09:18 AM 27/01/2023  | 

Đây là trận đánh phản đột kích có một không hai trong lịch sử chiến tranh hiện đại, được ghi rõ trong các trang lịch sử của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Một trận đánh có ý then chốt trong chiến dịch Quảng Trị 1972, đánh dấu sự kết thúc chiến dịch bằng một chiến thắng hợp đồng binh chủng oanh liệt nhất của Pháo binh, Bộ binh và Bộ đội Tăng Thiết giáp.

Trận đánh mang ý nghĩa quan trọng về chính trị, quân sự, làm rúng động cả hệ thống phòng ngự của địch ở miền Nam, tạo dấu ấn, tạo thế và lực mới ở địa bàn quan trọng. Trận phản kích diễn ra từ ngày 25 tháng 1 đến ngày 31 tháng 1 năm 1973, khi Quân lực Việt Nam Cộng hòa (VNCH) thực hiện nỗ lực tái chiếm cảng Cửa Việt từ tay Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ngay trước khi việc ngừng bắn theo Hiệp định Paris chính thức có hiệu lực, cũng như cuộc phản công của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam nhằm đánh bật đối phương diễn ra ngay sau đó. Kết quả là Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tiếp tục chiếm giữ cảng Cửa Việt, buộc quân lực VNCH phải rút lui sau khi chiếm được cảng trong một thời gian ngắn.

Lúc này, hai bên đều tranh thủ đánh chiếm các vị trí quân sự quan trọng trước khi Hiệp định có hiệu lực lúc 0 giờ GMT ngày 27-01-1973 tức 8 giờ sáng ngày 28 tháng 1 năm 1973. 

Cửa Việt là một quân cảng chiến lược trên địa phận huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, là một đầu mối giao thông đường thủy quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với cả hai bên. Từ sau chiến cục năm 1972, Cảng Cửa Việt nằm dưới sự kiểm soát của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Thực hiện mục tiêu tái chiếm vị trí trọng yếu này, tháng 1 năm 1973, QLVNCH mở Chiến dịch Tango City nhằm đánh chiếm Cửa Việt trước. Ý đồ của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) là cắt đứt sự chi viện bằng đường biển từ hậu phương ra tiền tuyến cho Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, trực tiếp là chi viện cho chiến trường Trị - Thiên, bịt cửa khẩu của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra với quốc tế bằng đường biển, đồng thời thiết lập được một đầu cầu quan trọng để tiếp vận cho các cuộc hành quân của họ nhằm vào các vùng do Quân Giải phóng kiểm soát. Việc Quân lực VNCH tấn công căn cứ Cửa Việt của Quân Giải phóng đã bị Uỷ ban Quốc tế về kiểm soát ngừng bắn ở Việt Nam xác định là hành vi vi phạm Hiệp định Paris.

Chúng tôi là lực lượng pháo binh mặt đất thuộc Đoàn Bông Lau 2 (Lữ PB 45 trang bị pháo tầm xa 130 ly), là một trong những đơn vị pháo binh được tham gia trận đánh chống lấn chiếm này.

Tác giả bài viết và những chiến sĩ pháo 130mm tham gia trận đánh cảng Cửa Việt 27/1/1973

Vì trận chiến diễn ra trong một không gian hẹp, lực lượng địch tập trung với số lượng lớn bộ binh, pháo binh, tăng thiết giáp nên hầu như không cần phải sửa bắn. Lính pháo binh chúng tôi được lệnh bắn thả phanh vào tọa độ mục tiêu đã được xác định, đến mức anh em pháo thủ không còn đủ sức nạp đạn nữa, phải thay người liên tục để nạp đạn.

Trong mùa mưa 1972, mỗi khẩu pháo 130 li chỉ được bắn cầm canh 4 quả đạn trong một ngày vì mùa mưa không thể mang đạn vào trận địa được. Vậy mà ở trận đánh cuối cùng chờ Hiệp định có hiệu lực, đạn được bổ sung liên tục cho các trận địa pháo. Có một điều rất may ở thời điểm này là toàn bộ lực lượng không quân Mỹ sau khi bị tổn thất nặng nề ở trận “Điện Biên Phủ trên không” đã không còn đủ sức tham gia vào mặt trận Quảng Trị. 

Những người chiến sĩ bộ binh với khẩu súng chống tăng B40, B41, AK-47 trên tay quả cảm hơn lực lượng địch đông gấp bội để giành giật từng mét đất. Nhiều người đã ngã xuống ngay tại thời khắc Hiệp định có hiệu lực. 

Sau vài giờ Hiệp định có hiệu lực thì tiếng súng ngừng hẳn. Tuy nhiên ở Cửa Việt thì không vậy. Tại đây, tiếng súng chỉ ngừng hẳn vào buổi sáng sớm 31/1, trước khi Uỷ ban Giám sát Quốc tế có mặt vài giờ đồng hồ. 

Bài viết này để tưởng nhớ rất nhiều đồng đội vô danh đã ngã xuống trong trận chiến này.

Nguyễn Xuân Vượng