08:17 AM 08/06/2020  | 

Lưu trữ Hải ngoại Pháp (ANOM) lưu trữ nhiều tài liệu của Sở Liêm phóng (hay còn gọi là Sở Mật thám) Đông Dương về Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ). Đây chủ yếu là các báo cáo, đánh giá về hoạt động của đảng này, kể từ ngày thành lập (năm 1927) đến khi khởi nghĩa Yên Bái thất bại, các phiên tòa xét xử các đảng viên bị bắt.

Nguyễn Thái Học. Nguồn internet

Báo cáo của Bride, Chánh án Tòa đại hình Bắc Kỳ năm 1929 tổng hợp quá trình hoạt động của một tổ chức chính trị lớn chống Pháp có tên gọi Việt Nam Quốc dân Đảng (VNQDĐ), đòi giành độc lập cho Việt Nam bằng mọi cách và mọi giá có thể. Bản báo cáo nêu khá cụ thể về nội dung các cuộc họp của VNQDĐ, cũng như đánh giá vai trò của những lãnh đạo như Nhượng Tống, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thế Nghiệp hay Nguyễn Khắc Nhu (Xứ Nhu).

Nam Đồng thư xã và tổng hợp các hoạt động của các đảng viên cao cấp

Nam Đồng thư xã được thành lập từ năm 1925, do Phạm Tuấn Lâm (Dật Công), Phạm Tuấn Tài (Mộng Tiên), và Hoàng Phạm Trân (Nhượng Tống) đứng ra thành lập, tại số 6 đường 96 khu Nam Đồng (trước Bờ Hồ Trúc Bạch, Hà Nội). Đây là nơi chuyên viết, dịch và cho xuất bản các tác phẩm cách mạng thế giới.

Tháng 7/1927, mật thám Pháp phát hiện Nguyễn Thái Học xuất hiện ở Nam Đồng thư xã, nơi được ông dùng để ở. Tháng 9/1927, Nguyễn Thái Học cùng với Phạm Tuấn Tài lên kế hoạch chống Pháp. Cũng trong tháng 9/1927, Nguyễn Ngọc Sơn lên đường sang Trung Quốc.

Tháng 11/1927, mật thám Pháp báo cáo về một cuộc nổi dậy có thể diễn ra vào ngày 11/11/1927 ở Bắc Ninh, kỷ niệm Ngày Đình chiến. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy đã không diễn ra do Nguyễn Thái Học cho rằng thời điểm chưa thuận lợi, một cuộc nổi dậy chưa được chuẩn bị kỹ có thể ảnh hưởng không tốt đến tổ chức cũng như sự phát triển của VNQDĐ. Ngày 24,25 và 26/11/1927, Nhượng Tống, Phạm Tuấn Tài, Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn họp tại nhà của Nguyễn Thái Học, Phạm Tuấn Tài vừa trở về từ Tuyên Quang. Mỗi người trình bày quan điểm cũng như kế hoạch của riêng mình và tuyên bố thành lập tổ chức có tên gọi Việt Nam Quốc dân Đảng (Tài liệu của VNQDĐ ghi ngày thành lập của đảng là ngày 25/12/1927[1]). Nguyễn Thái Học muốn tập hợp các đảng nhóm nhỏ chống Pháp trong vùng. Tháng 12/1927, Nguyễn Thế Nghiệp đi Nam Kỳ nghiên cứu tình hình chính trị, đến Thanh Hóa, ông đã phân công Hoàng Văn Tùng tiến hành các hoạt động tuyên truyền trong vùng cũng như Bắc Trung Kỳ. Nguyễn Ngọc Sơn đến Ninh Bình cùng với Phạm Tiềm (tức Tú Tiềm), Nhượng Tống đến Thái Bình, Nguyễn Thái Học và Hồ Văn Mịch lên Lào Cai. Phạm Tuấn Tài về lại Tuyên Quang. Tháng 2/1928, Nguyễn Thế Nghiệp từ Nam Kỳ trở về và ở lại Nam Đồng thư xã, khi đó chỉ còn lại Nguyễn Thái Học.

Vào giai đoạn này, mật thám Pháp coi Nhượng Tống là nhân vật hoạt động tích cực nhất của đảng. Ông đóng vai trò tuyên truyền, thư ký, biên tập, là cầu nối với các nhà xuất bản ở Nam Kỳ bị chính quyền Pháp nghi ngờ tham gia VNQDĐ. Ông vận động cho kế hoạch thành lập một chi bộ lớn ở Sài Gòn cũng như tại các thành phố lớn của Đông Dương. Nhượng Tống cố vấn cho những người mà ông thường trao đổi thư từ trong soạn thảo tài liệu tuyên truyền phân phát tại Bắc Kỳ, kêu gọi giành tự do cho đất nước.

Các cuộc họp của VNQDĐ không có thời gian và địa điểm cố định. Ngày 7/4/1928, Nguyễn Thái Học và Nguyễn Kim Ngữ đến Yên Phụ. Cũng trong tháng này, các đảng viên của các chi bộ trong vùng cũng về họp tại Nam Đồng thư xã để tổng kết tình hình chính trị. Biết bị mật thám Pháp theo dõi, Nguyễn Thế Nghiệp không rời khỏi nơi ở, tiếp tục soạn thảo điều lệ đảng. Tháng 5/1928, ông đi Thái Bình, Thanh Hóa và Vinh. Trong thời gian này, VNQDĐ nhóm họp dưới sự điều hành của những thành viên sáng lập. Phạm Tuấn Tài, Nguyễn Thái Học, Nhượng Tống, Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, Hồ Văn Mịch và Lê Văn Phúc là ủy viên lâm thời, đảm trách việc tổ chức VNQDĐ dưới sự chủ trì của Nguyễn Thái Học. Tháng 7/1928 diễn ra cuộc họp đầu tiên có sự tham dự của đại biểu các vùng và Ủy ban trung ương được thành lập. Cũng từ mốc thời gian này, mọi hoạt động của VNQDĐ bị mật thám Pháp theo dõi chặt chẽ, trong đó có các thông tin về chương trình họp, thảo luận, các cuộc họp.

Tổ chức của Việt Nam Quốc Dân Đảng

Chuyến đi của Nguyễn Thế Nghiệp ở Trung và Nam Kỳ tháng 12/1927

Tại Vinh, Nguyễn Thế Nghiệp gặp rất nhiều nhà cách mạng tham gia và liên quan đến vụ lưu vong bí mật ở Móng Cái, đa số họ đã là đảng viên của VNQDĐ ở Bắc Trung Kỳ. Tại Huế, ông gặp Phan Bội Châu. Ở Sài Gòn, ông gặp Vũ Đình Dy - chủ bút của tờ «Thanh niên Đông Dương», Nguyễn Khánh Toàn, cựu chủ bút của tờ «Nhà quê» (năm 1929, đã chuyển sang sống ở Marseille, Pháp). Hai ông đã cung cấp cho Nguyễn Thế Nghiệp thông tin về tình hình chính trị và tổ chức của các hội nhóm do Nguyễn An Ninh, Trần Nguyên Phú và Nguyễn Đinh Kiêm lãnh đạo. Gấp gáp trở về Bắc Kỳ tham dự lễ thành lập VNQDĐ, tháng 3/1927, Nguyễn Thế Nghiệp lên tàu về Bắc Kỳ cùng với Nguyễn Văn Ngọc và Cao Hữu Tạo, mà theo mật thám Pháp cho là nhân viên Ngân hàng Đông Dương.

Chuyến đi tuyên truyền ở Xiêm La (Thái Lan) tháng 6/1927

Chuyến đi này được những người khởi xướng thành lập VNQDĐ quyết định ngày 22/05. Nguyễn Thái Sơn, Hồ Văn Mịch và Phạm Tiềm (tức Tú Tiềm) đã tới Xiêm La vào tháng 6/1927. Ba người tới Udon ở Tây Bắc Thái Lan, gặp nơi có nhiều chí sĩ Việt Nam lưu vong sinh sống, trong đó có Hy Tống và Ngọc Ân của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Ba ông tham dự cuộc họp tưởng niệm người đã hy sinh trong vụ ám sát Toàn quyền Đông Dương Merlin năm 1924. Nhân dịp này, ba ông đã có những bài phát biểu, vận động hợp nhất với Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, nhưng đảng này đã trả lời cần phải tham vấn ý kiến của những người cộng sản ở Quảng Châu. Cuối tháng 7/1927, Tú Tiềm về nước và có bản báo cáo về chuyến đi trong cuộc họp ngày 02/9.

Chuyến đi của Nguyễn Ngọc Sơn và Hồ Văn Mịch tới Nam Kỳ

Nguyễn Ngọc Sơn và Hồ Văn Mịch không trở về Bắc Kỳ sau khi rời Xiêm La mà tới Nam Kỳ, với mục đích thành lập các chi bộ tại đây. Cả hai có các cuộc gặp với Nguyễn An Ninh, Tú Kiên và Trần Nguyên Phú, những nhà lãnh đạo của các phong trào chống Pháp tại Nam Kỳ. Theo Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn An Ninh là người vừa trở về từ Pháp, mang tư tưởng phương Tây và đảng do Nguyễn An Ninh lập nên không có cơ sở vững chắc, vì một người trong gia đình khi gia nhập đảng, đồng nghĩa với tất cả gia đình của họ cũng trở thành đảng viên của đảng. Do vậy tuy đảng có số lượng thành viên đông nhưng nhiều người không có khả năng, không có sự bình đẳng giữa các đảng viên. Nguyễn Ngọc Sơn đã chứng minh cho Nguyễn An Ninh thấy những ưu điểm trong tổ chức của VNQDĐ. Nguyễn An Ninh bị bắt và Nguyễn Ngọc Sơn buộc phải dừng kế hoạch hợp tác với Nguyễn An Ninh. Tú Kiên và Nguyễn Ngọc Sơn cũng đã gặp nhau. Tú Kiên là lãnh tụ của Đảng Tân Việt ở Trung Kỳ. Ông cũng cho Nguyễn Ngọc Sơn biết ông hy vọng dẫn đắt đảng của ông thành công trong 3 năm tiếp theo. Việc Tú Kiên bị Pháp bắt đã giáng đòn mạnh vào đảng của ông và bất chấp mọi nỗ lực của Tú Kiên sau khi ra tù, Đảng Tân Việt không thể vực dậy. Trần Nguyên Phú, một thợ ảnh là người sáng lập một đảng chính trị mang khuynh hướng cộng sản. Trong thời gian lưu trú ở Nam Kỳ, Nguyễn Ngọc Sơn đã tổ chức thành công 8 chi bộ và khi về Bắc Kỳ, ông được Trần Nguyên Phú thông báo có thêm 4 chi bộ được thành lập. Dựa vào những hoạt động trên, Đào Khắc Hùng ra thông tri về việc Tú Kiên và Trần Nguyên Phú đã chấp nhận hợp nhất với VNQDĐ tại Nam Kỳ trên nguyên tắc. Thông tin này được mật thám Pháp nắm được khi thu được cuốn sổ tài liệu của VNQDĐ. Cũng trong thời gian lưu trú tại Nam Kỳ, Nguyễn Ngọc Sơn đã tới Cao Miên (Campuchia) để gặp một người tên là Trần Đinh Sóc, cháu của Ba Liệu (Nguyễn Công Riệu) song không có kết quả.

Chuyến đi của Chu Dưỡng Bình tới Trung Quốc

Cuối tháng 12, Chu Dưỡng Bình[2] đến Quảng Châu, nơi diễn ra cuộc họp về các vấn đề quân sự. Ủy ban ngoại giao dự kiến cầu viện giúp đỡ về quân sự của Phi Long và Phi Hồ, hai nhân vật có ảnh hưởng ở Quảng Tây. Theo tài liệu mà mật thám Pháp thu được, đặc biệt là cuốn sổ ghi chép của những người bị bắt và của Đào Khắc Hùng cho thấy, các nhà lãnh đạo VNQDĐ quan tâm đến việc thắt chặt quan hệ với công dân của các cường quốc nước ngoài. Cuốn sổ của Đào Khắc Hùng ghi: «… 2. Về phía Trung Quốc, ông X… có thể được dùng làm trung gian trong quan hệ cần duy trì với Tú Đại Từ. Những người quê gốc Thất Khê trở về từ Quảng Tây có quan hệ chặt chẽ với hai lãnh tụ Trung Quốc (Phi Long và Phi Hồ) có thể cung cấp thông tin họ. Phi Hồ chỉ huy 7.000 quân và Phi Hùng là 5.000 quân… 5. Ở Xiêm La, có những lãnh đạo chỉ huy người Việt Nam». Phi Long và Phi Hồ được giới thiệu trước các thành viên của Tổng bộ như là các tướng lĩnh và cựu tổng đốc của Quảng Tây. Mong muốn duy trì, thắt chặt quan hệ với những lãnh đạo của các cường quốc bị một số đảng viên VNQDĐ không tán đồng. Không tin tưởng Chu Dưỡng Bình và cho rằng ông này không sang Trung Quốc, Tổng bộ đã quyết định cung cấp đầy đủ phương tiện cho một số đại biểu đi kiểm chứng những báo cáo trên.

Phân bố các chi bộ của VNQDĐ giai đoạn cuối năm 1928 đầu 1929

Kỳ II : Quốc dân Đảng những năm 1928-1929


[1].Việt Nam Quốc dân Đảng, Hoàng Văn Đào, 1970, trang 29-40.

[2] . Tài liệu lưu trữ Pháp ghi là Chu Diên Bình.

Ngọc Nhàn