Mạc Cửu - người phát hiện vùng đất trù phú
Trong quá trình 300 năm hình thành và phát triển, lịch sử của vùng đất Hà Tiên gắn liền với dấu ấn, công lao của dòng họ Mạc và đứng đầu là Mạc Cửu.
Mạc Cửu (1655-1735) là người nhà Minh, sinh ra ở xã Lôi Quách, huyện Hải Khang, phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc. Không chịu khuất phục chính sách buổi đầu của nhà Đại Thanh, Mạc Cửu để tóc dài, không buộc đuôi sam, đưa cả gia đình và binh sĩ xuôi về phương Nam. Nơi dừng chân đầu tiên của Mạc Cửu là vùng đất Sài Mạt, hay còn gọi là Sóc Mẹt, Tuk Mea, thuộc tỉnh Kampot, Campuchia.
Theo Đại Nam thực lục, Mạc Cửu “đến nước Chân Lạp làm chức Ốc Nha, thấy phủ Sài Mạt ở nước ấy có nhiều người buôn các nước tụ họp, bèn mở sòng gá bạc để thu thuế gọi là hoa chi, lại được hố bạc chôn nên thành giàu”[1]. Với con mắt tinh tường của một thương gia, Mạc Cửu đã bắt tay vào sự nghiệp kinh doanh của mình bằng cách mở một sòng bạc, thu thuế hoa chi (thuế đánh bạc).
Từ đây, Mạc Cửu chiêu mộ người Việt, người Hoa phiêu tán ở các xứ Phú Quốc, Cần Bột, Giá Khê (Rạch Giá), Lũng Kỳ, Hương Úc (Vũng Thơm), Cà Mau và Hà Tiên rồi lập nên 7 xã thôn, đều nằm dọc theo tuyến duyên hải và hải đảo thuộc vịnh Thái Lan, kéo dài từ Cà Mau đến Kompong Som và lấy Hà Tiên (thị xã Hà Tiên hiện nay) làm trung tâm. Với chủ trương không thu thuế, chỉ mua sản phẩm bán cho khách buôn, Mạc Cửu đã quy tụ dân đến Mang Khảm ngày càng đông, ghe thuyền các nơi bán mua tấp nập.
Năm 1708, triều đình Chân Lạp nội bộ rối ren, Xiêm La uy hiếp, đánh phá, Mạc Cửu từ bỏ chức Ốc Nha, đến định cư ở Mang Khảm. Ông đã cử thuộc hạ là Trương Cầu, Lý Xá đến Phú Xuân dâng biểu trần tình và toàn bộ đất đai khẩn cầu chúa Nguyễn Phúc Chu bảo hộ. Chúa Nguyễn ưng thuận cho làm thuộc quốc, đặt tên là trấn Hà Tiên, chuẩn cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn ấy, phong tước Cửu Ngọc hầu, phủ trị ở Phương Thành, dân tụ về ngày một đông.
Trấn Hà Tiên thời Mạc Cửu dâng đất là một miền rộng lớn, liền lạc, tương ứng với các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau ngày nay.
Thương cảng Hà Tiên
Thuở đầu, Hà Tiên là một vùng đất hoang sơ, vô quản, dân cư thưa thớt, chỉ có một số người Kinh, Khmer sinh sống. Tuy nhiên, vùng đất này có vị trí giáp với Campuchia và bờ biển nằm trong vịnh Thái Lan nên thuận lợi cho thương thuyền các nước dừng chân trao đổi buôn bán.
Năm 1680, Mạc Cửu lập ấp rải rác từ Vũng Thơm, Trũng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Cà Mau. Hà Tiên trở thành thương cảng quan trọng, thôn ấp định cư sát mé biển, thuận tiện cho ghe thuyền qua lại.
Vốn là một chủ thuyền từng vượt biển buôn bán với Batavia, Philipine, Mạc Cửu đã lập ra 7 sòng bạc dọc bờ biển, đó là: Mán Khảm, Long Kỳ, Cần Bột, Hương Úc, Sài Mạt, Linh Quỳnh và đảo Koh Tral, thủ phủ đặt tại Cảng Khẩu (còn gọi là Căn Khẩu, Mán Khảm…). Dần dần, những lưu dân người Hoa từ trong vịnh Thái Lan đổ về lập nghiệp, biến vùng đất này thành một lãnh địa phồn vinh, với tên gọi mới là Căn Khẩu quốc, đảo Koh Tral cũng đổi tên là đảo Phú Quốc với ý nghĩa là vùng đất giàu có.
Nếu như Mạc Cửu là người có công khai phá vùng đất Hà Tiên và sáp nhập vào lãnh thổ Đàng Trong thì Mạc Thiên Tứ lại tiếp tục mở rộng, biến nơi đây thành một thương cảng sầm uất. Ông cho xây dựng nhà cửa, phố chợ, đường xá, dinh thự… như miêu tả của Trịnh Hoài Đức trong sách Gia Định thành thông chí “… Nơi đây đến phố lớn, đều là Mạc Tôn trước kia kinh doanh, đường phố ngang dọc, cửa nhà liên tiếp. Người Việt, người Tàu, người Chân Lạp, người Chà Và theo từng loại mà hợp ở. Thuyền biển, thuyền sông đi lại như mắc cửi, là một nơi đô thị miền biển”[2].
Dưới thời Mạc Thiên Tứ, cảng Hà Tiên mở rộng buôn bán với Đàng Ngoài qua một số cảng trung tâm như Hội An. Khi nhận chức Đô đốc trấn Hà Tiên, Mạc Thiên Tứ được chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho 3 chiếc thuyền long bài miễn thuế. Nhờ chính sách ưu ái của chúa Nguyễn, thuyền từ Hà Tiên đến buôn bán với thương cảng Hội An, cũng chỉ nộp “thuế đến là 300 quan, thuế về là 30 quan”[3].
Những mặt hàng được buôn bán ở thương cảng rất phong phú. Sách Đại Nam nhất thống chí viết rằng: Hàng hóa ở Hà Tiên “có vải lụa, mai, đồi mồi, huyền phách, sáp ong, mật ong, chiếu hoa, tốc hương, hồ tiêu, yến sào, hải sâm, bóng cá, vây cá và nước mắm”[4]. Châu bản triều Tự Đức cũng ghi chép về số lượng sáp ong, tổ yến mà tỉnh Hà Tiên phải nộp, cụ thể là “1255 cân sáp ong và 13 cân 2 lạng tổ yến”[5]
Dưới thời chúa Nguyễn và sự cống hiến của họ Mạc, Hà Tiên trở thành một cảng thị hoạt động mạnh mẽ, có tầm ảnh hưởng lớn ở Đông Nam Á.
Sang thời Nguyễn, thương cảng Hà Tiên tiếp tục đẩy mạnh buôn bán với thương nhân nước ngoài. Để khuyến khích sự phát triển kinh tế thương nghiệp, triều đình đưa ra nhiều chính sách cụ thể, trong đó có chính sách cứu nạn cứu hộ thuyền buôn nước ngoài “…Vả lại những người Chà Và, tuy là người ngoại quốc nhưng gặp nạn gió bão thì tình người cũng thật đáng thương. Truyền cho quan tỉnh Hà Tiên, chuẩn bị thức ăn, rượu khoản đãi họ một lần, cấp cho họ đủ 100 quan tiền, 50 phương gạo giúp cho họ chi dùng…”[6]. Theo đó, ngày 26 tháng 4 năm Minh Mệnh 21 (1840), quan Hộ lý Tuần phủ Hà Tiên đã cấp tiền, gạo, khoản đãi rượu thịt và tu sửa bánh lái cho thuyền buôn Chà Và gặp nạn ở tấn Hà Tiên.
Bản Tấu của Hộ lý Tuần phủ Hà Tiên ngày 26 tháng 4 năm Minh Mệnh 21 (1840) về việc cấp tiền, gạo cho thuyền buôn Chà Và bị nạn ở Hà Tiên (Nguồn: TTLTQGI)
Cho đến những năm 20 của thế kỷ XVIII, thương cảng Hà Tiên đã được các thương nhân người Châu Âu biết đến. Sự phong phú về hàng hóa và hoạt động buôn bán tấp nập đã mang lại sự nhộn nhịp cho cảng Hà Tiên. Cảng Hà Tiên không chỉ đón nhận các thương nhân trong khu vực Đông Nam Á mà còn ở các nước phương Tây. Viên thuyền trưởng người Anh Alexandre Hamilton, buôn bán qua Hà Tiên năm 1720 đã đánh giá rằng “Can Cao hay là Hà Tiên, nằm ở phía Tây châu thổ Chân Lạp, là một hải cảng tuyệt hảo…”[7]. Thương nhân người Hoa thì cho rằng “Hà Tiên ngày hôm nay là cảng về hướng Tây của Nam Bộ Việt Nam, nằm êm đềm dưới ánh nắng mặt trời, trên cái vịnh của nó không sâu lắm. Cả một thế kỷ nay, Hà Tiên vẫn đang còn sống. Vào thế kỷ XVIII, Hà Tiên phồn thịnh một thời có tiếng vang tận bên Trung Hoa và ngay cả tới Châu Âu”[8]
Lịch sử vùng đất Hà Tiên trải qua nhiều giai đoạn phát triển, trong đó quyết định nương nhờ sự bảo hộ của chúa Nguyễn là một bước ngoặt đối với vùng đất này. Từ một trấn hoang vu, dân cư thưa thớt, Hà Tiên dần trở nên trù phú, thành một nơi đô hội, cảng Hà Tiên trở thành thương cảng quan trọng trong nền thương mại của khu vực Đông Nam Á.
[1] Đại Nam thực lục, tập 1, trang 122
[2] Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức, tr, 201
[3] Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn, tr.53
[4] Đại Nam nhất thống chí, tập 5, tr.33
[5] CBTN, Tự Đức 62/211
[6] CBTN, Minh Mệnh 76/152
[7] Người Trung Hoa ở biển Nam, người sáng lập Hà Tiên, (Bản dịch, tr.371)
[8] Người Trung Hoa ở biển Nam, người sáng lập Hà Tiên, (Bản dịch, tr.36)
Hải Yến