Thời kỳ Pháp thuộc, sau Hòa ước Quý Mùi 1883, triều đình nhà Nguyễn chấp nhận sự bảo hộ của Pháp trên mọi phương diện. Tại Huế, Pháp đặt một Tòa Công sứ do một viên Công sứ người Pháp đứng đầu. Năm 1890 Toàn quyền Đông Dương cho xoá bỏ toà Công sứ Pháp tại Huế, quyền hạn của viên Công sứ này giao cho Khâm sứ Trung kỳ đảm nhiệm[1]. Ngày 18/4/1898 Toàn quyền Đông Dương lại ra Nghị định lập trở lại Toà Công sứ Thừa Thiên trụ sở đặt tại Huế[2].
Bản đồ từ Huế đến Đà Nẵng trong cuốn "Chuyến thám hiểm từ Huế vào Nam kỳ "
xuất bản năm 1899 của tác giả Camille Paris (1856-1908)
Nguồn: gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k58577516/f1.planchecontact
Năm 1899, thị xã Huế (Centre urbain de Hué) được thành lập bằng Nghị định ngày 30/8/1899 của Toàn quyền Đông Dương trên cơ sở chuẩn y Dụ các ngày 20/10/1898 và 12/7/1899 của vua Thành Thái[3]. Từ đây Huế chính thức trở thành một đô thị theo tiêu chuẩn phương Tây. Thị xã Huế sau đó tiếp tục được mở rộng và xác định ranh giới bởi các Nghị định ngày 31/12/1901, 3/7/1903, 24/7/1908 và 25/11/1921 của Toàn quyền Đông Dương.
Ngày 12/12/1929 bằng Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, thành phố Huế (Commune de Hué) được thành lập trên cơ sở nâng cấp từ thị xã Huế. Đứng đầu thành phố là một Đốc lý do Công sứ Thừa Thiên kiêm nhiệm, ngoài ra có một Hội đồng thành phố giúp việc. Ranh giới thành phố được ấn định bởi Dụ ngày 4/11/1921 của vua Khải Định và được thông qua bởi Nghị định ngày 25/11/921 của Toàn quyền Đông Dương[4].
Bản đồ tỉnh Thừa Thiên trong tập bản đồ về Đông Dương thuộc Pháp
xuất bản năm 1909
Nguồn: https://humazur.univ-cotedazur.fr/s/Humazur
Tuy nhiên, do Huế là Kinh đô của triều Nguyễn, nơi có vua ở, vì vậy tại đây đồng thời hình thành song song hai tổ chức hành chính của Nam triều và của Pháp. Trong đó, Kinh thành Huế đứng đầu là một Đề đốc đặt trong phủ Thừa Thiên đứng đầu là một viên Phủ doãn do triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm. Thành phố Huế (trừ khu vực Kinh thành) do một viên Đốc lý đứng đầu nằm trong tỉnh Thừa Thiên đứng đầu là một viên Công sứ do Pháp bổ nhiệm.
Ngày 15/6/1938 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định sáp nhập đơn vị hành chính mới là quần đảo Hoàng Sa từ tỉnh Quảng Ngãi vào tỉnh Thừa Thiên[5]. Ngày 5/5/1939 Toàn quyền Jules Brévié lại ra Nghị định tách quần đảo Hoàng Sa thành hai Đại lý hành chính thuộc tỉnh Thừa Thiên. Hai Đại lý hành chính này gồm “Cụm Lưỡi Liềm và các đảo phụ cận”, “Cụm An Vĩnh và các đảo phụ cận” đóng trên 2 đảo Hoàng Sa và Phú Lâm. Các viên đứng đầu đại diện cho Công sứ Pháp tại Thừa Thiên[6].
Đến cuối thời kì Pháp thuộc, tỉnh Thừa Thiên gồm 1 thành phố Huế (là tỉnh lị) và 6 huyện Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang và Quảng Điền[7].
Ảnh chụp kinh thành Huế từ trên cao năm 1932. Nguồn: AAVH
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Sắc lệnh số 77 ngày 21/12/1945 quy định 8 thành phố trong đó có thành phố Huế. Huế tiếp tục là tỉnh lị của Thừa Thiên, thuộc Khu 4 cùng các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, lấy sông Bến Hải thuộc Vĩ tuyến 17 tỉnh Quảng Trị làm ranh giới. Tỉnh Thừa Thiên thuộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý. Năm 1958 chính quyền VNCH cho cải biến các huyện thành các quận hành chính, thời điểm đó tỉnh Thừa Thiên bao gồm 9 quận là Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc, Vinh Lộc, Hương Điền, Nam Hòa (với 3 tổng, 89 xã)[8]. Đồng thời ấn định ranh giới thị xã Huế chia làm 10 khu phố và 31 khóm trực thuộc 3 quận là Quận Nhất, Quận Nhì, Quận Ba[9]. Năm 1967 xác định lại ranh giới 3 quận thuộc thị xã Huế, trong đó Quận Nhất gồm toàn bộ khu thành nội bao gồm tường thành, các hào xung quanh kể cả Mang Cá nhỏ; Quận Nhì gồm khu tả ngạn sông Hương, ranh giới đến xã Phù Lưu thuộc quận Phú Vang tỉnh Thừa Thiên, hữu ngạn sông Hương nối qua sông đào Cửa Hậu và sông Kẻ Vạn; Quận Ba bao gồm tả ngạn sông Hương, ranh giới đến các xã Phú Lưu, Phú Hương (quận Phú Vang), các xã Thủy Phú, Thủy An, Thủy Phước, Thủy Trường, Thủy Xuân (quận Hương Thuỷ)[10].
Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tháng 2 năm 1976 Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành Nghị định sáp nhập các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và Khu vực Vĩnh Linh thành tỉnh Bình Trị Thiên, tỉnh lị đặt tại thành phố Huế. Ngày 11 tháng 3 năm 1977 Quyết định số 62-CP của Hội đồng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam hợp nhất và điều chỉnh địa giới một số huyện thuộc tỉnh Bình Trị Thiên, trong đó thành phố Huế được giữ nguyên.
Ngày 11/9/1981 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 64-HĐBT, theo đó sáp nhập 8 xã Hương Hải, Hương Phong, Hương Vinh, Hương Sơ, Hương Long, Hương Hồ, Hương Bình, Hương Thọ (trừ thôn Dương Hòa) và các thôn Thanh Chữ, Cổ Bưu, Bổn Trì, Bổn Phổ, An Lưu của xã Hương Chữ thuộc huyện Hương Điền và 9 xã Thủy Bằng, Thủy Biều, Thủy An, Thủy Dương, Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh, Phú Tân và các xóm Cồn Trâu, Cổ Thành, Vườn Trầu, Đồng Giáp của xã Thủy Vân thuộc huyện Hương Phú vào thành phố Huế. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố Huế có 10 phường và 23 xã.
Ngày 30 tháng 6 năm 1989, Kì họp thứ 5 Quốc hội khóa VIII nước CHXHCN Việt Nam ra Nghị quyết tách tỉnh Bình Trị Thiên để tái lập các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Khi chia tách, tỉnh Thừa Thiên - Huế gồm 5 đơn vị hành chính là thành phố Huế và 4 huyện Hương Phú, Hương Điền, Phú Lộc và A Lưới.
Năm 1990 Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định chuyển 8 xã Thủy Bằng, Thủy Dương, Phú Thượng, Phú Mậu, Thuận An, Phú Thanh, Phú Dương, Phú Tân thuộc thành phố Huế về huyện Hương Phú và chia huyện Hương Phú thành 2 huyện Hương Thủy, Phú Vang. Đồng thời chuyển 9 xã Bình Thành, Bình Điền, Hương Bình, Hương Hồ, Hương An, Hương Vinh, Hương Thọ, Hương Phong, Hải Dương thuộc thành phố Huế về huyện Hương Điền và chia huyện này thành 3 huyện Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền[11].
Ngày 24/9/1992 căn cứ vào vị trí của thành phố Huế có cố đô và nhiều quần thể di tích lịch sử, văn hóa và để tạo điều kiện xây dựng thành phố Huế thành một trung tâm văn hóa, du lịch của cả nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam đã ban hành Quyết định số 355-CT công nhận thành phố Huế thuộc tỉnh Thừa Thiên- Huế là Đô thị loại II. Ngày 24/8/2005 Thủ tướng Chính phủ lại ban hành Quyết định số 209/2005/QĐ-TTg nâng cấp thành phố Huế lên Đô thị loại I[12].
Đến nay sau nhiều lần chia tách, sáp nhập, tỉnh Thừa Thiên - Huế gồm 1 thành phố Huế, 2 thị xã là Hương Trà, Hương Thủy và 6 huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền[13]. Trong đó thành phố Huế gồm 36 đơn vị trực thuộc (29 phường, 7 xã).
Có thể nói, sau hơn 7 thế kỷ sáp nhập vào lãnh thổ nước Việt và gần 5 thế kỷ từ khi nhà Nguyễn bắt đầu cai quản vùng đất này, Huế đã phát triển không ngừng. Từng là một đô thị do người Pháp thành lập theo hướng hiện đại khá sớm ở Việt Nam, nhưng Huế vẫn giữ được nét cổ kính đặc trưng của một đô thị cổ.
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, trên cơ sở nghiên cứu đề xuất của Bộ Nội vụ. Tại hội nghị, 100% thành viên UBTVQH đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc đối với các nội dung trong Đề án. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Chính phủ và các đơn vị liên quan phối hợp với địa phương sớm hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội xem xét theo thẩm quyền.
Với bề dày lịch sử, văn hóa, phong tục, thổ nhưỡng, con người... đặc trưng riêng có, hy vọng Huế xứng đáng trở thành 1 trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương cùng với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Đồng thời rút kinh nghiệm những đơn vị đi trước, Huế sẽ hài hòa được mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển; giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di sản văn hóa; giữa phát triển đô thị hiện đại với gìn giữ giá trị truyền thống... để Huế mãi là một “cố đô di sản” phát triển bền vững tại Việt Nam./.
Tài liệu tham khảo:
https://tienphong.vn/tp-hue-truc-thuoc-trung-uong-la-quyet-dinh-mang-tinh-lich-su-post1687253.tpo
[1] JOAT, 1890, tr. 482
[2] JOIF, 1898, tr. 339
[3] JOIF, 1902, tr.149-150
[4] JOIF, 1929, tr. 4699
[5] AIAT,1893, tr. 171
[6] Monique Chemillier Gendereau, Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.114.
[7] Niên giám thống kê Đông Dương (Annuaire statistique de l’Indochine) năm 1936-1937. Ngoài ra bao gồm việc quản lý quần đảo Hoàng Sa.
[8] Nghị định số 214-HV/P6/NĐ ngày 17/5/1958 của Bộ trưởng Nội vụ Việt Nam Cộng hòa.
[9] Nghị định số 319-BNV/NC/19 ngày 4/ 8/1958 của Bộ trưởng Nội vụ Việt Nam Cộng hòa.
[10] Nghị định số 1455-NĐ/ĐUHC ngày 19/6/1967 của Chủ tịch ủy ban Hành pháp Trung ương.
[11] Quyết định số 345-HĐBT ngày 29/9/1990 của Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam.
[12] Thời điểm đó thành phố Huế gồm có 20 phường là An Cựu, Kim Long, Phú Bình, Phú Cát, Phú Hậu, Phú Hiệp, Phú Hòa, Phú Hội, Phú Nhuận, Phú Thuận, Phước Vĩnh, Phường Đúc, Tây Lộc, Thuận Hòa, Thuận Lộc, Thuận Thành, Trường An, Vỹ Dạ, Vĩnh Ninh, Xuân Phú và 5 xã là Hương Long, Hương Sơ, Thúy An, Thủy Biều, Thủy Xuân.
[13] Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê 2023.
Nguyễn Thu Hoài