Vùng châu thổ Bắc Kỳ được hình thành bởi 2 hệ thống sông: hệ thống sông Hồng (gồm 3 sông lớn là Đà, Thao, Lô Gâm) và hệ thống sông Thái Bình (gồm 3 sông lớn là Cầu, Thương, Lục Nam). Địa thế chung của hệ thống sông Hồng rất hiểm trở, phần lớn diện tích là miền núi, địa hình dốc và tập trung nhiều tâm mưa lớn nên khu vực miền núi tập trung lũ nhanh và tạo ra lũ lớn đổ về vùng đồng bằng trong mùa mưa bão. Sử cũ cho biết trong suốt thời kỳ tồn tại của nhà Lý đã xảy ra tổng cộng 8 lần nước lớn; thời Trần-Hồ đã xảy ra 26 lần lũ lụt, nước to, chủ yếu vào các tháng 6, 7 và 8.
Từ khi lũ lụt được ghi vào quốc sử thì cũng xuất hiện những thông tin về công cuộc đắp đê, chống lũ lụt của dân tộc Việt Nam. Chẳng hạn như năm 1077, triều đình nhà Lý cho đắp đê ở sông Như Nguyệt (sông Cầu); đến năm 1108, lại đắp đê Cơ Xá. Đến đời nhà Trần, vua Trần Thái Tông đặt cơ quan chuyên phụ trách về đê điều gọi là Hà đê sứ. Nhà Trần chăm lo việc đắp đê sông ngăn lũ và đê biển ngăn mặn đồng thời coi trọng công tác hộ đê, phòng chống lụt. Sau đó, nhà Lê tiếp tục đặt các chức quan Khuyến nông và Hà đê, chuyên trông coi, đôn đốc việc sửa chữa, đắp đê, đào khơi sông ngòi, phòng chống lũ lụt, hạn hán, giải quyết vấn đề nước cho sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, tình hình lũ lụt vẫn xảy ra thường xuyên.
Bản đồ đê điều Bắc Kỳ (nguồn: La Dépêche coloniale illustrée)
Cuối thế kỷ 18, do chiến tranh loạn lạc, đê điều không được bảo vệ, chăm sóc thường xuyên, nạn vỡ đê vì thế ngày càng trở nên trầm trọng. Dưới thời Nguyễn, từ năm 1803 đến năm 1857, Bắc Kỳ xảy ra 26 đợt lũ, lụt, vỡ đê[1]. Thông tin trên báo La Dépêche coloniale illustrée cũng cho biết từ năm 1870 đến năm 1896, có 8 trận lụt do vỡ đê, mỗi trận lụt gây thiệt hại 5.400.000 picul[2] thóc tương đương 372.000 tấn. Nếu tính 6fr30/picul thì thiệt hại đạt 34 triệu phơ-răng. 372.000 tấn thóc này có thể xát được 280.000 tấn gạo xuất khẩu, tạo ra khoảng 1.600.000 phơ-răng cho ngành thuế.
Dưới thời Pháp thuộc, theo thống kê từ năm 1909 đến năm 1930 có 30 trận bão lớn đổ bộ vào Bắc Kỳ, gây mưa lớn và ngập lụt trên phạm vi rộng; đặc biệt là các trận bão lũ năm 1909, 1911, 1913, 1915, 1926 và 1929[3]. Báo La Dépêche coloniale illustrée cho chúng ta biết thêm về những con số thiệt hại do lũ lụt đầu thế kỷ 20:
Trận lụt năm 1905: Phân bố lượng mưa vào mùa mưa năm 1905 vô cùng bất thường.
Trong các tháng 6, 7 và 8, mưa ở vùng châu thổ không đủ cho mùa màng, nhưng trong tháng 9, mưa lại dồi dào.
Mưa gây lụt ở vùng trũng và khiến mùa màng ở nhiều nơi thiệt hại.
Mực nước đạt những mốc sau ở khu vực Hà Nội: ngày 28/6: 10m41; ngày 18/7: 10m25; ngày 16/8: 10m74. Tuy nhiên, hồ chứa ở tỉnh Vĩnh Yên không hoạt động.
Trong tháng 9, mực nước sông Hồng duy trì trên 9 mét và ngày 04 tháng 10 thêm một đợt lũ khiến nước dâng lên 10m36.
Lũ lớn và kéo dài khiến đê vỡ ở nhiều đoạn, nặng nhất là ở:
1. Bên hữu ngạn sông Hồng, ở Co Lieu, tỉnh Hà Đông, ngày 20/7/1905;
2. Bên hữu ngạn sông đuống, tại Kim Son, tỉnh Bắc Ninh, ngày 14/8/1905.
Vỡ đê ở Co Lieu gây lụt ở các tỉnh Hà Đông, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, làm ngập khoảng 36.000 héc-ta lúa. Thiệt hại ước tính 4.300.000 phơ-răng.
Mặt khác, giao thông giữa Hà Nội và Nam Định bị gián đoạn từ 12/8 đến 10/11/1905. Đường sá bị thiệt hại nặng.
Vỡ đê ở Kim Sơn gây ngập 30.000 héc-ta lúa ở các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương. Thiệt hại ước tính 3.500.000 phơ-răng.
Đường tàu đoạn từ Hà Nội đến Cẩm Giàng bị gián đoạn gần 1 tháng, từ 15/8 đến 04/9/1905.
Mưa nhiều kết hợp với vỡ đê khiến vụ tháng 10 thiệt hại ở hầu hết các tỉnh Bắc Kỳ.
Bảng dưới đây cho biết mức độ thiệt hại[4]:
Tỉnh |
Diện tích ruộng đã gieo cấy (héc-ta) |
Diện tích ruộng mất trắng (héc-ta) |
Mức độ thiệt hại (%) |
Ninh Bình |
31.786 |
13.032 |
41 |
Nam Định |
82.572 |
44.043 |
53 |
Hà Nam |
9.000 |
9.000 |
|
Hà Đông |
31.644 |
12.330 |
39 |
Sơn Tây |
24.596 |
11.606 |
47 |
Hưng Hóa |
22.780 |
9.560 |
40 |
Thái Bình |
75.947 |
8.621 |
11 |
Hưng Yên |
60.810 |
31.408 |
52 |
Hải Dương |
116.830 |
11.300 |
10 |
Bắc Ninh |
57.855 |
73.726 |
76 |
Phúc Yên |
24.464 |
7.844 |
32 |
Vĩnh Yên |
21.954 |
7.944 |
36 |
Tổng cộng |
560.238 |
210.414 |
37 |
210.414 tấn thóc trên lẽ ra có thể xát được 157.000 tấn gạo xuất khẩu, thu về ít nhất 850.000 phơ-răng tiền thuế.
Điếm canh đê ở Phú Xuyên, Hà Đông (nay là Hà Nội)[5]
Trận lụt năm 1909: Ngày 02 tháng 9 năm 1909, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đạt 11m07.
Ngày 12/8/1909, đê sông Đuống vỡ ở đoạn qua làng Đặng Xá, tỉnh Bắc Ninh, cách cầu sông đuống 6km về phía hạ lưu, chiều dài đoạn vỡ đê từ 50 đến 60 mét bất chấp những nỗ lực gia cố trước đó.
Ngày 14, nước bắt đầu rút. Nhưng cũng chính hôm đó, đoạn vỡ thứ hai rộng hơn (250 đến 350 mét) xảy ra ở hạ lưu so với đoạn thứ nhất, giữa các làng Kim Son và Lien Ho, nơi từng vỡ đê vào năm 1905.
Vỡ đê sông Đuống liên tiếp gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn đối với mùa màng ở các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương. Đồng thời, việc này cũng khiến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội gián đoạn, đoạn từ Phu Thung đến Đình Dù trên chiều dài khoảng 2km. Giao thông ngưng trệ trong gần 1 tháng.
Ở tỉnh Hải Dương, vỡ đê gây thiệt hại mùa màng trên diện tích 6.000 héc-ta. Tỉnh Hải Phòng thiệt hại nặng hơn. 1.800 héc-ta bị ngập. Thiệt hại ước tính 300.000 phơ-răng.
Tỉnh Hưng Yên bị thiệt hại nặng nhất. Ngoài mùa màng ước tính đạt 250.000 phơ răng, nhiều gia cầm và nhà cửa bị cuốn trôi.
Trận lụt năm 1911: Năm 1911 cũng chứng kiến nhiều trận lụt chủ yếu do vỡ đê, đặc biệt ảnh hưởng đến các tỉnh Phúc Yên, Vĩnh Yên, Bắc Ninh và Hà Nam.
Lũ dai dẳng trong tháng 6, cộng thêm mực nước sông Hồng và các phụ lưu dâng cao bất thường ở nửa sau tháng 7 khiến đê điều suy yếu. Ngày 25/7/1911, nước lũ dâng lên mức 11m27 tại Hà Nội, cao hơn 0.2 mét so với lũ năm 1909. Đê sông Cầu vỡ nhiều chỗ. Bắc Ninh bị ngập do đê tả ngạn sông Đuống, đoạn Chung Quan, Chi No, Ma Duo vỡ.
Tương tự, hoa màu ở các địa phương bị ngập nước quá 5 đến 6 ngày đều mất trắng[6].
Hà Nội bị đe dọa trong trận lụt năm 1926[7]
Đến nay, hệ thống đê, kè tiếp tục được cải tạo, nâng cấp, xây mới với việc ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, lũ lụt vẫn là mối đe dọa thường trực, công tác phòng chống lũ lụt đòi hỏi sự vào cuộc của cả chính quyền và người dân.
[1] Tổng cục Phòng chống thiên tai, Lịch sử đê điều Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, 2021.
[2] Đơn vị đo lường cổ của Trung Quốc, tương đương khoảng 50kg.
[3] Tổng cục Phòng chống thiên tai, sđd, tr.158.
[4] Theo Niên giám Đông Dương 1905, diện tích một số tỉnh trong bảng như sau: Nam Định: khoảng 150.000 héc-ta; Hà Nam: gần 100.000 héc-ta; Hải Dương: khoảng 258.519 héc-ta; Bắc Ninh: khoảng 116.000 héc-ta.
[5] J. Gauthier, Digues du Tonkin, Nhà in Viễn Đông, 1930.
[6] Theo Dépêche coloniale illustrée, số ra ngày 15/01/1912.
[7] J. Gauthier, sđd.
Bùi Hệ