Năm 1802, vua Gia Long cho “ban hành lịch Vạn toàn. Lịch này trên bày sao tốt, dưới bày hung tinh, và thêm phép bát môn chọn ngày tốt. Ấn đóng lịch có khắc những chữ Trị lịch minh thời chi bảo. Bỏ thời tiết 12 nguyệt lệnh, mà biên rõ những nhật kì cấm giới, ghi bằng chữ son. Lệ cứ tháng 9 đóng ấn, tháng Mười một ban lịch, tháng Mười hai ban cấp cho các dân xã, đổi chữ “mang chủng” trong lịch là tiết “mang hiện” [1]. Lịch Vạn toàn được biên soạn dựa theo phép Đại thống, có nhiều sai lệch, nên tháng Tư năm Gia Long thứ 6 (1807), nhà vua “sai Lễ bộ Đặng Đức Siêu kiêm quản việc Khâm thiên giám, dụ rằng: Việc suy lường độ số của trời cần phải biết trước, nếu để hiện tượng đã xảy rồi mới biết, thì chẳng là thiếu trách nhiệm ư? Trước kia, mỗi khi gặp nhật thực nguyệt thực, người Thanh gửi công điệp sang, bấy giờ Khâm thiên giám mới tâu báo, nên phải răn bảo như thế” [2]. Như vậy, lúc bấy giờ các quan thiên văn dự báo không chính xác và không tính ra được ngày nào có hiện tượng nhật thực, nguyệt thực. Nên các lịch quan triều Nguyễn tìm kiếm một loại lịch pháp khác để thay thế.
Việc chuyển sang dùng phép lịch Thời hiến là do ông Nguyễn Hữu Thận - Vị quan giỏi thiên văn, lịch pháp, khi đi Sứ sang Trung Quốc đã có cơ hội tiếp cận với các tài liệu lịch thư do lịch quan người Trung Quốc áp dụng cách tính lịch của phương Tây để biên soạn. Tháng Tư năm Gia Long thứ 9 (1810), ông trở về Kinh đô Huế, đem bộ sách Đại Thanh lịch tượng khảo thành thư dâng lên vua và tâu rằng: “Lịch Vạn toàn của nước ta cùng với sách Đại Thanh thời hiến, từ trước đều dùng phép lịch Đại thống của nhà Minh, hơn ba trăm năm, chưa có sửa đổi, càng lâu càng sai. Khoảng năm Khang Hy nhà Thanh mới tham hợp phép lịch của Tây dương mà chép thành sách này. Sách suy tính tinh tường, so với lịch Đại thống kỹ hơn, mà phép tam tuyến bát giác lại rất là diệu. Xin giao cho Khâm thiên giám, sai thiên văn sinh học lấy phương pháp ấy, thì thiên độ mới đều, mà thời tiết được đúng. Vua khen phải” [3]. Sau này, ông đã hướng dẫn cho các lịch quan người Việt vận dụng những nguyên lý thiên văn và toán học về cách tính lịch theo phép Thời hiến được đề cập trong bộ sách Đại Thanh lịch tượng khảo thành thư để công việc biên soạn lịch Hiệp kỷ được chính xác hơn.
Ngày mồng 1 tháng Mười hai năm Gia Long thứ 11 (1812), triều đình cho “đổi lịch Vạn toàn làm lịch Hiệp kỷ” .
Nguồn: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỉ, quyển 45, trang 17.
Tháng Giêng năm Gia Long thứ 11 (1812), nhà vua “sai Tham tri Hộ bộ là Nguyễn Hữu Thận kiêm Phó quản lý Khâm thiên giám sự vụ. Nguyễn Hữu Thận giỏi về sao và lịch, sang sứ nước Thanh học được lịch pháp, thuật càng thêm tinh. Vua từng cùng bàn về thiên tượng, rất khen ngợi” [4]. Ngày mồng 1 tháng Chạp năm Gia Long thứ 11 (1812), triều Nguyễn tiến hành lễ ban lịch mới, “đổi lịch Vạn toàn làm lịch Hiệp kỷ. Cho: Lễ bộ Thượng thư, Hoa Phong hầu Phạm Như Đăng quản lý Khâm thiên giám sự vụ; Hữu tham tri Chân Nguyên hầu Nguyễn Hữu Thận làm Phó quản lý sự vụ; Hoàng Công Dương làm Khâm thiên giám phó; Lý Văn Cư trở xuống 11 người làm Chiêm hậu quan, đều phong tước bá. Từ đấy, nguyệt lệnh, lịch pháp đều theo phép nhà Lê” [5].
Mỗi cuốn lịch Hiệp kỷ (âm lịch) do Khâm thiên giám của triều đình biên soạn hằng năm theo lệnh vua có tên gọi cụ thể, ví dụ ở đời Minh Mệnh thứ 15 (1834) là Minh Mệnh thập ngũ niên, tuế thứ Giáp Ngọ Hiệp kỷ lịch[6]. Hoặc ở đời Thiệu Trị thứ 3 (1843) là Thiệu Trị tam niên tuế thứ Quý Mão Hiệp kỷ lịch[7]. Ban đầu, nội dung lịch của vua dùng giống như lịch cấp cho quan dân, nhưng về sau tùy từng loại lịch mà cách thể hiện tương đối rõ ràng, chi tiết cả về hình thức bên ngoài, lẫn bố cục và nội dung bên trong. Ngự lịch được đóng thành quyển, “bìa lịch dùng 1 tờ liền cả mặt trước mặt sau dùng mầu vàng thêu 8 con rồng mây, mặt lịch dùng 1 miếng đoạn đỏ 8 tờ thêu 2 chữ ngự lịch, làm nhãn” [8]. Quy định làm ngự lịch, đối với “những ngày kỵ hưởng ở các miếu, cùng những tế ở đàn xã tắc, miếu đế vương các đời, miếu văn thánh đều chua rõ vào” [9]. Tháng Mười một năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), vua cho rằng từ trước tới nay, quyển lịch của vua dùng, Khâm thiên giám theo sách Hiệp kỷ biện phương làm để dâng lên, ở trong phần nhiều theo thói quen chép những việc thường làm của dân gian, bèn chuẩn định: Bắt đầu từ sang năm, quyển lịch của vua dùng bỏ bớt những điều như: thu nộp của cải, đặt sản thất khơi ngòi, đào giếng, đặt cối giã gạo, quét nhà, trồng cây, chăn nuôi, thu nhận súc vật, dựng cột nhà, cất nóc; còn chữ “nhập học” thì đổi là “ngự kinh duyên” [10]. Tháng Ba năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), “Khâm thiên giám tự nay về sau in sách lịch, phàm những ngày nên cấm hát xướng, yến lạc, mặc các sắc đỏ, tía, đều thêm một khuyên mực to ở trên đầu dòng, những ngày nên cấm xử việc hình, sát sinh, thêm một khuyên mực nhỏ, để tiện cho người xem, đến ngày ban lịch, tư kèm cho các địa phương biết” [11]. Ngày 26 tháng Mười năm Tự Đức thứ 22 (1869), Trần Tiễn Thành tấu soạn “ngự lịch gặp các ngày kỵ miếu điện, trên hoành cách chỉ viết tên lăng thì chưa rõ. Tại lăng Cơ Thánh về sau đã biết thế nên cứ làm như cũ. Còn cạnh các tôn lăng chú thêm tôn hiệu của Hoàng đế, Hoàng hậu cho tiện nhớ” [12].
Theo quy định, tháng Hai âm lịch, Khâm thiên giám đã bắt đầu tính toán để tiến hành làm lịch cho năm tới và tháng Năm bản thảo sẽ được hoàn thành. Thêm nữa, năm có tháng nhuận, lúa cấy sớm phần nhiều kém, nên vua Tự Đức sai Khâm thiên giám làm lịch cần tính toán trước lịch năm sau, nếu như có đặt tháng nhuận thì đặt vào tháng nào, thì nên trong tháng Sáu, Bảy năm đó phải tính toán tra cứu cho sớm tâu lên chờ chỉ chuẩn cho thông lục, cho trong ngoài đều biết để tiện sắp xếp thứ tự công việc nông vụ[13].
Khâm thiên giám rất cẩn trọng trong công việc soạn lịch, tuy nhiên không thể tránh khỏi sai sót. Ngày 11 tháng Giêng năm Tự Đức thứ 2 (1849), quan Nội các phụng thượng dụ: “Đầu năm nay Khâm thiên giám cung tiến lịch Kỷ Dậu năm nay. Vừa qua đã ban cấp cho thần dân trong Kinh và các tỉnh. Ngay sau đó căn cứ theo tập tâu của Khâm thiên giám trình bày thì vừa rồi việc tính toán ngày tháng, thời tiết đều hợp hết. Duy có hai tháng Bảy, Tám tháng thiếu và tháng đủ có sự sai lệch xin nhận tội. Trẫm lấy lịch pháp để chọn thời rất quan hệ đến chính sự vậy mà Khâm thiên giám đã không hết lòng kê cứu rõ ràng dẫn đến nhầm lẫn như vậy thật khó chối tội, đã có chỉ giao ngay cho Bộ phân biệt xử lý rồi. Nay Khâm thiên giám tra cứu thêm cho thật rõ ràng thì tháng Bảy là tháng đủ, tháng Tám là tháng thiếu so sánh với lịch của nước Thanh cũng phù hợp có thể làm căn cứ. Vì vậy các ngày Sóc vọng của 2 tháng đó cho đến các việc hợp dụng phải theo đó để thi hành. Vậy truyền thông báo dụ này cho trong Kinh cùng các tỉnh và các nha biết” [14].
Về nội dung, một cuốn lịch sẽ được bố trí như sau: Thời giờ, thời tiết trong năm ở Kinh đô, ở các địa phương, phân chia 12 tháng trong năm theo 4 tiết mùa; thứ tự các địa phương theo kinh độ, địa đồ, ngày giờ, sinh nhật, huý kỵ của các tiên đế (các vua chúa đời trước của họ Nguyễn). Ở mỗi cuốn lịch hàng năm có một trang ghi họ tên, hàm tước của các tác giả biên soạn lịch, đó là đại thần kiêm quản và những lịch quan ở Khâm thiên giám trực tiếp tham gia vào việc biên soạn và ấn hành cuốn lịch[15].
Trang đầu bản tấu của Khâm thiên giám ngày 23 tháng Ba năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) về việc in sửa lịch do đổi quốc hiệu Đại Nam.
Nguồn: TTLTQG 1, Châu bản triều Nguyễn.
Vua Minh Mệnh đổi tên nước là Đại Nam nên quốc hiệu Đại Nam đã được sửa để in vào lịch năm Minh Mệnh thứ 19 (1838)[16] và duy trì tên quốc hiệu này liên tục qua các triều vua đến triều Bảo Đại. Đến tháng Ba năm Khải Định thứ 5 (1920), nhà vua cho Khâm thiên giám “ở trong lịch nước ta ghi thêm ngày tháng năm Tây lịch để tiện thông dụng” [17]. Có thể nói, các vua triều Nguyễn đã rất kỹ lưỡng trong công việc làm lịch hàng năm, để ra được quyển lịch làm món quà có ý nghĩa của triều đình đem niềm vui gửi đến muôn ngôi nhà quan dân Việt xưa mỗi khi Xuân về.
Chú thích ảnh minh họa
1. Trang đầu bản tấu của Khâm thiên giám ngày 23 tháng Ba năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) về việc in sửa lịch do đổi quốc hiệu Đại Nam.
Nguồn: TTLTQG 1, Châu bản triều Nguyễn.
2. Ngày mồng 1 tháng Mười hai năm Gia Long thứ 11 (1812), triều đình cho “đổi lịch Vạn toàn làm lịch Hiệp kỷ” .
Nguồn: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỉ, quyển 45, trang 17.
[1] Viện Sử học, Quốc sử di biên, NXB Văn hóa Thông tin, H.2009, tr. 49.
[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, HN 2007, tr.743.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, HN 2007, tr.836.
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, HN 2007, tr.885.
[5] Viện Sử học, Quốc sử di biên, Nxb Văn hóa Thông tin, H.2009, tr. 132-133.
[6] TTLTQG 1, Châu bản triều Nguyễn.
[7] TTLTQG 1, Châu bản triều Nguyễn.
[8] Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, tập 15, NXB Thuận Hóa, Huế. 1993, tr. 442.
[9] Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, tập 15, NXB Thuận Hóa, Huế. 1993, tr. 442.
[10] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 3, NXB Giáo dục, H. 2007, tr. 252.
[11] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 5, NXB Giáo dục, H. 2007, tr. 50.
[12] TTLTQG 1, Châu bản triều Nguyễn.
[13] TTLTQG 1, Châu bản triều Nguyễn.
[14] TTLTQG 1, Châu bản triều Nguyễn.
[15] TTLTQG 1, Châu bản triều Nguyễn.
[16] TTLTQG 1, Châu bản triều Nguyễn.
[17] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỉ, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, Tp Hồ Chí Minh. 2012, tr. 280.
Thu Thủy