đảo và có thêm nhiều tác phẩm tuyên truyền về biển đảo Trường Sa thông qua các ca khúc, bài thơ và những bức ảnh đẹp.
Tranh thủ đọc tài liệu chuẩn bị cho Cuộc thi tìm hiểu về biển đảo
Một điều đáng nói đến trong chuyến đi đó sự tận tâm, nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, thủy thủ tàu Kiểm ngư KN 290. Các anh đã tận tình phục vụ để đoàn công tác số 21 có chuyến đi an toàn, mạnh khỏe.
Truyền trưởng và thủy thủ tàu KN 290
Các đại biểu vào bếp phụ giúp tổ hậu cần nấu ăn
Điểm dừng chân lâu nhất của chúng tôi là đảo Trường Sa, được mệnh danh là “thủ đô của huyện đảo Trường Sa” với diện tích lớn nhất và điều kiện khí hậu, thiên nhiên ưu đãi nhất.
Điều làm tôi ấn tượng nhất là Lễ chào cờ và nghi thức duyệt đội ngũ của các chiến sĩ trước cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa. Lần đầu tiên tôi được dự lễ chào cờ trang nghiêm và xúc động đến như vậy. Giữa đại dương mênh mông với cái nắng chói chang của buổi chiều hè, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trong tiếng nhạc bài “Tiến quân ca” hùng tráng khiến ai cũng cảm thấy thiêng liêng, tự hào và xúc động nghẹn ngào. Trong không khí trang nghiêm ấy, một chiến sĩ đại diện lên đọc 10 lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau mỗi lời thề, các cán bộ chiến sĩ đều đồng thanh hô vang “Xin thề” một cách uy nghiêm, hào hùng giữa biển trời linh thiêng, thể ý chí quyết tâm vững chắc giữ biển, giữ đảo. Sau lễ chào cờ là nghi thức duyệt đội ngũ.
Một số hình ảnh Lễ chào cờ và duyệt đội ngũ ở Đảo Trường Sa
Sau buổi lễ chào cờ, chúng tôi lễ chùa Trường Sa, dâng hương tượng đài các anh hùng liệt sĩ, nhà tưởng niệm Bác Hồ, thăm và tặng quà cho các chiến sĩ, trường học, các hộ dân, giao lưu văn nghệ...
Đoàn Bộ nội vụ tặng quà cho các em học sinh ở đảo Trường Sa
Kết thúc chương trình văn nghệ, chúng tôi chia tay Trường Sa trong nụ cười và cả nước mắt. Trong khoảnh khắc chia tay, các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa xếp thành hai hàng nghiêm trang ở cầu cảng để tiễn đoàn. Tất cả chúng tôi – những người lính và đoàn công tác cùng hát vang các ca khúc về tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu biển, đảo và tình yêu đối với các chiến sĩ ngoài đảo xa. Khi tiếng còi tàu vang lên ba hồi để chào theo nghi thức trên biển cũng là báo hiệu tàu nhổ neo rời đảo thì những tiếng: “Trường Sa vì Tổ quốc” – “Cả nước vì Trường Sa”, “Tạm biệt Trường Sa” – “Tạm biệt đất liền” cứ vang lên mãi trong niềm xúc động. Điều đó đã chứng tỏ được sức mạnh đoàn kết của quân và dân trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Quân, dân trên đảo Trường Sa chào tạm biệt đoàn
Điểm đến cuối cùng của hải trình là thăm nhà giàn DK1/21 Ba Kè. Khác với đảo, nhà giàn là công trình kỹ thuật trên biển, là cột mốc khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ở thềm lục địa phía Nam. Để lên được nhà giàn không hề đơn giản. Tất cả đều phải tuân theo hướng dẫn của các chiến sĩ hải quân bởi chỉ cần sơ sẩy một chút cũng có thể rơi xuống biển hoặc bị nghiến chân vào giữa mạn xuồng và cột thép chân nhà giàn.
Nếu như cuộc sống của các chiến sĩ ở các đảo khó khăn, thiếu thốn, vất vả thì ở nhà giàn còn vất vả hơn nhiều. Những thứ rất bình thường ở đất liền như rau xanh và nước ngọt thì ở nhà giàn rất quý giá. Nước ngọt ở đây chỉ có thể mang từ đất liền ra hoặc hứng nước mưa mà để mang được từ đất liền ra không hề dễ dàng. Thế nhưng, khi chúng tôi đến đây, tất cả đều ngỡ ngàng trước vườn rau xanh mơn mởn của các chiến sĩ nhà giàn.
Vườn rau xanh của các chiến sĩ ở nhà giàn DK1/21
Chia tay nhà giàn cũng là kết thúc hải trình đến với Trường Sa của chúng tôi. Chuyến đi đã thành công tốt đẹp, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Kết thúc chuyến công tác, Ban tổ chức đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc” tặng trưởng, phó đoàn và những người đi lần thứ 2; trao Huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa” tặng các cá nhân đi lần đầu. Chúng tôi rất tự hào khi được đeo Huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa” lên ngực áo.
Huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa”
Với mong muốn mang tình cảm của đất liền để động viên các cán bộ, chiến sĩ, để thăm hỏi nhân dân trên đảo, nhưng chính các anh đã tiếp thêm cho chúng tôi nguồn động lực to lớn. Qua chuyến đi, mỗi chúng tôi thấy có trách nhiệm hơn, nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Là viên chức của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I – nơi đang bảo quản các tài liệu quý về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tôi thấy rằng việc sưu tầm, bảo quản và phát huy tài liệu về biển đảo cần phải làm tốt hơn nữa để tuyên truyền, giới thiệu cho công chúng về chủ quyền biển đảo. Kết thúc chuyến đi, hình ảnh những hòn đảo xinh đẹp hay hình ảnh người lính đảo luôn khắc sâu trong trái tim tôi. Thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ tiếng loa phát thanh trên tàu: “Toàn tàu báo thức, toàn tàu báo thức”, hay những câu hát trong ca khúc “Khúc quân ca Trường Sa” của nhạc sĩ Đoàn Bổng mà chúng tôi đã hát trong suốt hải trình: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa. Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua. Chiến sĩ Trường Sa viết tiếp bài ca bằng những tấm gương anh Bộ đội Cụ Hồ. Đem chí trai, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta…”.
Với tôi, đây có lẽ là chuyến đi đặc biệt nhất, cảm xúc nhất, đầy vinh dự và tự hào khi được đặt chân đến vùng lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc. Đây là hành trình mà tôi được trải nghiệm và trưởng thành hơn rất nhiều trong suy nghĩ. Mỗi một thành viên đều có cảm nhận riêng nhưng một điều chắc chắn chung đó là tình yêu với Tổ quốc, với biển đảo và các chiến sĩ hải quân sẽ lớn hơn rất nhiều. Mỗi người đã khắc ghi Trường Sa trong tim, luôn hướng về Trường Sa và thầm mong mọi sự bình yên trên vùng biển đảo thân thương này để TRƯỜNG SA KHÔNG XA.
Lê Thị Thúy Hằng