Áp phích kêu gọi mít tinh ủng hộ những người bị kết án ở Yên Bái, nguồn ANOM
Điện mật của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương về việc xử tử một số đảng viên VNQDĐ ngày 09.03.1931
Khởi nghĩa Yên Bái đêm 09 rạng ngày 10/02/1930
VNQDĐ quyết định tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa đồng loạt ở một số tỉnh Bắc Kỳ vào đêm 9 rạng sáng ngày 10/2/1930. Cuộc tổng khởi nghĩa tại Yên Bái do Nguyễn Văn Khôi (Thanh Giang) và Nguyễn Nhật Thân lãnh đạo; Sơn Tây do Phó Đức Chính; Hưng Hoá và Lâm Thao do Nguyễn Khắc Nhu; Phả Lại và Hải Dương do Nguyễn Thái Học; Hải Phòng và Kiến An do Vũ Văn Giản tức Vũ Hồng Khanh, và Hà Nội do Đoàn Trần Nghiệp lãnh đạo.
VNQDĐ quyết định chọn Yên Bái vì đây là vị trí quan trọng trên tuyến đường nối Hà Nội với Lào Cai và Vân Nam. Đây cũng là nơi đóng quân của 4 đại đội thuộc tiểu đoàn số 2, trung đoàn lính khố đỏ số 4.
Để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa ở Yên Bái, hai đảng viên Nguyễn Thị Giang và Nguyễn Thị Bắc được phái tới thành lập và tổ chức binh đoàn Yên Bái, đồng thời gây dựng cơ sở trong lực lượng lính khố đỏ tại đây. Một chi bộ VNQDĐ gồm binh lính người Việt trong quân đội Pháp được thành lập. Lính khố xanh và chi bộ tại Xuân Lũng (Phú Thọ) hứa ủng hộ và tham gia khởi nghĩa. Tuy nhiên, sắp tới ngày khởi nghĩa thì người chỉ huy là Quản Cầm bị bệnh và chữa trị tại bệnh viện Lanessan nên cử Ngô Hải Hoàng thay thế.
Theo mật báo của Công sứ Yên Bái là De Bottini gửi Toàn quyền Đông Dương Pasquier, đêm ngày 9/02/1930[1], ngay khi có kèn hiệu tắt đèn ở trại lính, lực lượng nổi dậy đã đột nhập và hội với lực lượng binh lính nổi dậy bên trong. Mũi quân thứ nhất và thứ hai chiếm đánh hai khu nhà ở của đại đội số 5, 6, 7 và 8 (hay còn gọi là đồn Cao và đồn Dưới) thuộc Trung đoàn lính khố đỏ Bắc Kỳ số 4. Mục đích là tiêu diệt các chỉ huy người Pháp, chiếm kho vũ khí. Tại đồn Cao, hạ sĩ Cuneo và trung sĩ Chavalier bị giết. Tại đồn Dưới, trung sĩ Damour bị giết, trung sĩ nhất Renaudet, trung sĩ Rolland và hạ sĩ Trotoux bị thương nặng. Trung sĩ nhất Bouhier bị đâm 14 nhát và trúng 4 viên đạn. Khoảng 5-6 lính khố đỏ bị thương. Mũi tấn công thứ ba đánh thẳng vào khi nhà ở của các sĩ quan Pháp nằm giữa hai khu nhà ở trên. Chỉ trong thời gian ngắn, hai sĩ quan Pháp bị giết : trung úy Robert và đại úy Jourdan, hai sĩ quan Pháp khác bị thương là đại úy Gainza và trung úy Reul. Tên tiểu đoàn trưởng, thiếu tá Le Tacon đã chốt chặt ở đồn Cao và đánh trả lực lượng tấn công. Quân nổi dậy dần rơi vào bất lợi do chỉ có ít lính khố đỏ theo còn lính khố xanh không những không theo như đã hứa mà còn chống lại.
Đến 7 giờ sáng ngày 10/02, Tacon chỉ huy 3 đạo quân Pháp do đại úy Roccas, thiếu úy Varenne và trung sĩ Ollivier cầm đầu phản công. Trước sức tấn công mạnh của đối phương, nghĩa quân thất bại và dần tan rã. Quân Pháp tái chiếm được lại toàn bộ trại lính, bắt giữ 4 cai và 22 lính khố đỏ cùng 25 người tham gia khác. Phía quân Pháp, thiệt hại là 2 sĩ quan, 3 hạ sĩ quan, 6 cai và lính khố đỏ bị giết, 2 sĩ quan, 4 hạ sĩ quan, 4 cai và lính khố đỏ bị thương, 8 lính khố xanh mất tích. Theo báo cáo của Tacon, có khoảng 50 trong tổng số 600 lính khố đỏ đóng tại Yên Bái đã tham gia cuộc khởi nghĩa. Vào lúc 9h30, Công sứ Yên Bái gửi điện tín thông báo cuộc khởi nghĩa đã gần như bị dập tắt, lính Pháp, lính khố xanh, khố đỏ đi tuần trên các phố và khu vực lân cận, một máy bay được điều từ Hà Nội lượn trên bầu trời Yên Bái nhằm kiểm soát tình hình.
Báo cáo mật số 7880 ngày 18.6.1930 về vụ hành quyết 13 đảng viên VNQDĐ tham gia khởi nghĩa Yên Bái
Danh sách những người bị kết án sau khởi nghĩa Yên Bái
Các tỉnh trung du và miền xuôi
Ba giờ sáng ngày 10/02, Nguyễn Khắc Nhu chỉ huy quân đánh vào thị xã Hưng Hóa nhưng không đạt kết quả. Sáng ngày 10/02, Pháp điều 50 lính lê dương từ PhúThọ phản công, quân khởi nghĩa bị đánh tan, Nguyễn Khắc Nhu bị bắt và sau đó tự sát. Tại phủ Lâm Thao, cánh quân do Bùi Xuân Mai (tức Lý Mai) chỉ huy nhanh chóng làm chủ, truy đuổi tri phủ Đỗ Kim Ngọc, treo cờ, đốt lửa báo tin thắng lợi. Sáng hôm sau, quân Pháp do Phó công sứ Phú Thọ là Chauvet chỉ huy tấn công quyết liệt, tái chiếm phủ, nghĩa quân phải rút vào các làng lân cận, một số bị bắt, trong đó có Bùi Xuân Mai. Do kế hoạch bị lộ từ trước nên cuộc tấn công vào thị xã Sơn Tây tại đồn Chùa Thông cũng không giành được thắng lợi. Sáng ngày 10/02, Phó Đức Chính bị bắt.
Đêm ngày 14 rạng sáng ngày 15/02/1930, VNQDĐ tiến hành khởi nghĩa tại Phả Lại, Vĩnh Bảo, Kiến An, Phụ Dực. Tại Vĩnh Bảo (Hải Dương), Trần Quang Diệu chỉ huy quân khởi nghĩa từ làng Cổ Am tiến lên tấn công huyện lỵ, giết Tri huyện Hoàng Gia Mô rồi tự giải tán. Tại Phụ Dực (Thái Bình), nghĩa quân đánh chiếm được phủ huyện, đốt giấy tờ sổ sách nhưng do lực lượng không đủ nên tự giải tán.
Kế hoạch khởi nghĩa tại Kiến An bị lộ, Công sứ tỉnh Kiến An là Saillenfest de Soudeval cùng phó sứ là L. Gorrec đã ra lệnh bắt giam toàn bộ lính khố đỏ, tổ chức canh phòng cẩn mật nên quân khởi nghĩa tự giải tán. Quân khởi nghĩa cũng gặp thất bại ở Đạo quan binh Phả Lại.
Tại Hà Nội, Đoàn Trần Nghiệp chỉ huy đội cảm tử gồm có Nguyễn Văn Liên, Mai Duy Xứng, Nguyễn Minh Luân, Nguyễn Quang Triệu và Nguyễn Bá Tâm, tiến hành ném bom ở năm địa điểm ở Hà Nội, trong đó có nhà Chánh mật thám Arnoux: 2 trái; Hỏa Lò: 8 trái; Sở Sen đầm: 2 trái. Bom nổ nhưng không có ai thiệt mạng. Đoàn Trần Nghiệp bị truy nã khắp nơi, sau đó thì bị bắt tại Nam Định và bị hành quyết tại Hà Nội.
Ngày 27 /02/1930, 15 người của quân khởi nghĩa đã bị đem ra tòa xử và 4 trong số đó bị tử hình.
Tờ Avenir du Tonkin số ra ngày 27.03.1930
Phiên tòa ngày 27/03/1930 tại Yên Bái
Sau khi một loạt lãnh đạo của VNQDĐ bị bắt, ngày 23/3/1930, thực dân Pháp đưa 87 người tới Yên Bái xử. Những người bị kết án và có liên quan bị giam giữ tại nhà tù Yên Bái dưới sự canh gác cẩn mật của lính lê dương[2]. Có 15 người bị kết án, 87 người liên đới, tổng cộng là 102 tù nhân. Ngày 27/3, đoàn luật sư người Pháp gồm luật sư Mandrette (Văn phòng Kỷ luật luật sư bào chữa), hai luật sư Bona, Mayet (Văn phòng luật sư Mourlan và Pascalis), luật sư Maistre (Văn phòng luật sư Mansohn) đi tàu đến Yên Bái. Phiên tòa diễn ra trong hai ngày do viên quan cai trị dân sự hạng nhất-thanh tra các sự vụ chính trị ở Bắc Kỳ Poullet Osier làm chủ tịch, trợ tá là Công sứ Yên Bái Bottini, thẩm phán: đại úy Guillaumin, lục sự: Stalter và thông ngôn: Duvillier. Sau phiên tòa tại Yên Bái, Tòa đại hình Bắc Kỳ mở tiếp phiên tòa tại Phú Thọ và Kiến An để xét xử những người tham gia khởi nghĩa tại hai địa phương này[3].
Trong phiên thẩm vấn ngày thứ hai. Nguyễn Thị Bắc (hay còn được gọi là Cô Bắc) khẳng khái : «Tôi là người cách mạng bởi vì tôi là người Việt Nam ». Phó Đức Chính hiên ngang trả lời : «Trong đảng của chúng tôi, không có ai là thủ lĩnh, chúng tôi bình đẳng. Tôi nhận trách nhiệm trong vụ tấn công ở Yên Bái ». Bùi Tử Toàn thừa nhận là liên lạc viên, tham gia sản xuất bom cũng như vụ tấn công ở Yên Bái, còn Nguyễn Văn Khôi nhận là chỉ huy lính khố xanh tham gia khởi nghĩa. Lê Xuân Huy khai tham gia VNQDĐ, cùng với Bùi Xuân Mai sản xuất bom ở Xuân Lũng và Sơn Dương. Bị Pháp buộc tội là một trong những người tham gia tích cực trong cuộc khởi nghĩa, Nguyễn Hữu Liên (hay Nguyễn Như Liên, tức Ngọc Tỉnh) nhận đã kêu gọi lính khố xanh tham gia khởi nghĩa.
Ngày 03/05/1930, Toàn quyền Đông Dương Pasquier gửi điện cho Thống sứ Bắc Kỳ để thông tin về sắc lệnh ngày 01/05/1930 của Tổng thống Pháp quyết định ân xá một số tù nhân[4] bị kết án sau khởi nghĩa Yên Bái, trong đó ghi rõ :
Điện mật đề ngày 12/04/1930 của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Thống đốc Nam Kỳ thông báo, 4 hiến binh người Âu và bản xứ cùng 12 lính khố xanh được lệnh áp giải từ nhà tù Hỏa Lò ra ga Hà Nội 50 đảng viên của VNQDĐ bị Tòa đại hình Yên Bái kết án tù khổ sai để lên tàu hỏa xuống Hải Phòng. Họ tiếp tục bị dẫn lên tàu « Claude Chappe », tàu nhổ neo rời cảng lúc 4 giờ sáng ngày 10/04/1930 đến Côn Đảo.
Ngày 16/6/1930, 13 nghĩa sĩ gồm Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Bùi Tử Toàn, Bùi Văn Chuẩn, Nguyễn An, Hà Văn Lạo, Đào Văn Nhít, Ngô Văn Du, Nguyễn Đức Thịnh (tài liệu lưu trữ Pháp ghi là Văn Thịnh), Nguyễn Văn Tiềm, Đỗ Văn Sứ (trong tài liệu lưu trữ Pháp ghi Văn Tứ), Bùi Văn Cửu (tài liệu lưu trữ Pháp ghi là Nguyễn Văn Cửu), Nguyễn Như Liên (Ngọc Tỉnh) bị áp giải từ nhà tù Hỏa Lò lên Yên Bái dưới sự áp tải của viên thanh tra phụ trách sự vụ chính trị Servoise để thi hành án chém đầu diễn ra vào lúc 5 giờ10 đến 6 giờ sáng ngày 17/6. Theo báo cáo ngày 18/6/1930 của Chánh mật thám Bắc Kỳ gửi Thống sứ Bắc Kỳ và Giám đốc Sở Liêm Phóng Đông Dương, máy chém được dựng tại khu đất gần khu nhà ở của lính khố xanh. Một hàng rào bảo vệ gồm lính lê dương, lính khố đỏ và cảnh sát đã được huy động. Lần lượt từng nghĩa sĩ bị một toán lính lê dương áp giải ra máy chém trước sự chứng kiến của Công sứ De Bottini. Nguyễn Như Liên là người bị hành quyết đầu tiên, Phó Đức Chính và Nguyễn Thái Học là hai người bị hành quyết cuối cùng. Cai Thuần, người thứ 11 bị hành quyết cách máy chém vài mét đã hô to « Việt Nam » và bị vài tên linh lê dương xông tới bịt miệng. Phó Đức Chính trước khi lên máy chém đã hô to «Việt Nam Vạn Tuế ». Nguyễn Thái Học là người cuối cùng bước lên máy chém. Ông lướt mắt nhìn những người tới xem vụ hành quyết, các toán lính Pháp, lính khố xanh và máy chém rồi mỉm cười. Ông cũng hô to đầy nhiệt huyết «Việt Nam Vạn Tuế ».
Khởi nghĩa Yên Bái thất bại nhưng đã gây được tiếng vang lớn, tờ l’Humanité (Nhân đạo) của Pháp, số ra ngày 06/03/1930 đã gọi những bản án xử tử, khổ sai, đi đày mà thực dân Pháp tuyên cho những nghĩa sĩ của VNQDĐ là « tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp » đối với những nhà cách mạng Đông Dương.
Tờ Avenir du Tonkin số ra ngày 28.03.1930
[1]. Yên Bái –Đêm rực lửa (La nuit rouge à Yên Bay), Bốn Mắt, Hà Nội, 1931, trang 9-24.
[2].TờTương lai Bắc Kỳ (Avenir du Tonkin), số ra ngày 27/03/1930.
[3].TờNgười bạn nhân dân (Ami du Peuple) số ra ngày 01/04/1930.
[4]. Tên của một số đảng viên bị kết án không được tra cứu đầy đủ do khi bị Pháp thẩm vấn, nhiều đảng viên khai sai tên hoặc khai bí danh để tránh liên lụy đến những người khác, theo cuốn Việt Nam Quốc dân đảng của tác giả Hoàng Văn Đào.
Ngọc Nhàn