Thành lập cơ quan chuyên môn
Ủy ban Du lịch trung ương thành lập năm 1923, chịu trách nhiệm đưa ra các đề xuất về tổ chức du lịch. Chủ tịch Ủy ban là Toàn quyền Đông Dương, thành viên bao gồm những người đứng đầu chính quyền cấp kỳ, Giám đốc Nha Tài chính, Tổng thanh tra Công chính, Giám đốc Nha kinh tế, Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ, đại diện các Hội xúc tiến du lịch và 3 thành viên do Toàn quyền chỉ định đại diện cho ba lĩnh vực báo chí, khách sạn-lưu trú và vận tải đường biển.
Trang đầu Nghị định thành lập Ủy ban Du lịch trung ương, 27/7/1923, RST75222, TTLTQGI
Cũng trong năm 1923, Văn phòng Du lịch trung ương trực thuộc Nha kinh tế ra đời, chịu trách nhiệm giám sát hoạt động du lịch ở thuộc địa, quảng bá các điểm du lịch; xây dựng tour tuyến và chi phí trên cơ sở thống nhất với các bên liên quan và thực hiện các hoạt động nhằm phát triển du lịch ở Đông Dương. Tính đến năm 1937, 10.000 tờ rơi về Đông Dương; 10.000 bản đồ du lịch bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Hà Lan; 30.000 tờ rơi về Angkor; 10.000 brochure về đường Cái quan và 20.000 bản đồ Sài Gòn đã được phát hành. Văn phòng cũng tham gia nhiều triển lãm và hội chợ ở Batavia, Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng và Phnom Penh.
Danh sách phim về Bắc Kỳ thuộc các bộ sưu tập của Phủ Toàn quyền, RST72548, TTLTQGI
Xuất bản sách hướng dẫn
Năm 1918, Claudius Madrolle đề nghị chính quyền Đông Dương tham gia biên soạn sách hướng dẫn Indochine du Nord (Bắc Đông Dương) và nhận được sự ủng hộ của Thống sứ Bắc Kỳ. Cuốn sách phát hành năm 1923 và tái bản lần một năm 1925, lần 2 năm 1932, bao quát nhiều nội dung như lịch sử, địa lý, địa chất, dân tộc học, tôn giáo, khảo cổ, khí hậu, tour tuyến....ở khu vực phía bắc Đông Dương. Những thông tin về khu vực phía nam được Madrolle bổ sung trong cuốn Indochine du Sud (Nam Đông Dương), xuất bản năm 1926.
Hai cuốn sách hướng dẫn quan trọng khác được Norès và Taupin xuất bản trong giai đoạn giữa hai cuộc chiến tranh thế giới. Sách hướng dẫn của Norès tập hợp nhiều bản đồ, sơ đồ cho biết các bến tàu, phà, các điểm giao cắt đường ray, các thành phố và điểm du lịch hấp dẫn ở thuộc địa, giúp người đọc tự xây dựng hành trình du lịch ở Đông Dương. Trong khi đó, sách hướng dẫn của Taupin gồm 2 phần: phần 1 cung cấp danh sách các tỉnh, thành phố và một số thông tin ngắn gọn theo trật tự alphabet; phần 2 đề xuất một số tour tuyến cùng miêu tả sơ lược các điểm du lịch và phương tiện đi lại.
Bìa sách hướng dẫn du lịch Đông Dương do G.Taupin & Cie xuất bản, nguồn: TVQG Pháp
Ngoài ra còn có một số sách hướng dẫn dành riêng cho từng điểm tham quan, chẳng hạn như sách về Đà Lạt của Bouvard và Millet, về Ngũ Hành Sơn của Bùi Thanh Vân, hay về Trung Kỳ của Văn phòng Du lịch Huế.
Tổ chức và tham gia hội chợ, triển lãm
Nha Kinh tế Đông Dương là đơn vị được giao tổ chức và chuẩn bị các hội chợ, triển lãm trong và ngoài thuộc địa. Trong 4 thập niên đầu thế kỷ XX, Đông Dương đã tham gia hàng chục triển lãm diễn ra ở các nước châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Các triển lãm quốc tế là nơi trưng bày các thành tựu về nhiều mặt, cung cấp cái nhìn tổng quan về sự phát triển ở thuộc địa và những nỗ lực của người Pháp trong công cuộc "khai hóa văn minh". Trong khi đó, các triển lãm địa phương thể hiện đời sống và nền văn minh của mỗi xứ tại thuộc địa Viễn Đông.
Chẳng hạn tại triển lãm quốc tế ở San Francisco năm 1919, tòa Đông Dương gồm 3 khu vực: du lịch, săn bắn và thủ công với gần 1 triệu khách tham quan trong suốt thời gian diễn ra triển lãm. Khu du lịch thu hút sự quan tâm của đông đảo người Mỹ, họ đến đây hàng ngày với mong muốn vượt biển sang du ngoạn Đông Dương.
Đặc biệt, Đông Dương đã tham gia tích cực hơn hết ở triển lãm Paris năm 1931. Triển lãm là nơi Pháp phô bày những thành tựu về mọi mặt ở thuộc địa, thu hút tới 8 triệu khách tham quan. Tại đây, những di tích ở Đông Dương, đặc biệt là đền Angkor, được tái hiện sinh động, như một sự tán dương đối với những tiến bộ mà Pháp đã mang đến vùng đất này cũng như nhấn mạnh tiềm năng khai thác thuộc địa.
Nỗ lực của các Hội Xúc tiến du lịch
Các syndicats d'initiative (tạm dịch là Hội Xúc tiến du lịch) là các tổ chức phi lợi nhuận thành lập để quảng bá du lịch Đông Dương. Các hội xúc tiến du lịch Sa Pa, Tam Đảo và Hà Nội tạo thành Liên hiệp Xúc tiến du lịch Bắc Đông Dương, gồm 4 ủy ban phụ trách các lĩnh vực quảng cáo, khách sạn, điểm du lịch và vận tải. Không chỉ truyền bá thông tin giúp Đông Dương được nhiều người biết đến, Liên hiệp còn là cầu nối giữa các tổ chức du lịch trong và ngoài thuộc địa, nỗ lực kết nối các cơ quan chuyên môn và các hãng vận tải tham gia các dự án tour tuyến ở Đông Dương.
Danh sách Hội viên Hội Xúc tiến du lịch Đồ Sơn, RST8127, TTLTQGI
Năm 1923, một Văn phòng Du lịch được thành lập dưới sự bảo trợ của Hội Xúc tiến du lịch Đông Dương, chịu trách nhiệm quảng bá du lịch thuộc địa. Tháng 5 cùng năm, Văn phòng phát hành số đầu Revue du Tourisme Indochinois (Tạp chí Du lịch Đông Dương). Một năm sau, 30.000 bản của Tạp chí đã được phân phối ở Viễn Đông, Pháp và các thuộc địa Pháp, Anh, Mỹ, Australia. Văn phòng cũng bán được 2000 bản sách hướng dẫn do văn phòng tự biên soạn và xuất bản.
Những hoạt động nói trên đã giúp Đông Dương dần có tên trên bản đồ du lịch quốc tế. Tuy nhiên, do những khó khăn chủ yếu về giao thông, lượng khách quốc tế đến Đông Dương trong những năm đầu thế kỷ XX vẫn ở mức rất khiêm tốn.
Tài liệu tham khảo:
Aline Demay, Tourism and Colonization in Indochina (1898-1939), Cambridge Scholars Publishing, 2014.
Bùi Thị Hệ, Tourism and Colonization: Establishment of French Indochina Tourism in the Early 20th Century, Master’s Thesis, APU University, 2021.
Bùi Hệ