10:11 PM 13/03/2024  | 

KỲ I: LỜI HIỆU TRIỆU

Tháng 7 năm Tự Đức thứ 11 (1858) thuyền Tây dương bắt đầu sinh sự ở cửa biển Đà Nẵng. Liên tiếp các báo cáo của Bộ Binh và tỉnh Quảng Nam được chuyển gấp về triều đình, cấp báo tình hình chiến sự nóng bỏng tại khu vực này.

Bản Tấu ngày 24 tháng 7 năm Tự Đức 11 (tức ngày 2/9/1858) của Bộ Binh báo cáo: Giờ Tị ngày 23, có 12 chiến thuyền của Tây dương tiến vào vịnh Trà Sơn (Sơn Trà), bắn pháo dồn dập vào các đồn bảo và pháo đài An Hải. Các đồn và pháo đài cũng bắn trả, hai bên bắn nhau khói bụi mờ mịt trong nhiều giờ[1].

Lại một bản Tấu của Quảng Nam ngày 10 tháng 8 (tức 17/9/1858) do Thự Bố chánh sứ Thân Văn Nhiếp và Án sát sứ Lê Văn Phổ trình rằng: Thuyền Tây dương vào vịnh Trà Sơn tấn Đà Nẵng gây sự, bắn phá các đồn bảo và 30 xã thôn ven biển, lại lên bờ quấy nhiễu bắt bớ người và trâu lợn khiến dân chúng sợ hãi, già trẻ dắt díu nhau chạy tán loạn, bỏ lại tài sản nhà cửa hoang phế[2]

Hoàng đế Tự Đức. Nguồn: Sưu tầm

 

Trước tình hình đó, vua Tự Đức đã ngay lập tức thiết triều, cùng quần thần bàn bạc kế sách ứng phó. Lệnh cử gấp quyền Chưởng doanh Hổ uy là Đào Trí gấp rút đến vùng chiến sự, phối hợp với Tổng đốc Nam - Ngãi Trần Hoằng cùng Án sát sứ Lê Văn Phổ, Bố chánh sứ Thân Văn Nhiếp hiệp đồng đánh dẹp, chống giữ.

Được tin quân Tây dương đang vây đánh 2 thành An Hải, Điện Hải, vua sai Thự Hữu quân Đô thống Lê Đình Lý phong làm Tổng thống quân vụ, Hữu Tham tri Bộ Hộ Phan Khắc Thận làm Tham tán, cùng các viên Vệ úy, Hiệp quản đem theo 2.000 quân Cấm binh đến chi viện.

Vua truyền Dụ cho Lê Đình Lý rằng: Cửa biển ấy từ Hải Vân đến Câu Đê một dải đều là đường quan báo, phải tăng cường phòng thủ cho nghiêm ngặt. [Giao cho ngươi] quản đốc binh lính các đạo, trước sau tùy nghi tính liệu việc đóng đồn để canh phòng, cùng bọn Đào Trí phối hợp chống đỡ, cốt sao cho quân Tây dương không thể lên bờ. Các ngươi hãy cố gắng để xứng với chức trách Trẫm giao phó. Ngoài ra truyền thưởng ngân tiền cho quân thứ các đạo để khích lệ.

Lại chuẩn định: Quan quân ở Quảng Nam, người nào ra trận chém, bắt hoặc bắn chết được giặc, nếu chẳng may chết trận hoặc bị thương, theo lệ cho thưởng cấp tiền tuất thật hậu đãi. Kẻ nào nhút nhát rút lui, hoặc trốn chạy, không câu nệ là tướng hay quân, đều lập tức chém đầu để răn đe[3].

Liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng (1.9.1858)

Nguồn: Sách Việt Nam trong quá khứ qua tranh khắc Pháp

 

Tuy nhiên trước sức mạnh của liên quân Pháp-Tây Ban Nha với trang bị tối tân, quân triều đình nhanh chóng bị đánh bại. Hai thành An Hải, Điện Hải không giữ được, liên quân tiến vào đất liền đánh tan phòng tuyến được đắp bằng ụ đất và rào tre tại xã Mỹ Thị, phá đồn Thổ Sơn. Tổng thống quân vụ Lê Đình Lý[4] đánh nhau với quân Tây dương một trận lớn ở xã Cẩm Lệ[5]và bị trúng thương nặng. Vua cho sai Thống chế quyền Chưởng Hậu quân Chu Phúc Minh kiêm quản doanh Hổ uy thay làm Tổng thống quân vụ. Lại điều thêm Nguyễn Tri Phương đương chức Kinh lược sứ Nam kỳ kiêm làm Tổng đốc quân vụ Quảng Nam, Phạm Thế Hiển làm Tham tán quân vụ, nhanh chóng đến phối hợp để đánh giặc.

Liên quân pháo kích vào các đồn phòng thủ của nhà Nguyễn trên bán đảo Sơn Trà tháng 9.1858. Nguồn: Sách Việt Nam trong quá khứ qua tranh khắc Pháp

 

Trong khoảng 6 tháng, từ cuối năm 1858 đến đầu năm 1859 quân triều đình đã chiến đấu với liên quân nhiều trận lớn nhỏ, khiến hai bên đều tổn thất nặng nề. Nhận thấy không thể tiến ra Bắc đánh chiếm thủ phủ của triều Nguyễn là Kinh đô Huế, quân Pháp chuyển hướng vào Nam kỳ.

Vua Tự Đức cũng sớm nhận ra điều đó, nên đã giao cho Nguyễn Tri Phương phòng bị chặt, và chuẩn bị lực lượng kháng chiến. Để khích lệ quân và dân Nam kỳ, liên tiếp trong những tháng đầu năm 1859 vua Tự Đức ban hành rất nhiều bản Dụ như một lời hiệu triệu, kêu gọi toàn dân đoàn kết đồng lòng cùng nhau diệt giặc.

Bản Dụ ngày 20 tháng Giêng năm Tự Đức 12 (tức 22/2/1859) bố cáo rộng rãi đến toàn thể quan lại, binh lính, nhân dân Lục tỉnh Nam kỳ. Dụ rằng:

Bọn giặc Tây độc ác tham tàn đã đến cửa biển Đà Nẵng gây rối, liên tục bị quan binh triều đình tiêu diệt. Nay lại tiến vào vùng biển các tỉnh Gia Định, Biên Hòa quấy nhiễu. Bọn man di ấy thật không biết tự lượng sức mình, nhưng xét chúng cũng chẳng có tài cán gì nhiều. Vì vậy tất thảy quan dân kẻ sĩ nước ta không được nóng vội, cần giữ cho mọi việc bình ổn, không hoảng loạn lo âu, hãy có trí dũng để trù liệu phương thức diệt giặc.

Nay lệnh cho Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát của Lục tỉnh Nam kỳ, tất cả đều phải bình tĩnh, khích lệ binh dân không được để họ kinh động. Dân Nam kỳ vốn được tiếng là chuộng nghĩa, vậy nếu như có nghĩa binh tình nguyện tòng quân cũng cho phép tham gia. Lại chiêu mộ thêm hương dũng sai họ tập luyện để tự phòng bị cho nghiêm, không được để bọn xấu lợi dụng. Các ngươi đều có trách nhiệm giữ đất, cần phải cân nhắc thời cơ mà hành động, chớ khinh suất, cốt sao sớm giữ yên hải phận và các vùng biên giới[6].

Bản Dụ của vua Tự Đức kêu gọi quan lại, binh lính, nhân dân Lục tỉnh Nam kỳ chuẩn bị kháng chiến. Nguồn: Châu bản triều Nguyễn

 

Sau đó nhân dự lễ duyệt binh đầu năm, ngày 26 tháng Giêng (tức 28/2/1859) vua Tự Đức lại ban Dụ đến toàn bộ tướng lĩnh, quân binh của triều đình. Dụ rằng:

Kỳ đại duyệt binh đầu xuân năm nay, Trẫm thân hành ngự duyệt, thấy quân dung chỉnh tề, hiệu lệnh nghiêm cẩn, thật đáng vui mừng. Nghĩ rằng tuyển quân là để bảo vệ quốc gia, triều đình nuôi dưỡng quân binh sở dĩ là đợi có ngày dùng đến.

Gần đây bọn giặc Tây vào Đà Nẵng, Gia Định gây hấn. Phàm sĩ dân ta không thể không sung trận. Những ngày này đang có việc đánh dẹp vất vả, cũng là điều Trẫm không hề mong muốn. Từ khi gây dựng đất nước, sĩ tốt các ngươi đã phải nhiều phen lao lực. Nay bọn giặc Tây kia lại dám vô lễ gây sự, quyết phải xử tội, không để bọn chúng có thể ung dung chiến thắng. Cho nên quân ta cần tu chỉnh gươm giáo để hỏi tội chúng.

Việc để xảy ra chiến tranh chẳng qua là điều bất đắc dĩ, mong tướng sĩ các ngươi hiểu được lòng Trẫm. Biên cương có phòng bị tốt hay không chính là ở các ngươi. [Thế mà] khi có sai phái vẫn nhiều kẻ không nghĩ đến việc dũng cảm tiến lên, lẽ nào [các ngươi] không hổ thẹn là trai nam nhi và phụ ân đức nuôi dưỡng dạy dỗ của triều đình? Đó là những điều khiến Trẫm không vui. Vì vậy các ngươi cần phải suy nghĩ cố gắng[7].

Tiếp theo ngày 3 tháng 2 năm Tự Đức 12 (tức 7/3/1859) vua Tự Đức lại ban hành một đạo Dụ cho phép nhân dân Lục tỉnh Nam kỳ được tự chế tạo vũ khí để bảo vệ làng xóm và tiêu diệt giặc. Dụ nêu rõ:

Gần đây bọn giặc Tây đột nhiên đến gây sự ở Nam kỳ khiến lòng người căm phẫn mà đứng lên chống lại. Đã Dụ chuẩn cho các tỉnh Long-Tường (Vĩnh Long-Định Tường), Định-Biên (Gia Định-Biên Hòa) chiêu mộ dân dũng để chuẩn bị sai phái. Khi trăm họ đều là lính thì cần phải có khí giới tinh nhuệ mới mong thắng được giặc.

Vì vậy lệnh cho Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát của Lục tỉnh Nam kỳ, sức cho các thôn xã thuộc hạt, phàm các loại như súng, kiếm, dao, gậy, theo lệ trước đây không được chế tạo riêng, nay đều cho phép được chế tạo để tự bảo vệ làng xóm. Nếu như bọn giặc Tây dám xâm phạm nơi nào, thì lập tức hợp sức tiêu diệt. Nếu như có lúc cần trưng dụng thì tiện cả đôi đường. Sau khi tình hình yên ổn trở lại, [các vũ khí tự chế đó] cho nộp vào làm của công hoặc huỷ đi làm công cụ sản xuất. Nhưng phải nghiêm sức cho các phủ huyện tuỳ theo số dân nhiều ít, mà quy định số lượng chế tạo cho đủ nhu cầu[8].

Đón xem kỳ 2: Mật bàn sách lược

 

[2] Châu bản triều Nguyễn, triều Tự Đức, 93/57.

[3] Đại Nam thực lục, Đệ Tứ kỷ - Quyển XIX.

[4] Lê Đình Lý người huyện Phù Mỹ tỉnh Bình Định, sau trận đánh nhau với liên quân ở Cẩm Lệ ông bị trúng đạn thương nặng, xin về quê để dưỡng thương. Vua Tự Đức cử thầy thuốc đến tận nhà chữa trị nhưng sau vài hôm thì mất. Vua xót thương chuẩn cho được thực thụ chức hàm, lại cấp thêm 2 cây gấm màu, lụa nhiễu, sa màu mỗi thứ 3 tấm và 800 quan tiền, ngoài ra sai quan tỉnh Bình Định đến tế một tuần.

[5] Các xã Mỹ Thị, Cẩm Lệ thời Nguyễn thuộc huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nay thuộc địa phận thành phố Đà Nẵng.

[8] Châu bản triều Nguyễn, triều Tự Đức, 102/127.

Nguyễn Thu Hoài