12:52 PM 16/03/2020  | 

Lịch sử thế giới ghi nhận đã từng có những trận đại dịch khủng khiếp, lây truyền qua nhiều châu lục, làm chết hàng chục triệu thậm chí cả trăm triệu người và để lại rất nhiều hậu quả. Trong đó tiêu biểu như: bệnh dịch hạch xảy ra trong những năm 1330-1350 còn gọi là dịch Cái Chết Đen đã cướp đi sinh mạng của khoảng 75 triệu người trên thế giới; đại dịch sởi và đậu mùa những năm 1520 càn quét qua nhiều nước khu vực Trung Mỹ cũng làm chết hàng chục triệu người; đại dịch tả xảy ra nhiều lần trong thế kỷ 19, ban đầu xuất phát từ tiểu lục địa Ấn Độ sau đó lan ra hầu khắp các khu vực, giết chết hàng trăm triệu người trên toàn thế giới trong nhiều lần bùng phát; đại dịch cúm xảy ra trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1918-1919), khởi phát từ một trại huấn luyện binh lính của Hoa Kỳ tại Kansas, sau đó lan nhanh ra khắp các châu lục, ước tính khoảng gần 100 triệu người đã tử vong trong trận đại dịch này…

Tại Việt Nam do điều kiện các tư liệu cổ ghi chép và lưu trữ được không nhiều vì vậy chúng ta khó có thể thống kê đầy đủ các đại dịch bệnh từng xảy ra trong lịch sử nước ta. Nhưng căn cứ trên các nguồn tư liệu còn lưu giữ được có thể thấy đã có không ít những trận đại dịch được ghi nhận. Tuy nhiên, do khoa học kỹ thuật lúc đó chưa phát triển nên hầu hết các trận dịch không thể xác định rõ được nguyên nhân và tên bệnh. Thông thường tên các dịch bệnh chủ yếu được mô tả là “ôn dịch” (瘟疫) hoặc “dịch lệ” (疫癘) tức bệnh truyền nhiễm. Đến giai đoạn nhà Nguyễn một số trận đại dịch đã được ghi chép khá cụ thể con số tử vong nhưng tên loại bệnh dịch cũng ít khi được nhắc đến. Tuy vậy qua một số nghiên cứu và tư liệu còn lại có thể xác định những dịch bệnh thường gây tử vong nhiều nhất tại Việt Nam thời kỳ đó là thổ tả (hoắc loạn霍亂), sốt rét (hàn nhiệt寒熱), đậu mùa (thiên hoa đậu天花痘) và thương hàn (thử dịch鼠疫).

Có thể thống kê một số trận đại dịch từng xảy ra trong lịch sử Việt Nam như sau:

Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép: Hội Phong năm thứ 9 [1100], mùa đông, tháng 12, xảy ra bệnh dịch lớn. Thiệu Long năm thứ 6 [1263], tháng 9, có bệnh dịch. Kiến Trung năm thứ 8 [1232], gió lớn, dân gian phát dịch lệ, nhiều người chết. Bảo Phù năm thứ 6 [1278], mùa xuân, tháng 2, dân chết nhiều vì bệnh đậu mùa. Hưng Khánh năm thứ 1 [1407], năm ấy đói và dịch bệnh, nhân dân không cày cấy được, người chết gối lên nhau. Hưng Khánh năm thứ 3 [1409], năm này đói và dịch bệnh còn nặng hơn năm trước. Thiệu Bình năm thứ 2 [1435], dân các lộ Lạng Sơn, Nam Sách đều bị bệnh dịch. Hồng Phúc năm thứ 1 [1572], các huyện ở Nghệ An, đồng ruộng bỏ hoang, không thu được hạt thóc nào, dân đói to, lại bị bệnh dịch chết đến quá nửa, nhiều người xiêu bạt, kẻ thì lần vào Nam, người thì giạt ra Bắc, trong hạt rất tiêu điều. Cảnh Trị năm thứ 8 [1670] tháng 5, trời không mưa, nhân dân nhiều người mắc dịch bệnh. Nhà vua đích thân cầu đảo tạ trời đất. Cảnh Hưng thứ 18 [1757], tháng 10, các huyện thuộc Sơn Tây dân bị dịch và chết đói đến 8,9 phần. Có thể thấy với những ghi chép khá giản lược, Toàn thư đã cho biết khoảng chục trận dịch lớn nhỏ trong suốt giai đoạn từ đầu thế kỷ 12 đến cuối thế kỷ 18 ở Đại Việt.

Đến triều Nguyễn, ngoài nguồn tư liệu Thực lục (Đại Nam thực lục), Châu bản triều Nguyễn đã cung cấp khá nhiều thông tin quý báu về các trận đại dịch diễn ra trong thế kỷ 19 tại Việt Nam. Trong đó cụ thể:

Năm 1820 [Minh Mệnh năm thứ nhất], dịch bệnh bùng phát tại các tỉnh Hà Tiên, Vĩnh Thanh, Định Tường; sau đó lan dần ra phía Bắc đến Bắc thành. Theo báo cáo của Bộ Hộ “bệnh dịch phát ra từ mùa thu sang mùa đông, bắt đầu từ Hà Tiên, sau rốt đến Bắc Thành, tổng cộng số người chết là 206.835 người, tổng kê số tiền chẩn cấp là 73 vạn quan”[1]. Trong đó riêng Bắc thành số người chết là 114.282 người. Ước tính con số tử vong này tương đương khoảng gần 10% dân số Việt Nam thời điểm đó. Trận dịch này các nguồn tư liệu đều không ghi chép rõ là bệnh gì nhưng qua việc nhà vua cho xuất kho bạch đậu khấu cấp phát để trừ dịch thì có thể đoán đây là bệnh dịch tả. Nguyên nhân của trận đại dịch được cho là xuất phát từ phương Tây, có lẽ thông qua các thuyền buôn của Tây dương vào buôn bán tại các cảng ở Nam kỳ đã mang mầm bệnh du nhập[2]. Đối chiếu các nguồn tư liệu trong và ngoài nước cũng thấy rõ giai đoạn này thế giới đang bùng phát đại dịch tả trên khắp các châu lục, vì vậy Việt Nam cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề.

Báo cáo của Bắc Thành về tổng số người chết trong đại dịch tả năm 1820 là 114.282 người (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I/Châu bản triều Nguyễn)

Năm 1826 [Minh Mệnh năm thứ 7], Gia Định báo cáo có bệnh dịch lớn, quân và dân chết đến hơn 18.000 người. Năm 1833, tỉnh Phú Yên có bệnh dịch, nhân dân bị truyền nhiễm, chết hơn 5.000 người. Năm 1839, các tỉnh Bắc kỳ gồm Hà Nội, Hải Dương, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Yên dân bị dịch bệnh chết đến 6-7.000 người.

Minh Mệnh năm thứ 21 [1840] hàng loạt các tỉnh bùng dịch mạnh, trong đó Thanh Hoa hơn 2.000 người chết; Hưng Yên hơn 3.000 người; Sơn Tây hơn 4.900 người; ngoài ra các tỉnh Nam Định hơn 200 người, Hà Tĩnh hơn 400 người, Quảng Bình hơn 800 người. Nghệ An hơn 200 người. Trận dịch này Thực lục không ghi chép rõ là bệnh gì, Châu bản có một số văn bản chép là bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên trong một bản Tấu của Bộ Công ngày 26 tháng 10 năm Minh Mệnh 21 trình xin tạm hoãn việc triệu tập các thợ mộc ở Cục Mộc tượng với lý do một số thợ nghề đã chết vì bệnh đậu mùa.

Thiệu Trị năm thứ 6 [1846] một loại dịch được gọi là “lệ khí” (癘氣) tức khí độc lan tràn tại các tỉnh thuộc Bắc kỳ như Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, chỉ trong vòng 1 tháng đã gây ra cái chết cho hàng trăm người ở mỗi địa phương.

Đời vua Tự Đức, ngay năm thứ nhất [1848] dịch đậu mùa đã bùng phát tại Quảng Bình. Theo báo cáo của Bố chánh sứ Quảng Bình Trương Đăng Đệ tổng số người chết trong hạt là 4.065 người, riêng huyện Bố Trạch chỉ trong 3 tháng đầu năm đã chết đến hơn 1.200 người.

Năm 1849 [Tự Đức năm thứ 2] đại dịch tả và sốt rét xuất hiện trở lại với những báo cáo đầu tiên của các tỉnh thuộc khu vực của Bắc kỳ, sau đó rất nhanh chóng lan rộng ra khắp các tỉnh thành, liên tiếp các Tấu trình gửi về triều đình báo cáo tình hình dịch bệnh tại địa phương. Tuy nhiên dịch thực sự bùng phát mạnh bắt đầu từ tháng 12 tại các tỉnh Bình Định, Vĩnh Long, Định Tường, Hà Tĩnh, Sơn Tây, Quảng Bình, Hải Dương, Quảng Yên. Tổng kết của Bộ Hộ vào đầu năm sau 1850 trận đại dịch này “các hạt Nam, Bắc tổng số người chết là 589.460 người”[3]. Trong đó các địa phương tổn thất nặng nề nhất là Vĩnh Long hơn 43.400 người chết; Quảng Bình hơn 23.300 người; Hải Dương 10.608 người; An-Tĩnh (Nghệ An-Hà Tĩnh) 16.715 người, trong đó riêng Hà Tĩnh là 13.128 người; Bình-Phú (Bình Định-Phú Yên) 16.198 người. Đây cũng là trận dịch lớn nhất có quy mô toàn quốc với số người tử vong cao nhất trong các ghi chép của triều Nguyễn.

Năm 1853 [Tự Đức năm thứ 6] các tỉnh Hà Nội, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Yên lại có dịch, theo thống kê tổng số người chết trong trận dịch này là 9.074 người. Năm 1857 [Tự Đức thứ 10] các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Ninh bệnh dịch phát ra dữ dội sau đó lan đến Hà Nội, Hưng Yên và Bình Thuận. Tuy nhiên lần này không có số liệu thống kê người chết và tên loại bệnh. Năm thứ 13 [1860] theo báo cáo của Bộ Hộ về thiệt hại của một số địa phương bị dịch bệnh trong năm 1859-1860, các tỉnh Thừa Thiên, Bình Định, Gia Định số người chết vì dịch là 11.978 người và riêng Bắc Ninh là 6.410 người. Lần này tư liệu cũng không ghi chép là loại bệnh gì.

Năm 1877 [Tự Đức thứ 30] dịch sởi và đậu mùa bùng lên tại Thừa Thiên và Kinh đô Huế. Dịch bắt đầu từ tháng Giêng đến hết tháng 8 thì cơ bản được khống chế. Có lẽ vì trận dịch này uy hiếp trực tiếp đến kinh đô nên triều đình đã truyền lệnh cập nhật báo cáo theo tuần [1 tuần tức 10 ngày] tại các địa phương. Vì vậy Châu bản triều Nguyễn ghi nhận liên tiếp các bản Tấu trình từ các huyện thuộc Thừa Thiên được gửi về triều đình. Mặc dù không có số liệu tổng hợp các ca tử vong do dịch bệnh nhưng thống kê từ các bản Tấu có thể đưa ra số liệu tương đối trong 8 tháng số người chết tại các địa phương có dịch gồm các huyện Hương Trà, Hương Thủy, Quảng Điền lên đến hàng nghìn người. Tuy dịch đã được dập tắt trong năm 1877 nhưng đến năm 1879 dịch bùng phát trở lại tại các huyện Phú Lộc, Hương Thủy, Hương Trà, Phú Vang, Quảng Điền và con số người chết tại mỗi địa phương cũng đến hàng trăm người.

 Từ tháng 10 năm Đồng Khánh thứ 2 [1887] đến tháng 6 năm thứ 3 [1888] theo báo cáo của Cơ Mật viện tại 2 huyện Mộ Đức và Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi dịch đậu mùa đã làm chết 13.934 người[4]. Ngay sau đó Viện Cơ mật đã bàn với Khâm sứ Pháp cử bác sĩ đến chủng đậu cho người dân nên dịch đã nhanh chóng được dập tắt.

Quy định vệ sinh chung các khu dân cư và trừng phạt những người không khai báo bệnh dịch năm Bảo Đại 13 (1938) (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I/Châu bản triều Nguyễn)

Dịch đậu mùa thời vua Đồng Khánh có lẽ là trận đại dịch cuối cùng trong lịch sử cổ trung đại Việt Nam. Càng về sau do điều kiện y tế, cơ sở vật chất và đời sống của người dân ngày càng tiến bộ nên các đại dịch bệnh ngày càng được kiểm soát và số người tử vong cũng giảm rất nhiều. Ví dụ năm 1899 [Thành Thái thứ 11] một trận dịch hạch sảy ra trong quy mô nhỏ thuộc 3 xã Phương Sài, Ngọc Hội, Vĩnh Điềm huyện Vĩnh Xương tỉnh Khánh Hòa làm chết 33 người. Ngay lập tức chính quyền đã có biện pháp dập tắt dịch, đưa người bệnh vào nhà thương, thiêu hủy các nhà có dịch, dọn dẹp sạch sẽ đường sá để tránh truyền nhiễm.

Các quy định về vệ sinh ăn ở, vệ sinh đường phố, khu dân cư; quy định cấm ăn thịt xúc vật bị chết bệnh và xử phạt nặng những người không khai báo bệnh dịch được ban hành dưới thời các vua Thành Thái, Duy Tân, Bảo Đại đã giúp nâng cao kiến thức phòng tránh dich bệnh của người dân. Đồng thời chính quyền các giai đoạn sau cũng có nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ tình hình vệ sinh, sức khỏe người dân, vì vậy đã hạn chế tối đa các nguồn lây bệnh và số người tử vong vì dịch bệnh./.

 


[1] Đại Nam thực lục chính biên, đệ Nhị kỷ, quyển VI, Thực lục về Thánh Tổ Nhân Hoàng đế.

[2] Đình thần Phạm Đăng Hưng tâu rằng: “Thần cho rằng bệnh dịch từ Tây dương sang”.

[3] Đại Nam thực lục chính biên, đệ Tứ kỷ, quyển V, Thực lục về Dực Tông Anh Hoàng đế.

[4] Châu bản triều Nguyễn, Đồng Khánh tập 5, tờ 340.

Nguyễn Thu Hoài