Tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), Thánh tổ Nhân hoàng đế cho xây dựng vườn Thư Quang ở phía bắc Hoàng thành. Sai thự Thống chế Mai Công Ngôn và Lê Văn Thảo trông coi, huy động 4000 biền binh làm việc.(2)
Vườn có chu vi hơn một dặm, bao quanh bằng tường gạch phía trước, phía sau hai lần tường. Chính giữa tường đằng trước mở 3 cửa, có biển đề là “Nhật nguyệt quang minh”, bên tả bên hữu đều một cửa, gọi là phường Lương Phong và phường Lệ Nhật, tường đằng sau bên tả bên hữu đều một cửa gọi là phường Ngọc Lộ và phường Kim Hà. Trong phường chính giữa là lầu Thường Thắng, tầng dưới lầu có biển khắc bốn chữ “Tứ thời tận xuân”. Phía đông là điện Niên Phương, phía nam là hiên Trừng Phương, phía tây là nhà Truy Phương, phía bắc là viện Lệnh Phương.(3) Xung quanh đào hồ, xây cửa nước để thông với nước Ngự Hà, giáp hai bờ hồ xây đài hoa, bốn mặt hoa hồ đều bắc cầu, cầu phía đông, phía tây thì cao, có che mái ngói, cầu phía nam và phía bắc thì bằng, đặt ván có hệ thống máy điều khiển để tiện cho thuyền đi qua.(4)
Trang đầu bản tấu của Bộ Lễ về việc ban yến ở vườn Thư Quang cho các vị tân tiến sĩ
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Khi vườn xây dựng xong vua Minh Mệnh rước từ giá Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu lên chơi lầu Thường Thắng. Tại đây nhà vua đã ngự chế bài thơ ghi lại việc này. Ngày Giáp Thân, tháng 5 năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), vua đích thân đi cày ruộng tịch điền, xong việc ban yến cho quần thần tại vườn Thư Quang.(5) Tháng 5 năm 1838, vua Dụ rằng: Xưa nay đỗ tiến sĩ, theo lệ có ban yến, triều nhà Tống ban yến ở vườn Quỳnh Lâm, đến nhà Minh, nhà Thanh ban yến ở bộ Lễ, sự thể như một, nước ta văn vận tốt sáng, từ khi trẫm đặt ra các khoa thi Hội, thi Điện, vốn muốn chấn hưng văn giáo, từ trước đến nay người dự trúng cách thì chiểu theo điển lệ nhà Minh, nhà Thanh ban yến ở bộ Lễ. Nay nghĩ đã qua đình đối trúng tuyển, tất phải ban yến ở vườn Thượng uyển cho nhiều ơn hậu, chuẩn cho lấy khoa này làm đầu, cho tân tiến sĩ ăn yến ở vườn Thư Quang, sánh với việc cũ ở vườn Quỳnh Lâm đời xưa, tức gọi là ban yến ở vườn Thư Quang.(6)
Trước đấy, theo bản tấu ngày 29 tháng 4 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) của Bộ Lễ tâu về việc vâng Thượng dụ chuẩn bị cho lễ ban yến đầu tiên cho tân tiến sĩ tại vườn Thư Quang. Xin dựng một dãy nhà lợp tranh trước cửa vườn Thư Quang. Đến ngày lễ tại gian chính giữa của vườn, đặt một hương án và treo đèn, kết hoa đầy đủ, người lĩnh yến và tạ yến đều làm lễ bái cung trước án… Các viên Giám thí, Độc quyển, Truyền lô, Tuần la được dự yến và các viên đường quan của bộ thần được bồi yến đều dự ở bàn trên. Lĩnh yến xong một viên đường quan của bộ thần dẫn các viên Giám thí, Độc quyển trở xuống và các viên tân tiến sĩ đến vườn ngự xem hoa. Xem hoa xong 2 viên thuộc ty bộ thần dẫn các vị tân tiến sĩ mặc áo đội mũ đầy đủ ra ngoài phường ai nấy đều cưỡi ngựa, từ cửa chính đông của Kinh thành du ngắm khắp phía đông thành và xem hoa ở các ngõ. Ngày hôm sau, các vị tân tiến sĩ dâng biểu tạ ơn…(7)
Tháng giêng năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), nhà vua cho làm lại lầu cửa ở trước vườn Thư Quang. (Lầu 3 gian 2 đầu xây tường gạch. Trước lầu làm một cái nhà nhỏ cho cung giám nghỉ đêm. Đằng trước và đằng tả hữu 3 mặt, ngăn bằng tường gạch. Bên tả bên hữu vườn làm 2 tòa phòng các ban đều 3 gian 2 chái, đổi lợp bằng ngói, để cho nhân viên văn võ trực hầu). Phái một quản vệ, 300 biền binh làm việc, hạn trong 10 ngày làm xong.(8)
Dưới triều vua Thiệu Trị, vườn Thư Quang được xếp vào một trong 20 cảnh đẹp xứ Thần kinh. Tuy là một cảnh đẹp nổi tiếng ở Kinh đô nhưng do khu vườn nằm gần cung Khánh Ninh (điện Hiếu Tư) nên đến năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), nhà vua đã lệnh sửa thu bớt lại, vì vậy các tòa lầu điện trong vườn lập tức được tháo dỡ xuống. Lại dỡ hai cửa bên tả bên hữu của vườn, dựng hai cửa tiền, hậu. Cửa tiền vẫn treo biển đề vườn Thư Quang, cửa bắc làm lại biển ngạch khắc là cửa Lưu Phương. Cuối cùng là dựng lại một cái nhà vuông ở nền cũ lầu Thường Thắng lấy biển điện Niên Phương treo lên.(9) Toàn bộ gỗ ván tháo dỡ từ các lầu điện vườn Thư Quang chuyển đến dựng vườn Cơ Hạ. Vườn Thư Quang từ đây bị bỏ không.(10)
Qua sử liệu và tài liệu Châu bản triều Nguyễn đã phần nào tái hiện lại vườn Thư Quang – một trong hai mươi cảnh đẹp xứ Thần Kinh một thời nhưng đã sớm bị dỡ bỏ.
Chú thích tài liệu tham khảo:
1. Đại Nam nhất thống chí, quyển 1 tập Kinh sư.
Lê Thông