Tầm quan trọng của sông Hồng đối với người Pháp
Hiệp ước Giáp Tuất 1874 - Hòa ước thứ hai sau Hòa ước Nhâm Tuất 1862 được ký ngày 15/3/1874 giữa đại diện của triều Nguyễn là Chánh sứ toàn quyền đại thần Lê Tuấn, Phó sứ toàn quyền đại thần Nguyễn Văn Tường và đại diện của Pháp là Thống đốc Nam Kỳ Paul-Louis-Félix Philastre. Một trong những điều khoản của Hòa ước 1874 là cho phép Pháp tự do buôn bán tại các cảng biển[1] và trên sông Hồng. Sau khi Hòa ước chính thức được hai nước phê chuẩn, ngày 15/9/1875, Pháp thiết lập chế độ lãnh sự tại Bắc Kỳ: ở Hà Nội do bá tước De Kergaradec[2] và tại Hải Phòng do Turc đảm trách.
Chân dung Alexandre Camille Jules Lejumeau de Kergaradec, nguồn: Humazur
Năm 1873, Pháp đã biết đến tầm quan trọng của sông Hồng và quyết định tiến hành chuyến thám hiểm chính thức do đại úy thủy quân Louis Delaporte dẫn đầu. Theo đó, chính quyền thuộc địa ở Nam Kỳ chi trả 30.000 franc, Bộ Học chính Pháp: 20.000 franc và Hội địa lý Paris: 6.000 franc. Bộ Hải quân Pháp cam kết cung cấp đầy đủ phương tiện và nhân sự phục vụ chuyến thám hiểm. Tuy nhiên, kế hoạch này không thành hiện thực do sự vụ Dupuis, sau đó là Hòa ước 1874.
Tháng 3/1876, bá tước De Kergaradec trình dự án thám hiểm sông Hồng, tuy nhiên, vào thời điểm đó, Đô đốc Duperré về Pháp còn bản thân De Kergaradec mắc bệnh tả nên số phận bản kế hoạch chưa được định đoạt. Từ ngày 15-17/10/1876, De Kergaradec rời Tràng Thi đến ở tại các tòa nhà mới trong khu nhượng địa Pháp do chính ông ta cho xây dựng.
Hai chuyến thám hiểm sông Hồng
Chuyến thám hiểm của De Kergaradec là chuyến thám hiểm đầu tiên ngược dòng sông Hồng đến tận khu vực biên giới giáp với tỉnh Vân Nam của Trung Hoa để nghiên cứu mọi phương diện nhằm thiết lập bản đồ chi tiết về sông Hồng - điều mà chưa một người Âu nào tiến hành và chỉ có những báo cáo chung chung về địa lý của khu vực này. Ngày 23/11/1876[3], De Kergaradec khởi hành cùng với một số lính Hải quân đánh bộ, 4 thủy thủ bắt đầu thám hiểm sông Hồng, bởi theo ông ta đây là thời điểm thuận lợi nhất trong năm để di chuyển ngược lên khu vực. Vì muốn có thời gian nghiên cứu, khảo sát những khu vực đi qua để đạc đồ cũng như thu thập các thông tin nhiều nhất có thể, đoàn thám hiểm khởi hành sớm hơn so với dự kiến, lên các ghe thuyền và mang theo một ca nô chạy bằng hơi nước[4], với sự hộ tống của một số thuyền ghe chở lính bản xứ. Đoàn thám hiểm của ông ta gồm khoảng 20 người Pháp, trong đó có nhiếp ảnh gia Emile Gsell chụp lại những hoạt động trên sông cũng như cảnh vật ở hai bờ sông Hồng cùng 80 người bản xứ. Do không kịp nhận giấy thông hành do triều đình nhà Thanh cấp[5], đoàn thám hiểm buộc phải dừng ở khu vực biên giới trong ba tuần, không tiến vào lãnh thổ Trung Hoa. Chuyến thám hiểm lần thứ nhất kết thúc vào cuối tháng 01/1877. Trong thư đề ngày 20/11/1876 gửi người dì là Louise de Montaignac, De Kergaradec cho biết ông ta muốn lưu trú tại Trung Hoa nhằm tìm hiểu các tàu di chuyển trên sông Hồng có thể tiến sâu đến tận khu vực nào của Vân Nam, cũng như có các thông tin về tài nguyên khoáng sản, tình hình chính trị… Chuyến thám hiểm xuất phát từ Hà Nội kéo dài chừng 40 ngày, trong đó có 25 ngày trên bộ vô cùng vất vả.
Thư đề ngày 07/02/1877, nguồn: hồ sơ 284, phông Đô đốc Thống đốc, TTLTQG I
Trong báo cáo về chuyến thám hiểm, ông phàn nàn về tình trạng của Lào Cai - trung tâm thương mại đầy tiềm năng. Ông ta viết, thị trấn này thực chất nằm trong tay quân Cờ Đen, dù trên thực tế và về mặt kỹ thuật, nó vẫn nằm dưới sự cai trị của triều đình nhà Nguyễn. Mối quan tâm của De Kergaradec đối với Lào Cai đã khiến ông phải tìm cách đàm phán trực tiếp với quân Cờ Đen. Trước khi diễn ra chuyến thám hiểm này[6], ngày 22/3/1876, thông qua người trung gian, ba người tự xưng là đại diện cho thủ lĩnh quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc đã đến gặp De Kergaradec tại Tràng Thi. Cả chính quyền triều Nguyễn ở Hà Nội cũng như ở Huế đều biết về cuộc gặp này. Ngoài nhân vật trung gian, phái đoàn gồm có viên trung úy được cho là Hoàng Nhị - họ hàng của Lưu, và một thư ký. Theo De Kergaradec, phái đoàn mang theo ba câu hỏi tới cuộc gặp. Một là, liệu Pháp có tìm cách trả thù cho cái chết của Francis Garnier không? Hai là Pháp có ý định chiếm Lào Cai bằng vũ lực? Và liệu Pháp có chấp nhận lời đề nghị mua cảng sông từ quân Cờ Đen không? Các phái viên đưa ra khoản bồi thường tài chính như là cách duy nhất để khiến quân Cờ Đen rời khỏi Lào Cai. Trong cuộc họp, De Kergaradec khéo léo xoa dịu những lo ngại của phe Cờ Đen về hành động quân sự của Pháp trong khi cố gắng bảo đảm quyền lợi của họ. Ông ta đảm bảo với phái đoàn rằng không ai có thể tìm cách trả thù cho cái chết của Garnier. Theo De Kergaradec, quân Cờ Đen suy yếu giúp xóa bỏ rào cản cho sự phát triển thương mại đồng thời đảm bảo sự hiện diện của Pháp với tư cách là người bảo vệ các cộng đồng vùng cao. Hay nói cách khác, quân Cờ Đen là kẻ thù của thương mại và thám hiểm ở Bắc Kỳ.
Một đoạn sông Hồng, Emile Gsell, nguồn: Humazur
Đồn quân Cờ Đen ở Tuần Quán, Emile Gsell, nguồn: Humazur
Đồn quân Cờ đen ở Bảo Hà, Emile Gsell, nguồn: Humazur
Đoạn nước chảy xiết trên sông Hồng, Emile Gsell, nguồn: Humazur
Ngày 18/02/1877, De Kergaradec tiến hành chuyến thám hiểm lần thứ hai với lộ trình tương tự như lần thứ nhất, nhưng lần này có trong tay giấy thông hành do nhà Thanh cấp. Đoàn thám hiểm của ông ta tiến sâu vào tỉnh Vân Nam, thăm Mạn Hào và các khu mỏ gần Mông Tự trong 15 ngày, nhằm tìm hiểu khả năng các tàu có thể đi đến tận điểm nào cũng như đưa ra các thông tin về tình hình chính trị của Trung Hoa. Đến ngày 18/4/1877, đoàn thám hiểm do De Kergaradec dẫn đầu về đến Hà Nội[7].
Ngày 22/5/1877, Thống đốc Nam Kỳ Duperré gửi thư cho De Kergaradec đánh giá cao báo cáo của ông ta về hai chuyến thám hiểm ngược sông Hồng, giúp cho chính phủ Pháp nắm rõ hơn về giao thông trên sông Hồng cũng như tiềm năng thương mại với vùng Vân Nam. Báo cáo này được gửi tới cả Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa lẫn Bộ trưởng Bộ Thương mại Pháp để nghiên cứu. Ông này còn yêu cầu De Kergaradec gửi báo cáo đặc biệt chỉ đề cập đến giao thông đường thủy từ Hà Nội (hoặc từ Hải Phòng) đến Lào Cai, những điều kiện đặc biệt để các phương tiện có thể được sử dụng trong vận chuyển hàng hóa trên sông Hồng. Thêm vào đó là bản báo cáo mật về tình hình quân Cờ Đen (số lượng, thái độ đối với chính phủ Pháp, quan hệ với triều đình nhà Nguyễn) cũng như đề xuất thiết lập sự cai trị hợp thức ở Lào Cai có hoặc không có sự tham gia của chính quyền triều Nguyễn.
Trong thư đề ngày 29/5/1877 gửi Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa, Thống đốc Nam Kỳ nhấn mạnh đến sự cần thiết xem xét lại việc mở rộng thông thương bằng đường thủy đến Vân Nam. Theo quan sát đánh giá của De Kergaradec, điều kiện thủy nhưỡng cũng như điều kiện thời tiết (tháng 6, 7, 8, 9 là thời kỳ mưa lũ) trên sông Hồng chỉ cho phép các thuyền nhỏ, sà lan tải trọng nhỏ di chuyển từ Hà Nội (hoặc Hải Phòng - hai điểm mà các tàu châu Âu cỡ lớn có thể đi vào) đến Lào Cai trong 8 tháng còn lại.
Có thể nói hai chuyến thám hiểm của De Kergaradec[8] đã buộc chính phủ Pháp xem xét lại việc mở rộng thông thương bằng đường thủy đến khu vực Nam Trung Hoa, là tiền đề để Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer nghiên cứu và phát triển tuyến đường sắt Hải Phòng - Lào Cai - Vân Nam sau này.
[1]Trong thư đề ngày 13/9/1875 gửi cậu là đô đốc Louis Montagnac - khi đó là Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa (1874-1876), bá tước De Kergaradec cho biết, theo Hòa ước 1874, các cảng biển phải mở cửa cho nước ngoài thông thương từ ngày 15/9/1875.
[2]Tên đầy đủ là Alexandre Camille Jules Lejumeau de Kergaradec (1841-1894), từng là thủ khoa trường Hải quân Pháp năm 1857 và là lãnh sự đầu tiên của Pháp ở Bắc Kỳ ngày 16/5/1875 sau khi Hòa ước Giáp Tuất 1874 được ký. Trước đó, ông ta từng là Tham biện ở Sài Gòn từ ngày 01/01/1869 và từ ngày 12/10/1869 phụ trách Hạt Tham biện Vĩnh Long.
[3]Thư của De Kergaradec gửi dì Louis de Montagnac, ngày 20/11/1876 và ngày 07/02/1877 sau khi trở về từ chuyến thám hiểm lần thứ nhất.
[4]Tuy nhiên, sau đó ca nô này bị hỏng nên phải bỏ lại trên bờ hóc và được mang theo về Hà Nội khi kết thúc chuyến thám hiểm lần thứ nhất.
[5]Giấy thông hành cấp cho đoàn của De Kergaradec đến Hà Nội ngày 18/01/1877, trong khi ngày 20/01, đoàn của ông ta đang ở khu vực biên giới giáp Trung Hoa.
[6]Theo bài viết "Nổi loạn và cai trị dưới góc nhìn của lãnh sự quán: Thay đổi cách nhìn nhận vùng biên giới Trung Hoa - Việt Nam,1874-1879" (Rebellion and Rule under Consular Optics: Changing Ways of Seeing the China - Vietnam, Borderlands, 1874-1879) của tiến sĩ sử học Bradley Camp Davis, Đại học tiểu bang Connecticut (Mỹ).
[7]Ngày 12/6/1881, De Kergaradec còn tham gia thám sát Bắc Ninh cùng pháo thuyền La Massue, tháng 02/1882 thám sát Sơn Tây trên tàu Carabine, sát cánh cùng Henri Rivière trong cuộc công thành Hà Nội ngày 25/4/1882.
[8]Không chỉ được khen ngợi, De Kergaradec còn được trao Huân chương sĩ quan Bắc đẩu bội tinh vì những nỗ lực hoàn thành xuất sắc hai chuyến thám hiểm này. Trước đó, năm mới 23 tuổi, ông ta đã được trao Hiệp sĩ Bắc đẩu bội tinh khi tham gia chiến dịch ở Mê-hi-cô vào tháng 4/1864, hồ sơ lưu trữ đã dẫn.
Ngọc Nhàn