Năm 1306, vua Chế Mân của nước Chiêm Thành để cưới được công chúa Huyền Trân con gái của Thượng hoàng Trần Nhân Tông nước Đại Việt đã dâng đất 2 châu Ô, Lý (Rí) làm quà cưới. Năm 1307 vua Trần Anh Tông cho đổi 2 châu Ô, Lý làm 2 châu Thuận, Hóa. Trong đó vùng Huế ngày nay thuộc về châu Hóa. Vì vậy địa danh “Huế” là xuất phát từ chữ “Hóa” này.
Bản đồ Vương quốc Đại Việt gồm Vương quốc Đàng Ngoài và Đàng Trong
do các Giáo sĩ Dòng Tên vẽ trong giai đoạn thế kỷ 17.
Nguồn: https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b5963012f
Về lịch sử, theo sách Đại Nam nhất thống chí[1] có thể tóm lược lịch sử vùng đất này trước triều Nguyễn như sau: Thừa Thiên trước đời Lý là đất của Chiêm Thành. Đời Lý Thánh Tông, năm Thiên Huống Bảo Tượng thứ 2 (1069) vua đánh Chiêm Thành, vua Chiêm Thành là Chế Củ xin dâng đất 3 châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính để chuộc tội. Năm Thái Ninh thứ 4 (1075) đời Lý Nhân Tông đổi châu Địa Lý làm châu Lâm Bình, châu Bố Chính làm châu Nam Bố Chính, châu Ma Linh làm châu Minh Linh và chiêu tập dân đến ở. Sau khi sáp nhập thêm 2 châu Ô, Lý (Thuận, Hóa), cuối đời Trần (thời nội thuộc nhà Minh) thành lập phủ Thuận Hóa bao gồm 2 châu Thuận, Hóa. Đầu đời Lê, đổi phủ Thuận Hóa làm lộ Thuận Hóa, năm Hồng Đức thứ 10 (1469) đời Lê Thánh Tông đặt là Thuận Hóa thừa tuyên.
Dưới thời các chúa Nguyễn, năm 1558, trong bối cảnh rối ren tranh chấp quyền bính giữa các thế lực Lê-Mạc, Trịnh-Nguyễn ở đất Bắc đã đưa đẩy Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa và trở thành vị Chúa đầu tiên khai nghiệp nhà Nguyễn.
Để củng cố quyền lực và phát triển lớn mạnh làm đối trọng với họ Trịnh ở Đàng Ngoài, họ Nguyễn ở Đàng Trong đã không ngừng mở rộng lãnh thổ về phương Nam. Trải qua hơn 200 năm với 9 đời cầm quyền đất Đàng Trong, các chúa Nguyễn đã dần xác lập chủ quyền trên toàn bộ vùng đất Nam bộ.
Nhằm ổn định bộ máy chính quyền, các chúa Nguyễn cũng đặc biệt chú trọng chọn nơi để thiết lập thủ phủ tại trung tâm xứ Thuận Hóa. Từ giữa thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 18, nhà Nguyễn đã nhiều lần dời đặt dinh phủ từ Ái Tử[2] (1558-1570) đến Trà Bát[3] (1570-1600), Dinh Cát[4] (1600-1626), Phước Yên[5] (1626-1636), Kim Long[6] (1636-1687), Phú Xuân (1687-1712), Bác Vọng[7] (1712-1738) và cuối cùng chọn Phú Xuân[8] (1738-1775) làm Kinh đô. Từ năm 1775 Phú Xuân mất vào tay quân Trịnh, sau đó từ năm 1788 đến năm 1801 là kinh đô của triều đại Tây Sơn.
Năm 1802, sau khi đánh bại quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh - một hậu duệ của các chúa Nguyễn đã thống nhất giang sơn về một mối, lập nên triều Nguyễn. Năm 1806 ông chính thức lên ngôi Hoàng đế khởi đầu cho đế chế của 13 vị Hoàng đế nhà Nguyễn và cũng là triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Ngay sau khi lên ngôi, vua Gia Long tiếp tục chọn Phú Xuân làm Kinh đô và xây dựng thành trì kiên cố. Phú Xuân (Huế) là nơi định đô của nhà Nguyễn cho đến khi kết thúc triều đại năm 1945.
Sơ đồ Kinh thành Huế năm 1885. Nguồn: BAVH
Trong 143 năm triều Nguyễn cai trị, địa giới hành chính vùng đất này tiếp tục biến đổi như sau: Năm 1802 vua Gia Long chính thức lấy Phú Xuân làm Kinh đô, lại cắt 3 huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang của phủ Triệu Phong đặt làm dinh Quảng Đức. Năm Gia Long thứ 5 (1806) đặt dinh Quảng Đức làm trực lệ; lấy các dinh Quảng Bình, Quảng Trị làm Hữu dực; Quảng Nam, Quảng Ngãi làm Tả dực tạo thành các lớp bình phong bao bọc bảo vệ kinh thành. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) đổi dinh Quảng Đức làm phủ Thừa Thiên[9] đặt thuộc Kinh sư, lại tách 3 huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang của phủ Triệu Phong sang dinh Quảng Trị. Năm Minh Mệnh 12-13 (1831-1832) đổi các trấn, dinh trong cả nước thành tỉnh, duy phủ Thừa Thiên là Kinh đô vẫn giữ nguyên. Năm thứ 15 (1834) đặt thêm 3 huyện Phong Điền, Hương Thủy, Phú Lộc thuộc phủ Thừa Thiên. Năm Tự Đức thứ 4 (1851) đặt 3 huyện Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền do các huyện Hương Trà, Hương Thủy, Quảng Điền kiêm nhiếp. Năm thứ 6 (1853) đổi tỉnh Quảng Trị làm đạo Quảng Trị đặt thuộc phủ Thừa Thiên. Cho đến hết giai đoạn triều Nguyễn độc lập (cuối đời vua Tự Đức), phủ Thừa Thiên gồm 6 huyện Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền, đồng thời quản lãnh thêm đạo Quảng Trị[10].
Về địa lý phong tục, Thuận Hóa được các sử gia thời đó đánh giá là nơi “ưu địa”, phù hợp để trở thành trung tâm của một vùng. Sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An cho rằng: Thuận Hóa “xóm làng đông đúc, chung nghe tiếng gà tiếng chó, cỏ nước tốt tươi, trâu bò đầy đồng. Đồng ruộng có cả công điền tư điền, ngoài thuế ruộng còn có nhiều loại thuế khác. Sông hồ đầy nước, giao thông thuận tiện, đất đai màu mỡ… Đồng bằng làm ruộng nuôi tằm, ven biển phơi muối làm mắm. Thổ sản rất nhiều, thức nhắm tuyệt ngon, sơn hào hải vị có thừa, của lắm vật nhiều phong phú. Cá tôm ở hồ ở biển chẳng chốn nào không, tre gỗ trên rừng trên núi đủ dùng tùy thích…”
Trong đó, Phú Xuân trung tâm của Thuận Hóa là nơi “đất rộng bằng phẳng như bàn tay, độ hơn 10 dặm, ở trong là Chính dinh, đất cao nổi bật ở giữa, đất bằng ngồi vị Càn (Tây Bắc) trông hướng Tốn (Đông Nam), dựa ngang sống đất, trông xuống bến sông, phía trước quần sơn chầu về, vật lực giàu thịnh…” (Phủ biên tạp lục - Lê Quý Đôn).
Vua Minh Mệnh sau này khi bàn về Kinh sư cũng lý giải rằng: “Phú Xuân là khoảng giữa trong nước, đế vương đóng đô không đâu hơn đấy… Hình thế nước ta mà nói, Gia Định thì dòng sông quanh co, Bắc Thành thì đồng nội bằng phẳng, đều không phải là chỗ hiểm yếu. Bình Định địa thế khá vững nhưng chật hẹp; Quảng Nam non nước hữu tình, nhưng lệch xiêu; Quảng Bình, Thanh Hoa cũng đều không phải là chỗ đóng kinh đô được. Tóm lại không đâu bằng Phú Xuân, đất cao ráo sáng sủa, núi sông yên bình. Đường thuỷ thì có Thuận An, Tư Dung là nơi hiểm yếu, đường bộ thì có Quảng Bình, Hải Vân che chở. Sông lớn uốn quanh phía trước, đèo cao vững chãi ở bên, rồng lượn hổ ngồi, thế khoẻ hình mạnh. Đó là trời đất đặt ra để làm chỗ cho Liệt thánh ta đóng đô mà để lại cho con cháu đến ức muôn năm sau vậy”[11].
Bản đồ Vương quốc Thái Lan và Việt Nam xuất bản năm 1828
Một trong những bản đồ xuất hiện địa danh Huế sớm nhất
Nguồn: SOUTHEAST ASIA VISIONS, Cornell University Library’s John M. Echols Collection
Đón xem Kỳ II: Từ đô thị Huế đến thành phố trực thuộc trung ương
Tài liệu tham khảo:
[1] Đại Nam nhất thống chí do Quốc Sử quán triều Nguyễn soạn khoảng từ năm 1865 đến 1882 dưới thời vua Tự Đức (bản dịch của Viện Sử học, NXB Thuận Hóa 1992).
[2] Ái Tử nay thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
[3] Trà Bát nay thuộc huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị.
[4] Dinh Cát nay thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
[5] Phước Yên nay thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
[6] Kim Long nay thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế
[7] Bác Vọng nay thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
[8] Phú Xuân nguyên là tên làng Phú Xuân thuộc huyện Hương Trà, sau dần được mở rộng và phát triển trở thành cố đô Huế ngày nay.
[9] Tên gọi Thừa Thiên chính thức bắt đầu từ đây.
[10] Đại Nam nhất thống chí, đã dẫn, tập 1, tr.87-98; Đại Việt địa dư toàn biên, đã dẫn, tr.210-213.
[11] Đại Nam thực lục, Đệ nhị kỷ, quyển LIII.
Nguyễn Thu Hoài