Trước khi thực dân Pháp xâm lược, tỉnh Thái Bình ngày nay là địa phận thuộc hai tỉnh Nam Định và Hưng Yên. Từ năm 1873 quân đội Pháp tấn công các tỉnh Bắc Kì và lần lượt chiếm các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Hưng Yên bị chiếm ngày 20 tháng 11 năm 1873 và thành Nam Định bị chiếm ngày 11 tháng 12 năm 1873[1].
Đến năm 1890, tỉnh Thái Bình chính thức được thành lập theo Nghị định ngày 21 tháng 3 năm 1890[2] của Toàn quyền Đông Dương trên cơ sở tách 2 phủ Thái Bình và Kiến Xương (từ tỉnh Nam Định) và huyện Thần Khê (từ tỉnh Hưng Yên) trước đó.
Dinh Công sứ Thái Bình. Nguồn TTLTQG1
Tỉnh Thái Bình được tổ chức thành phủ Thái Bình gồm các huyện Đông Quan, Thanh Quan, Thuỵ Anh, Quỳnh Côi, Phụ Dực, Thần Khê và phân phủ Kiến Xương gồm huyện Vũ Tiên, Thư Trì, Chân Định và Tiền Hải2. Tỉnh lị đặt tại Kiến Xương, bên sông Trà Lý[3].
Sông Trà Lý. Nguồn TTLTQG1
Cuối năm 1894, tỉnh Thái Bình sáp nhập thêm 2 huyện Duyên Hà và Hưng Nhân, phủ Tiên Hưng[4]. Sông Luộc làm ranh giới giữa hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Sau khi sáp nhập thêm 2 huyện trên, tổ chức và tên gọi các phủ huyện của tỉnh Thái Bình thay đổi như sau: huyện Thần Khê trở thành phủ Tiên Hưng.
Phủ Thái Bình đổi gọi là phủ Thái Ninh. Phân phủ Thái Bình và huyện Phụ Dực được đổi thành phân phủ Thái Ninh. Huyện Chân Định đổi gọi là huyện Trực Định[5]. Như vậy, tỉnh Thái Bình năm 1895 gồm phủ Kiến Xương (huyện Trực Định, Vũ Tiên, Thư Trì, Tiền Hải); phủ Tiên Hưng (huyện Thần Khê, Duyên Hà, Hưng Nhân, Quỳnh Côi); phủ Thái Ninh[6] (huyện Thanh Quan, Đông Quan, Thụy Anh); phân phủ Thái Ninh (huyện Phụ Dực). Trung tâm đô thị Thái Bình gồm 3 khu phố.
Chợ Sóc ở phủ Kiến Xương. Nguồn: TTLTQG1
Là một tỉnh thuộc đồng bằng châu thổ Sông Hồng, đất phù sa màu mỡ nên các loại cây trồng ở đây rất phong phú như: lúa, ngô, kê, mía, chuối và nhiều loại rau quả… Sản lượng lúa lên đến 3.600.000 tạ[7] (piculs[8]). Bên cạnh đó, diện tích trồng cây thuốc lá, chè, trầu không, cây bông, cây đay, cây tràm, cây thầu dầu… cũng chiếm số lượng đáng kể ở Thái Bình. Ở đây, các nghề thủ công cũng khá phát triển, tiểu biểu có thể kể đến như: Nghề dệt chiếu, nghề dệt lụa, nấu rượu và các nghề sản xuất phục vụ đánh bắt.[9]
Kể từ những năm 1920 đến cuối thời kì Pháp thuộc, tổ chức các đơn vị hành chính của tỉnh Thái Bình khá ổn định được chia thành 3 phủ và 9 huyện: 3 phủ Kiến Xương, Thái Ninh và Tiên Hưng và 9 huyện: Vũ Tiên, Thư Trì, Tiền Hải, Đông Quan, Thụy Anh, Phụ Dực, Quỳnh Côi, Duyên Hà và Hưng Nhân, với diện tích khoảng 1.500 km2, dân cư đông đúc nhất ở Bắc Kì. Tỉnh được bao quanh bởi các dòng sông và biển[10], do đó, Thái Bình được ví như một hòn đảo nhỏ.
Bản đồ tỉnh Thái Bình năm 1891. Nguồn: TVQG Pháp
Từ sau năm 1945 cho đến ngày nay, tỉnh Thái Bình vẫn luôn là một tỉnh độc lập mặc dù đã có những thay đổi, điều chỉnh về tổ chức hành chính cấp huyện, xã trong lịch sử. Cho đến nay, địa danh “Thái Bình” đã tồn tại chính thức với tư cách một đơn vị hành chính cấp tỉnh tròn 135 năm.
Đỗ Hoàng Anh
[1] Niên giám Đông Dương năm 1893, tr.2
[2] JOIF 1890, tr.334.
[3] RST 54777.
[4] Phủ Tiên Hưng gồm các huyện Duyên Hà, Hưng Nhân và Tiên Lữ. Theo Nghị định năm 1894, hai huyện Duyên Hà và Hưng Nhân được sáp nhập vào tỉnh Thái Bình, huyện Tiên Lữ còn lại sáp nhập vào phủ Khoái Châu, Hưng Yên.
[5] Tên gọi Chân Định được đổi thành Trực Định vào tháng 8 năm 1894 do kị húy.
[6] Năm 1912 đổi thành huyện Thái Ninh.
[7] Theo số liệu tại hồ sơ RST 1556-01
[8] 1 tạ tương đương 62,5 kg (theo Từ điển Pháp – Việt của Đào Duy Anh)
[9] RST 1556-01
[10] RST 54777.
Đỗ Hoàng Anh