Ảnh 1: Cầu Bo Thái Bình năm 1928 (Nguồn: Flick Manh Hai)
1. Dọc phố chính Jules Piquet (nay là phố Lê Lợi)
Thị xã Thái Bình thời bấy giờ (trước 1945) có một công trình kỹ thuật và mỹ thuật tiêu biểu của cả tỉnh là Cầu Bo, một cây cầu bê tông cốt thép, năm nhịp hình cánh cung, đẹp vô cùng, bắc qua sông Trà Lý, một cây cầu thân thương và trìu mến vì hầu như tối nào chúng tôi cũng lên cầu hóng gió mát và ngắm cảnh sông nước ban đêm…
Dốc chân cầu Bo phía đường Lê Lợi (Nguồn: Flick Manh Hai)
Từ đầu cầu Bo, đi xuống, dọc phố Jules Piquet (nay là phố Lê Lợi), bên trái là khu Tư dinh của Chánh sứ, chiếm trọn một khu phố, một rừng cây um tùm, ở giữa là khu nhà ba tầng, nơi ở của gia đình Chánh sứ. Nơi này, đất rộng, cây cối mọc như rừng nên sau Cách mạng Tháng Tám, Đội Thiếu niên nhi đồng nhiều lần tổ chức cắm trại trong đó. Bên kia đường, đối diện với khu nhà Chánh sứ là khu nhà Xéc Tây (Cercle) dành riêng cho quan chức Pháp, với khu nhà nhảy đầm, uống rượu trên cao, sân trời rộng hướng ra phía sông Trà Lý, bên dưới là sân tennis với hàng rào lưới mắt cáo.
Góc phố dưới chân cầu Bo (Nguồn: Flick Manh Hai)
Qua một dãy phố ngang, bên phải là khu Sở Lục lộ (Travaux Publics), với khu vườn hoa cây cảnh rộng thênh thang, ở giữa là một nhà 3 tầng rộng lớn, nơi tư dinh Chánh Sở Lục lộ (thời kỳ 1939-1945 là ông Tham Huân). Phía bên kia dường là Sở Cảnh sát, dân ta quen gọi Sở Cẩm (Commissariat).
Cửa hàng đầu tiên, tiếp sau khu hành chính, bên dãy tay phải là cửa hàng Đức Xương, chuyên bán buôn thuốc Bắc. Tiếp theo là cửa hàng Đức Hợp bên cạnh là cửa hàng Đức Hòa, hai cửa hàng lớn cùng của gia đình Đức Hợp.
Dinh Công sứ Thái Bình năm 1928 (Ảnh Flick Manh Hai)
Phía bên kia đường, đầu dãy, tôi nhớ có hàng thịt bò, có một khung sắt chung quanh vây lưới sắt, trong treo mấy miếng thịt bò, không nhớ tên cửa hàng. Tiếp theo là một cửa hàng ăn, không nhớ tên. Cách mấy nhà là cửa hàng thợ may lớn nhất thị xã lúc ấy là Đại Cát Tailleur (sau này còn mở cơ sở 2 ở bến ô tô mới).
Qua con phố ngang, một bên là phố Cầu Kiến Xương, một bên là đường phố chạy về phía chợ, đầu dãy, bên tay phải là cửa hàng giày dép lớn nhất Thị xã, cửa hàng Tô Lý, trước mặt treo một biển quảng cáo lớn cho hãng giày Bata. Tiếp sau là cửa hàng Phúc Kiến, một cửa hàng lớn của người Tàu, chuyên bán bánh kẹo, đồ hộp, xúc xích, jambon, rượu Tây, nho, lê, táo các loại nhập ngoại…
Cạnh đó là cửa hàng ăn Kỳ Xương Cư, có ông chủ người Tàu, bụng phệ lúc nào cũng cầm cái điếu bằng đồng có cần điếu dài. Đi vào cửa hàng, bên trái có quầy hàng để các loại bánh kẹo, ô mai đóng gói, sát tường là tủ đựng các loại rượu Tây, Tàu…ông chủ ngồi trong quầy hàng, bên cạnh cái bàn tính, lách cách tính tiền cho khách, bên phải là lối đi vào trong, có bà chủ người Tàu, mỗi lần có khách đến ăn, bà với tay kéo cái chuông, gọi nhân viên phục vụ ra tiếp khách. Phòng ăn là một dãy các ô có vách gỗ ngăn cách. Trên gác là một phòng ăn lớn, có một khu dành riêng cho khách ăn bánh (ngọt, hoặc mặn) và uống trà.
Cách cửa hàng ăn Kỳ Xương Cư, một hai nhà là cửa hàng thuốc tây Pharmacie Thái Ninh của anh chị tôi, anh rể tôi người làng Trực Nội, lúc đó thuộc huyện Thái Ninh nên lấy tên là Pharmacie Thái Ninh, thuê nhà của bà Ấm Túc bên cạnh. Cửa hàng thuốc của anh chị tôi lúc đó là độc nhất ở Thị xã, khá bề thế, xung quanh tường là các tủ thuốc, phía trước là một dãy quầy cũng chứa đầy thuốc, một quầy nhỏ bên cạnh là nơi tính tiền, viết hóa đơn…Vào khoảng năm 1940, 1941 gì đó, có ông dược sĩ Phạm Cao Phan về mở cửa hàng thuốc ở Thị xã Thái Bình, theo luật pháp lúc đó, chỗ nào có cửa hàng thuốc của dược sĩ (tốt nghiệp đại học y dược) thì các cửa hàng khác không phải của dược sĩ phải ở cách xa nơi cửa hàng của dược sĩ ít nhất 10km.
Anh chị tôi đã nhượng lại nhà thuê cho cửa hàng đồng hồ Lâm Ký và chuyển cửa hàng thuốc vào Thị xã Ninh Bình. Cửa hàng đồng hồ Lâm Ký cũng là cửa hàng lớn lúc bấy giờ, vừa buôn đồng hồ các loại vừa sửa chữa đồng hồ tại chỗ. Thấy buôn bán được, một cửa hàng đồng hồ khác thuê luôn nhà bên cạnh mang tên Sâm Ký. Như thế là hai cửa hàng động hồ liền nhau chỉ khác nhau chữ L và chữ S. Nhà Lâm Ký sợ khách nhầm lẫn, làm một tấm biển đề chữ Lâm Ký to tướng để trên vỉa hè, nhà Sâm Ký cũng làm một biển to hơn đề chữ Sâm Ký để trên vỉa hè, đối diện với biển của nhà Lâm Ký!!!
Sau hai cửa hàng đồng hồ, trước đây còn có một cửa hàng ăn nhỏ mang tên Hồng Kỳ của người Việt, nhưng chắc không cạnh tranh được nên sớm dẹp tiệm. Lâu đời nhất và có tiếng nhất trên dãy phố này có lẽ là nhà sách và văn phòng phẩm Thanh Sơn. Trong cửa hàng có cái máy gọt bút chì quay tay, học sinh chúng tôi hễ đi qua là thế nào cũng chạy vào cắm bút chì quay nhờ, vì đó mà cửa hàng trở nên đông đúc và nổi tiếng.
Ở cuối dãy này là hiệu vàng Đồng Mỹ, một hiệu vàng lớn độc nhất ở Thị xã Thái Bình hồi ấy. Cửa hàng rộng lớn, phía ngoài là các quầy bày đầy các trang sức bằng vàng, bạc đã được chế tác, phía trong là chỗ chế tác vàng, bạc thành các đồ trang sức các loại.
Trên dãy phố bên tay trái, bắt đầu là một nhà ở góc phố Jules Piquet và đường Cầu Kiến Xương, nhà này trước là một cửa hàng bán vải của người Ấn Độ. Sau cửa hàng đó nhượng cho một người Việt, lấy tên cửa hàng là Tân Phát.
Tiếp đến một cửa hàng sắt thép, kim khí hóa chất lớn nhất và độc nhất của Thị xã ngày đó, cửa hàng Quảng Nghĩa Hòa của người Tàu, một ngôi nhà ba tầng to lớn, hàng hóa bày đầy ra tận vỉa hè, cửa hàng vừa bán buôn vừa bán lẻ nên lúc nào cũng đông khách.
Cạnh đó là cửa hàng bán vải Hạo Hưng, một cửa hàng lớn của người Tàu, đối diện cửa hàng thuốc Pharmacie Thái Ninh của chị tôi. Hai bên cửa hàng là hai dãy tủ và quầy chứa đầy vải các loại. Bà chủ cửa hàng, người đẫy đà, luôn mặc bộ quần áo hoa kiểu Thượng Hải, ngồi phía trong cửa hàng, trước bộ bàn ghế bằng mây, luôn vui vẻ đon đả mời chào khách, thỉnh thoảng bà ta lại chạy sang cửa hàng chị tôi trò chuyện, bà ta nói tiếng Việt rất sõi.
Cách đó vài bước là một cửa hàng vải của người Việt, mang tên Tân Phát Tường, bà chủ có tên là bà Phát, và vì phía đầu dãy đã có cửa hàng Tân Phát nên cửa hàng thêm chữ Tường, thành Tân Phát Tường, để phân biệt. Nghe nói hai chị em bà Phát đã từng đi theo người anh ở làng Trực Nội làm cách mạng, đã từng bị Tổng đốc Vi Văn Định bắt giam và bị tra tấn bằng cái chày gỗ.
Qua một đường phố cắt ngang, sang một khu phố khác, dãy bên phải, bắt đầu là cửa hàng bánh Anh Tụ, mùi bánh nướng tỏa ra thơm phức. Giờ tan học buổi chiều, thường có đám học sinh lảng vảng quanh hiệu bánh, chờ bạn cùng lớp, con nhà Anh Tụ, ”thủ” được bánh đậu xanh đem chia cho các bạn.
Cách nhà Anh Tụ vài bước là cửa hàng xăng dầu Mỹ Hợp, của ông chủ tên là Kỳ nên thường gọi là ông Kỳ “dầu”. Trước cửa nhà, sát mép ngoài vỉa hè là một cây xăng cao của hãng Shell, sơn đỏ, dưới cây xăng, trên vỉa hè là một tấm thép lớn, người ta bảo ở dưới là hầm chứa xăng. Cây xăng có hai bình thủy tinh ở phía trên, dưới là cái cần bơm xăng, mỗi lần khách đến mua xăng, người ta cầm cái cần bơm xăng đẩy đi đẩy lại, xăng được bơm lên bình thứ nhất, khi đầy bình, thì xăng trên bình thứ nhất tự động rút xuống và xăng tự động bơm lên bình thứ hai và cứ thế hai bình thay nhau, bình này rút xuống thì bình kia lên bơm lên…
Bên cạnh cửa hàng xăng Mỹ Hợp là cửa hàng bách hóa (lúc đó gọi là cửa hàng tạp hóa) Hòa Hợp, cũng của gia đình Mỹ Hợp. Một cửa hàng tạp hóa rộng lớn nhất nhì Thị xã. Cuối dãy này là một nhà buôn bán hàng mây tre đan khá lớn, nằm ở góc phố Jules Piquet (nay là phố Lê Lợi) và phố Miribel (phố Nhà Thờ).
Chuyển sang dãy phố bên kia, đầu dãy là mấy nhà làm thêu ren, cửa hàng bán sơn ta, đến một gian không phải cửa hàng, chỉ có hai ông ngồi trên cái phản, mỗi ông một cái búa to đập chan chát xuống một xấp giấy đen to bằng bao diêm, tiếng búa chan chát suốt ngày, hỏi ra mới biết họ “biến” vàng thành những lá vàng mỏng như tờ giấy để dát vàng cho sản phẩm cần dát vàng.
Phố Jules Piquet năm 1928 (Nguồn: Flick Manh Hai)
Nổi bật trên dãy phố này là Nhà Xuất bản - Nhà Sách Minh Đức, chạy dài suốt 3 gian mặt phố, nơi mà chiều thứ bảy nào bọn học sinh chúng tôi cũng phải tới để chờ mua tập truyện Kiếm Hiệp mới, loại Kiếm Hiệp nhiều kỳ, mỗi kỳ ra một tập mà mỗi tập, sự kiện gay cấn nhất bao giờ cũng bị cắt nửa chừng ở cuối tập nên bắt buộc phải mua tập tiếp. Người lớn thì mong chờ các tập Tiểu thuyết thứ bảy của tác giả Lê Văn Trương, mỗi tuần một chuyện rất hấp dẫn…
Qua dãy phố ngang, phố Miribel (phố Nhà Thờ), sang một khu phố khác mà hình thái khác các khu phố buôn bán sầm uất phía trên, cả một đoạn phố dài từ phố Miribel (phố Nhà Thờ) đến vườn hoa đầu tỉnh, hầu như không có một đường phố cắt ngang nào xuyên qua cả ba dãy phố, mà chỉ có những phố nhỏ hoặc đường ngang từ phố Jules Piquet rẽ sang trái hoặc sang phải.
Từ đầu dãy bên trái là nhà Đại lý bia Hommel và Đại lý rượu Vạn Vân. Tiếp sau đó là cửa hàng tạp hóa Bazar Đăng Khoa mà bà chủ là người làng Tuộc, cửa hàng này đặc biệt là ngoài cửa đề chữ “Entrée libre” (Mời vào tự do) nên các bạn học sinh hay vào xem “quảng cáo” đồ chơi ở nhà hàng đó. Nhưng Bazar Đăng Khoa không trụ được lâu, chỉ một thời gian rồi phải nhượng lại cửa hàng.
Liền cạnh Bazar Đăng Khoa là cửa hàng văn phòng phẩm Mậu Hiên, cửa hàng này chủ yếu là bán đồ dùng học sinh cho học sinh trường Monguillot, vì cửa hàng ở ngay xế cửa trường Monguillot.
Cách nhà Mậu Hiên một đoạn mới tới một nhà gác ba tầng khá bề thế trên dãy phố mà phần lớn là nhà cấp 4, ngoài cửa treo một biển lớn vẽ hình một lốp ô tô, dưới đề chữ Michelin, đó là cửa hàng phụ tùng ô tô của cụ Hoàng Ngọc Khuê (thường gọi là ông Tư Khuê), anh của nhà văn nổi tiếng Hoàng Ngọc Phách (tác giả Tố Tâm, một trong những tiểu thuyết hiện đại đầu tiên).
Từ cửa hàng phụ tùng ô tô của cụ Tư Khuê đến vườn hoa đầu tỉnh hầu như không có một cửa hàng, cửa hiệu hoặc dinh thự gì đáng chú ý.
Chuyển sang dãy bên phải của khu phố này, bắt đầu từ khu trường Tiểu học và Trung học cơ sở Monguillot, nằm ở góc đường Jules Piquet (nay là phố Lê Lợi) và phố Miribel (phố Nhà Thờ), gồm hai khối nhà lớn.
Từ khu trường Monguillot cho đến vườn hoa đầu tỉnh, trên dãy phố này hầu như không có cửa hàng, cửa hiệu và công trình gì lớn, trừ khu Đền Mẫu và Nhà thuốc Phạm Cao Phan nhà gác 5 tầng xây mới.
Tiếp sau khu trường Monguillot, cách một con đường nhỏ rải đá lổn nhổn là khu bệnh viện tỉnh, gồm tư dinh của Giám đốc bệnh viện, một nhà ba tầng rộng lớn trên một khu vườn cây cao bóng mát.
Qua khu bệnh viện một đoạn, tới Service de Cadastre (Sở Địa chính), một khu cây cối um tùm, có dãy nhà làm việc, cấp 4, nằm dọc đường vào tư dinh của giám đốc sở, một khu nhà 3 tầng, nhìn thẳng ra phố Jules Piquet.
Quan Tổng đốc, Bố chánh, Án sát Thái Bình tại sân Vọng Cung năm 1928 (Nguồn: Flick Manh Hai)
Cửa Vọng Cung là một bức tường lớn với 3 ô cửa lớn đi vào phía trong. Bên trong khu Vọng Cung là một khuôn viên rộng lớn gồm nhiều công trình, xây kiểu cung điện, làm nơi đón tiếp, phục vụ khi xa giá nhà vua ngự đến tỉnh nhà.
Quan Tổng đốc Thái Bình Nguyễn Năng Quốc tại Dinh Tổng đốc năm 1928 (Nguồn Flick Manh Hai)
Tiếp sau khu Vọng Cung là khu dinh Tuần phủ sau này là dinh Tổng đốc, chiếm cả một khu phố, qua cửa lớn đi vào là một khu vườn hoa cây cảnh, trước tư dinh tổng đốc, một ngôi nhà hai tầng rộng lớn, có kiến trúc kiểu cung đình, bên phải tư dinh là ngôi nhà làm việc của văn phòng tổng đốc.
Từ dinh Tổng đốc đến vườn hoa đầu tỉnh không còn cửa hàng, cửa hiệu, công trình gì đáng kể, chỉ có một số nhà xây cho công chức thuê, tôi nhớ có nhà của một anh bạn CPS Thái Bình là anh Tô Đình Hiền, có anh là nhạc sĩ Tô Hải, với bài “Nụ cười sơn cước” tuyệt vời.
2. Dọc đường phố Paul Bert (nay là phố Trần Hưng Đạo)
Đường phố song song bên trái với đường phố Jules Piquet (nay là phố Lê Lợi), là đường phố Paul Bert (nay là phố Trần Hưng Đạo). Từ bờ sông Trà Lý đi xuống, có Sở Thuế quan dân ta gọi là Nhà Đoan (Douane et Régie), bên kia đường là khu Trường Thành Chung Thái Bình (Cours Primaire Supérieur - CPS Thái Bình).
Ảnh 8 Bến đò tỉnh ven bờ sông Trà Lý (Nguồn Flick Manh Hai)
Qua khu Trường Thành chung, dọc hai dãy phố hầu như không có cửa hàng, cửa hiệu hay dinh thự nào đáng kể, ngoại trừ có Nhà thuốc Hồng Khê và Nhà thuốc Lê Huy Phách, suốt ngày phát loa quảng cáo thuốc chữa bệnh lậu. Gần đó là Garage Lê Văn Định (Sửa chữa ô tô), sau chuyển về khu cạnh bến ô tô cũ.
Từ đây xuôi về phía đầu tỉnh, mãi tới ngã ba giữa phố Paul Bert với phố Miribel (phố Nhà Thờ) mới có công trình Nhà Thờ chính tòa Thị xã Thái Bình, một công trình kiến trúc gothique uy nghiêm, đồ sộ, nhìn thẳng ra phố Miribel, kiểu dáng giống như Nhà thờ Lớn Hà Nội.
Nhà thờ Chánh tòa Thái Bình (Flick Manh Hai)
Từ sau khu Nhà thờ đi tiếp về phía đầu tỉnh, hầu như không còn đường phố, mà chỉ là một con đường đá lổn nhổn chạy sau khu trường Mongillot và khu bệnh viện tỉnh, và kết thúc bằng một khu nhà “bí mật” lẩn sau những lùm cây, nơi mà nhiều người sợ hãi mỗi khi phải vào đó, đó là Service de Sûreté (Sở An ninh), dân ta quen gọi là Sở Mật thám, nơi đó vừa là nơi làm việc của Sở Mật thám, vừa là nơi giam giữ, hỏi cung và tra tấn những nghi phạm.
3. Dọc đường phố Paul Beau (nay là phố Trưng Trắc)
Trên dãy phố này, gần bờ đê sông Trà Lý là khu Giám binh, có trại lính khố xanh (Garde Indigène - Địa phương quân), bên kia đường là khu Tòa sứ (Résidence - Văn phòng UBND tỉnh), nơi mà ông anh họ tôi đã có lần đưa tôi đến chụp ảnh dưới vườn hoa, cạnh cây đa cổ thụ, với Vương Hương Anh, con ông Vương Hương Cần làm ở Postes (Bưu điện).
Qua khu Giám binh một đoạn là nhà Postes & Télégraphes (Nhà Bưu điện), dân ta quen gọi là Nhà Dây thép, một công trình khá khiêm tốn, chỉ có ngôi nhà một tầng, phía trước, một phòng rộng dùng làm quầy giao dịch và nơi làm việc của các nhân viên, phía sau có mấy phòng là nơi sinh hoạt của gia đình ông Chủ Dây thép. Có lẽ lúc đó, ngành bưu điện không được coi trọng như các ngành khác nên gia đình chủ sự không có nhà riêng như các nhà khác.
Qua khu Tòa sứ, đi xuôi đến ngã tư Paul Beau và đường Cầu Kiến Xương, bên phải, lừng lững một ngôi nhà 3 từng, mái bằng, giữa một khuôn viên rộng mênh mông, đó là khu tư dinh của Phó sứ. Phố ngang cắt qua dân quen gọi là phố Cầu Kiến Xương nay là phố Lý Thường Kiệt.
Đối diện với khu nhà Phó sứ là một ngôi biệt thự, kiểu Pháp, xinh xắn, đó là tư dinh ông Đốc Quýnh. Nơi đó, hàng năm, tôi và một người bạn vẫn được Hội Hướng Đạo sinh cử đi tháp tùng ông Đốc Quýnh đi phát chẩn (làm từ thiện) cho người nghèo ở xóm nhà lá sau bệnh viện tỉnh.
Đi xuống một đoạn nữa đến ngã ba giữa phố Miribel (phố Nhà Thờ) và phố Paul Beau. Đối diện với ngã ba Miribel - Paul Beau, là lối đi vào trường Tư thục Pascal. Thị xã Thái Bình lúc đó chỉ có 2 trường tư thục lớn là trường Pascal và trường Tư thục Port Royal.
Từ góc phố Miribel - Paul Beau, đi xuôi một đoạn có Rạp chiếu bóng Eden, rạp chiếu bóng độc nhất lúc bấy giờ, mãi sau này mới có thêm Rạp chiếu bóng Odéon của ông Đốc Quýnh, cạnh Bến ô tô mới. Rạp Eden chủ yếu là chiếu phim Tàu Thượng Hải, phụ đề tiếng Việt, mãi về sau này mới có phim Việt đầu tiên, phim “Cánh đồng ma”, thỉnh thoảng rạp Eden còn cho đoàn tuồng - cải lương Quảng Lạc từ Hà Nội về thuê biểu diễn.
Đi xuôi về phía đầu tỉnh, qua bến ô tô cũ là bến ô tô mới, bên phải bãi đỗ xe là hàng loạt nhà mái bằng, xây sẵn, cho thuê làm cửa hàng ăn, nhà trọ cho khách quá giang. Người ta nói, toàn bộ dãy ki-ốt cho thuê bán hàng bên phải bến ô tô và Rạp chiếu bóng Odéon đồ sộ bên phố Paul Beau là của cụ Đốc Quýnh.
Qua khu bến ô tô mới là khu nhà Cercle, khu liên hợp thể dục thể thao, sân vận động, sân bóng chuyền, sân bóng rổ, bể bơi…, với nhà Cercle, một ngôi nhà mái bằng ba tầng, to rộng, vừa là hội trường sân khấu biểu diễn, nơi tổ chức triển lãm, hội chợ, vừa là nơi chơi bóng bàn, billard, cờ tướng…Tôi nhớ có lần Bác Hồ về thăm Thái Bình, Bác đứng trên ban công tầng 2, nói chuyện với hàng vạn dân đứng dưới sân vận động. Tôi và đoàn thiếu nhi được đứng phía trước nên được nhìn rõ Bác hơn.
Qua khu thể dục thể thao, hai con đường phố chính của Thị xã Thái Bình là đường phố Jules Piquet và đường phố Paul Beau (đường phố Paul Bert cắt cụt từ khu nhà Sở Mật thám) gặp nhau hình thành một khu vườn hoa rộng lớn, thường gọi là vườn hoa đầu tỉnh. Chỗ ngã tư đầu tỉnh, có đường rẽ phải vào phố Huyện Vũ Tiên.
Ngoài ba đường phố chính chạy dọc thị xã, trên các đường phố ngang thì hầu như không có cửa hàng cửa hiệu, công trình kiến trúc gì đáng kể, trừ đường phố Cầu Kiến Xương có mấy cửa hàng cầm đồ, phố Miribel (phố Nhà Thờ) có mấy cửa hàng bán các hàng phục vụ cho người “đi Đạo”. Lác đác trên các con phố ngang còn có những dãy nhà, che kín bằng mành mành, ngoài đề chữ Mộ phu, đó là những nơi tuyển mộ người đi làm đồn điền cao su trong miền Nam, nơi mà những người cùng khổ cùng cực, nghe lời dụ dỗ đi vào để rồi “có đi mà không có về”.
Thị xã Thái Bình những năm 1939-1945 còn có một số cửa hàng đặc biệt, không biển hàng biển hiệu, chỉ có một ô cửa sổ với lá cờ viết hai chữ RO (viết tắt hai chữ Régie Opium - Đại lý thuốc phiện). Đúng thời gian đó, thế nào tôi lại trọ học đúng một nhà RO, nhà bà Quản Hồi ở góc đường Paul Bert và đường phố chợ (có anh con trai là anh Hoàng Tý, sau này là Thiếu tướng Trung đoàn Thủ Đô, Thiếu tướng Hoàng Phương). Hàng ngày tôi thấy khách đến mua thuốc phiện đưa qua ô cửa sổ một tờ bìa (phiếu mua thuốc phiện được chính quyền cấp cho người nghiện), bà chủ RO cắt một ô trên tờ phiếu (giống như cắt phiếu mua hàng thời bao cấp), rồi bà mở một hộp tròn to bằng đồng, rót chất nhựa màu nâu vào những ống nhỏ bằng đồng có định lượng khác nhau, tùy theo loại phiếu được cấp.
Nguồn: Trích dẫn từ bài viết “Nhớ về một số cửa hàng cửa hiệu, công trình kiến trúc thị xã Thái Bình xưa” của Nguyễn Thục Hạp và Lại Quý Dương, Tạp chí nghiên cứu phát triển số 6, tháng 12 năm 2023
Lại Quý Dương