Bưu ảnh Bangkok, nguồn: gallica.bnf.fr
Những trang du ký của Marcel Monnier đưa chúng ta "xuyên không" khám phá một Bangkok rất khác với quang cảnh thủ đô Thái Lan hiện nay.
Cuối thế kỷ XIX, phương tiện đi lại chủ yếu ở Bangkok là thuyền bè, cho du khách cơ hội quan sát hai bờ sông Mê Nam vui nhộn với những cánh đồng hoa màu, những ngôi làng san sát và những đội thuyền đánh cá rải rác khắp sông. Tuyến đường huyết mạch, đại lộ của Bangkok chính là sông Mê Nam. Có lẽ vì thế mà Bangkok từng được nhiều du khách ví von như "Venice của phương Đông".
Nhà nổi ở Bangkok cuối thế kỷ XIX, ảnh: Fournereau Lucien
Không hổ danh là xứ Chùa Vàng, gần như cứ mỗi bước chân, người lữ khách lại bắt gặp một ngôi chùa ở Bangkok. "Đó là một biển màu, một mê cung cầu thang và bậc thềm".
Chùa Wat Cheng, nguồn: gallica.bnf.fr
Viên kim cương của bộ sưu tập này là chùa Wat Phra Kaew hay chùa Phật Ngọc, hiện tọa lạc tại trung tâm lịch sử Bangkok (quận Phra Nakhon), bên trong khuôn viên của Cung điện Hoàng gia Thái Lan.
"[...] trong chùa đặt tượng thần bảo hộ thành phố, chính là bức tượng Phật ngọc nổi tiếng mang về từ Vientiane. [...] Bức tượng được đẽo gọt tinh tế từ một khối ngọc. [...] Đức Phật ở chùa Wat-Phra-Kéo có đội thị thần, tổng quản, đầy tớ riêng phụ trách quần áo và tư trang, họ có nhiệm vụ lau chùi và trang hoàng bức tượng, choàng áo lụa hoặc gấm vóc cho ngài tùy theo mùa. Vào một số giờ trong ngày, khi ánh nắng chiếu lên bàn thờ, gương mặt uy nghiêm của ngài sáng lên và rạng rỡ hào quang".
Chùa Wat Phra Kaew, nguồn:gallica.bnf.fr
Giống như nhiều thành phố ở châu Á thời bấy giờ, Bangkok chỉ mới bắt đầu công nghiệp hóa. Hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, như miêu tả của Marcel Monnier:
"Thành phố chỉ chiếm một dải đất rất hẹp. Từ sông không thể thấy con đường duy nhất, đường New Road, dài 6 kilômét; nó giống một lối thoát hơn là một con đường, trên đường những cỗ xe cà tàng kỳ cục buộc những con ngựa gầy, xe kéo tay, xe trâu và những toa tàu của tuyến tàu điện nối vùng ngoại ô Bang-Kalem với hoàng thành qua lại trong tiếng ồn ào của sắt vụn".
Hoàng cung Thái Lan cuối thế kỷ XIX, nguồn: gallica.bnf.fr
Đêm Bangkok cuối thế kỷ XIX yên tĩnh và không có nhiều hoạt động vui chơi. Ngược lại, thành phố có nhiều hoạt động tôn giáo với những nghi thức cầu kỳ và bầu không khí không giống như những gì chúng ta thường thấy.
Đó là một Bangkok mà ta khó có thể hình dung nếu không phải qua những trang sách của người lữ hành lỗi lạc Marcel Monnier.
Thông tin chung:
Tên sách: Vòng quanh châu Á: Nam Kỳ - Trung Kỳ - Bắc Kỳ
Nhà xuất bản: Dân trí
Đơn vị thực hiện: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - AlphaBooks
Liên hệ mua sách:
Chị Lê Thị Kim Oanh
☎ 0915.444.858
Bùi Hệ