06:34 PM 27/04/2024  | 

Chứng kiến đồng bào bị áp bức bóc lột, thủ lĩnh người Mông Vừ Pa Chay đã đứng lên kêu gọi nhân dân chống Pháp. Hoạt động của nghĩa quân trong các năm 1918-1922 khiến Pháp phải thừa nhận rằng chúng không phải chỉ đối đầu với một toán giặc từ 80 đến 100 tay súng, mà thực ra chúng phải đối phó với cả một dân tộc đã nổi dậy theo Vừ Pa Chay.

Xem thêm những tài liệu quý hiếm về chiến dịch Điện Biên Phủ và tỉnh Điện Biên tại triển lãm “Điện Biên theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ”.

Link triển lãm: https://archives.org.vn/tourDienbien/

                        https://snv.dienbien.gov.vn/tourDienbien/

                        https://dienbien.gov.vn/map/

 

Sách Histoire militaire de l'Indochine [Lịch sử quân sự Đông Dương] cho biết hoạt động tuyên truyền khởi nghĩa bắt đầu từ khu vực của người Mông ở Tả Phìn thuộc Đạo quan binh 4[1] rồi lan sang khu vực Điện Biên Phủ vào cuối tháng 10 năm 1918.

Tư lệnh đạo quan binh 4 được giao đàn áp nghĩa quân. Ông ta nắm trong tay lực lượng gồm 80 đến 120 người với dưới 50 súng.

Trận Nậm Ngám

Ngày 14 tháng 11 năm 1918, Pháp huy động một đội quân gồm lực lượng sẵn có của đạo quan binh 4 và viện binh từ Yên Bái, trong đó có 52 người thuộc đại đội 6 trung đoàn lính khố đỏ Bắc Kỳ 1, 17 người thuộc đại đội 10 cùng trung đoàn, 1 phân đội 29 lính công binh, 48 lính khố xanh và 58 lính dõng người Mông và Thái.

Sau khi tập trung tại Mường Phăng, đội quân này chia thành 4 nhóm, 2 nhóm chính do Đại úy Vinet và Thiếu úy Gautier chỉ huy.

Ngày 04/12, nghĩa quân Vừ Pa Chay tấn công một đoàn xe, sau đó dẫn dụ một toán địch vào chỗ phục kích ở bản Nậm Ngám. Tại đây, nghĩa quân đánh bại toán quân của Thượng sĩ Ravinet.

Quân Pháp, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Dez, tiếp tục đụng độ với nghĩa quân tại bản Nậm Ngám vào ngày 12 cùng tháng. Quân Pháp chiếm được bản, nghĩa quân phải chạy sang vùng núi cao thuộc tỉnh Sơn La và tiếp tục bị Gautier truy đuổi.

 

Chân dung Vừ Pa Chay (nguồn: TVQGP)

 

Trận Long Hẹ

Bất chấp sự đàn áp của quân Pháp, hoạt động khởi nghĩa tiếp tục mở rộng: người Mông ở vùng Long Hẹ, Sơn La do Cam Xu dẫn đầu đã gia nhập nghĩa quân.

Ngày 01 tháng 01 năm 1919, một phân đội lính khố xanh do thông ngôn Vuong chỉ huy bị đánh bại. Thiếu úy Gautier có hai lần đụng độ với nghĩa quân ở Ban Lan và bản Pha Đén vào các ngày 03 và 05 tháng 01.

Ngày 10 tháng 01 (năm 1919), Đại úy Chatry thay thế Dez nắm quyền Tư lệnh đạo quan binh 4 và chỉ huy lực lượng đàn áp khởi nghĩa. Chatry ráo riết thực hiện các hoạt động truy quét tại tỉnh Sơn La. Ba trận đánh, trong đó trận thứ 2 đặc biệt ác liệt, đã nổ ra tại khu vực từ Long Hẹ đến bản La Viếng: ngày 17 tháng 01 (tại Ba Xúc), ngày 19 tháng 01 (tại Sình Thàng) và ngày 21 tháng 01.

 

Các thủ lĩnh người Mông trong đó có Vừ Pa Chay (nguồn: TVQGP)

 

Thương vong của Pháp sau những trận đánh trên như sau:

- Hạ sĩ Chiarri, thông ngôn Vương, 6 lính khố xanh hoặc khố đỏ, 2 lính dõng thiệt mạng.

- Một lính khố xanh mất tích.

- Thiếu úy Gautier, trung sĩ Fuillet, 12 lính khố xanh hoặc khố đỏ và 2 phu bị thương[2].

Quyết tâm tiêu diệt nghĩa quân, Pháp lập một đồn binh tạm thời ở Pá Khôm, trong khối núi Long Hẹ, tỉnh Sơn La. Quân Pháp thực hiện nhiều đợt thám sát khu vực người Mông ở đại lý Điện Biên Phủ trong tháng 3 và tháng 4 năm 1919. Đầu tháng 5, tình báo Pháp phát hiện Vừ Pa Chay đã từ Lào trở về Điện Biên Phủ.

Tư lệnh Đạo quan binh 4 tiếp tục đề xuất các biện pháp đàn áp nghĩa quân. Việc chỉ huy được giao cho Đại úy Vinet, Đại đội trưởng Đại đội 10.

Ngày 16 tháng 6, Pháp phục kích tại Ban Ba Tchu, khiến nghĩa quân bất ngờ. Tuy nhiên, sau trận phục kích này, Vinet mất tích.

Quyền chỉ huy được giao lại cho Trung úy Mariani. Ngày 23 tháng 6, quân Pháp tấn công bản Nậm Ngám, buộc Vừ Pa Chay phải tạm thời rút khỏi căn cứ này.

Ngày 06 tháng 7, quân Pháp bao vây bản Nậm Ngám trong đêm, một lần nữa đánh lui nghĩa quân.

Vừ Pa Chay cùng quân sư Lao Luc di chuyển sang vùng Thượng Lào. Tại đây, ông đã thành công kêu gọi các nhóm người Mông ở các tỉnh Luang Prabang, Hua Phan và Trấn Ninh nổi dậy[3].

Trong các năm 1920-1921, Pháp tập trung binh lực đàn áp nghĩa quân theo kế hoạch do tướng Puypéroux đề xuất. Kế hoạch này gồm 4 điểm:

- Tập trung lực lượng gồm một số lượng lớn các đại đội ở Luang Prabang, Xiêng Khoảng và Mường Hợp đến bao vây chặt chẽ xung quanh chặng núi Pú Chom Chích và Pú Chom Chạng, đại bản doanh của nghĩa quân, với mục đích bắt giữ hoặc đánh bật toàn bộ ra khỏi vị trí đó.

- Bố trí các đại đội ở Điện Biên Phủ và Sầm Nưa phục kích chặn đường rút của nghĩa quân về phía bắc hay phía nam và truy kích trong trường hợp cần thiết.

- Bố trí phân đội súng máy khoảng 20 người thuộc Đại đội 6 Lính khố đỏ Bắc Kỳ tại Xiêng Khoảng để đảm bảo an ninh cho Trấn Ninh.

- Phối hợp các lực lượng lính khố xanh ở các khu vực truy quét[4].

Trước sức ép của quân Pháp và sự đầu hàng của một số người trong hàng ngũ, phong trào dần suy yếu. Cuối năm 1922, thủ lĩnh Vừ Pa Chay hy sinh, cuộc khởi nghĩa chính thức khép lại. 

 

Khu di tích Nậm Ngám C (nguồn: bqldt-svhttdl.dienbien.gov.vn)

 

Khu căn cứ Vừ Pa Chay hiện nằm nằm trên địa phận 3 bản là Nậm Ngám A, Nậm Ngám B và Nậm Ngám C thuộc xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Là một biểu tượng về tình đoàn kết giữa các dân tộc trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương đất nước, khu di tích lịch sử Vừ Pa Chay đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2019[5].

Bùi Hệ

Tài liệu tham khảo:

Asie française, số ra ngày 01 tháng 5 năm 1921.

Báo cáo tình hình Đạo quan binh 4 từ từ tháng 6/1918 đến tháng 6/1920, RST36533-13, TTLTGI.

 

[1] Tổ chức các Đạo quan binh (Territoire Militaire) là một hình thức đặc biệt của bộ máy thống trị của thực dân Pháp ở Việt Nam. Và chỉ ở địa bàn Bắc Kỳ mới có các Đạo quan binh. Ngày 06/8/1891, Toàn quyền đông Dương ban hành nghị định thiết lập các Đạo quan binh. Mỗi Đạo quan binh do một viên sĩ quan đứng đầu làm Tư lệnh, với đầy đủ quyền quân sự và dân sự. Theo nghị định ngày 09/9/1891, Đạo quan binh 4 có đạo lỵ đặt tại Sơn La. Địa bàn gồm: Địa hạt Sơn La; các tổng Yên Lãng, Kiệt Sơn, Xuân Đài (tách từ huyện Thanh Sơn, phủ Gia Hưng, tỉnh Hưng Hóa) và tổng Cự Thắng (tách từ huyện Thanh Thủy, phủ Gia Hưng, tỉnh Hưng Hóa). Đến đầu năm 1900, Đạo quan binh 4 Lào Cai gồm 2 tiểu quân khu là Lào Cai và Yên Bái. Ngày 12/7/1907, bãi bỏ Đạo quan binh 4, đặt Lào Cai dưới chế độ dân sự. Ngày 16/01/1915, chuyển tỉnh Lai Châu (thành lập ngày 28/6/1909) từ chế độ dân sự sang chế độ quân sự để lập lại thành Đạo quan binh 4 Lai Châu.

[2] Báo cáo tình hình Đạo quan binh 4 từ từ tháng 6/1918 đến tháng 6/1920, RST36533-13, TTLTGI.

[3] Asie française, số ra ngày 01 tháng 5 năm 1921.

[4] Histoire militaire de l'Indochine française des débuts à nos jours (juillet 1930). 

[5] bqldt-svhttdl.dienbien.gov.vn

Bùi Hệ