08:45 PM 29/10/2023  | 

Lễ Thường triều hay phiên tiểu triều là cuộc họp mặt làm việc giữa vua và bá quan văn võ được tổ chức định kỳ theo quy định từ năm 1806 và có thể thay đổi theo từng triều đại. Vua và quan đều mặc phẩm phục thường triều, vua ngồi trên sập sơn son thiếp vàng đặt tại gian giữa của điện Cần Chánh, Hoàng tử và Hoàng thân công sắp hàng bên trong điện, quan theo phẩm hàm xếp hàng ngoài sân. Trong thời gian điện Cần Chánh được hạ giải và trùng tu, thì Lễ Thường triều tổ chức ở điện Khâm Văn.

Điện Cần Chánh – Nơi thiết nghi Lễ Thường triều. Ảnh sưu tầm

Lễ Thường triều hay thường triều nghi là lễ lạy nhỏ - cuộc gặp mặt định kỳ có tính cách nghi lễ giữa vua và bá quan văn võ, được tổ chức theo một nghi thức tương đối đơn giản tại điện Cần Chánh và sân điện Cần Chánh trong Tử cấm thành, nằm sau điện Thái Hòa trong Đại Nội. Năm Gia Long thứ 5 (1806) ấn định phiên thường triều vào những ngày mồng 5, 10, 20, 25 đặt thường triều ở điện Cần Chánh, các quan từ Tứ phẩm trở lên mặc áo mũ thường triều vào lạy chầu [1]. Định kỳ thường triều có thể thay đổi theo từng triều đại. Sách Đại Nam thực lục chính biên ghi chép vào năm Minh Mệnh thứ 17 (1836): “đặt Lễ Thường triều ở điện Cần Chánh. Theo lệ trước, mỗi tháng có hai lần đại triều vào mồng 1 với ngày rằm và mỗi tháng có 4 lần thường triều (ngày mồng 5, ngày 25; ngày 11, ngày 21). Bộ Lễ đều theo kỳ hạn, làm thẻ bài đưa mời trước. Sau vì thấy phiền phức, mới ra lệnh: phàm những ngày đại triều và thường triều nếu không phải vì có việc cần thiết phải thiết triều thì miễn[2].

Nguồn Sử liệu Châu bản triều Nguyễn, cho thấy khi có gặp lễ hưởng tự, các lễ tiết Khánh hạ, hay tháng nhuận hoặc xảy ra việc gì, như thời tiết oi bức hay bão lụt thì trước 1 ngày phải làm giấy, do Bộ Lễ tâu lên nhà vua xin được miễn thiết triều nghi thường lệ. Hoàng đế Tự Đức ngự phê trên bản tấu của Bộ Lễ ngày 30 tháng Hai năm Tự Đức thứ 4 (1851) về việc Hoàng thượng lên điện, trăm quan vào dự Lễ Thường triều ở điện Cần Chánh: “Mấy ngày trước vì hiếm mưa cầu đảo chưa được mưa, ngày mai cho miễn Lễ Thiết triều một lần”; Hoàng đế Tự Đức phê “miễn cho” trên bản tấu của Bộ Lễ ngày 29 tháng Mười năm Tự Đức thứ 20 (1867) ghi chép: “Vào ngày mồng 1 tháng tới, theo lệ có thiết nghi Lễ Thường triều ở điện Cần Chánh. Hoàng thượng ngự điện, các quan văn từ ngũ phẩm, quan võ từ tứ phẩm trở lên về triều dự lễ. Lễ xong các nha vâng đem chương sớ chờ theo thứ tự tiến đọc. Nay Bộ thần đã hỏi, các nha đều xưng chưa có khoản nào nên đem tiến đọc. Dám xin trình bày trước để tuân theo thi hành[3].

Trong Lễ Thường triều, vua và quan đều mặc phẩm phục thường triều, vua không ngồi trên ngai vàng mà ngồi trên sập sơn son thiếp vàng đặt tại gian giữa của điện Cần Chánh, quan Văn Võ từ Ngũ phẩm trở lên mới được tham dự và sắp hàng ngoài sân theo thứ lớp, cấp lớn đứng trước, cấp nhỏ đứng sau, quan văn bên trái, quan võ bên phải, theo sự đánh dấu của bia đá nhỏ, ghi phẩm trật, cắm trên sân điện gọi là phẩm sơn, được đặt ở đầu hàng từng phẩm, để trông đó đứng vào hàng, theo thứ tự. Các quan có cùng phẩm trật thì người được thăng trật trước sẽ đứng trước. Các Hoàng thân tước Vương và tước Công, các Hoàng tử, được sắp hàng bên trong điện, gần cửa ra vào, theo thế thứ trên dưới trong họ chứ không theo tước vị. Quan viên hướng về chỗ vua ngồi chủ tọa thường triều, lạy năm lạy và vái ba vái.

Bản tấu của Bộ Lễ ngày mồng 5 tháng Mười một năm Thành Thái thứ 2 (1890) ghi chép nghi thức tiến hành Lễ Thường triều ở điện Cần Chánh vào tiết đông chí. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Châu bản triều Nguyễn đã dẫn chúng ta ngược dòng lịch sử để hiểu hơn về nghi thức trong phiên thường triều, tuy rút gọn đơn giản hơn phiên đại triều. Bản tấu của Bộ Lễ ngày mồng 5 tháng Mười một năm Thành Thái thứ 2 (1890), ghi chép: “Vâng xét hàng năm khi gặp tiết Đông chí, theo lệ bày đặt nghi thức Lễ Thường triều ở điện Cần Chánh. Hoàng thượng mặc lễ phục ngự điện. Hoàng thân, Vương công, quan văn từ Ngũ phẩm trở lên, quan võ từ Tứ phẩm trở lên vào bái yết, lễ từ 3 tới 5 lễ. Lễ xong, đều được dự yến tiệc 1 lần. Ngày 11 tháng này, là tiết Đông chí, hôm đó bày dặt nghi thức Lễ Thường triều ở điện Cần Chánh. Các khoản nghi thức về công việc cần làm trong buổi lễ, xin tuân theo lệ định trước đây. Kính cẩn kê khai như sau trình lên: Đến ngày, sáng sớm quan Hữu ti kính thiết nghi thức thường triều ở điện Cần Chánh, trên Kì đài treo cờ vàng. Hoàng thân, Vương công cùng văn từ ngũ phẩm, võ từ tứ phẩm trở lên đều đầy đủ phẩm phục theo ban cung kính đợi. Đến giờ, bộ thần cùng Võ ban Đại thần gửi lời tâu: “Trung nghiêm ngoại chỉnh (tấu bên trong đã nghiêm, bên ngoài đã chỉnh)” (người giữ hương đốt hương xong); xướng: “Bài ban” (nhã nhạc nổi lên); xướng “Ban tề”; xướng: “Cúc cung bái” (phàm năm lạy); xướng: “Hưng”; xướng: “Bình thân”; xướng “phân ban” (nhạc ngừng). Hoàng thân, Vương công cùng phẩm quan văn võ đều lui, lần lượt đứng theo ban hàng, một viên Đường quan bộ thần ra khỏi hàng (nhã nhạc nổi lên), quỳ xuống (nhã nhạc dừng) tấu chúc mừng lễ hoàn thành. Tấu xong khấu lạy, đứng dậy, đi ra quay lại hàng ban đầu đứng (đại nhạc nổi lên), hầu Hoàng thượng tiến Nội (đại nhạc dừng). Hoàng thân, Vương công trở xuống đều lui ra[4].

Điện Cần Chánh được xây dựng vào năm Gia Long thứ 3 (1804) và được tu bổ vào các năm Gia Long thứ 10 (1811), Minh Mệnh thứ 16 (1835), Tự Đức thứ 32 (1879), Đồng Khánh thứ 2 (1887), Thành Thái thứ 18 (1905), Duy Tân thứ 3 (1909), Duy Tân thứ 9 (1915), Khải Định thứ 2 (1917), Bảo Đại thứ 18 (1943) [5]. Trong quá trình ngôi điện được hạ giải và trùng tu, vua tạm thời đặt Ngự triều ở điện Khâm Văn. Đại Nam thực lục chính biên ghi chép: “Đinh Hợi, năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), tháng 2, tạm đặt ngự triều ở điện Khâm Văn (vì điện Cần Chánh dỡ xuống lợp lại, nhân viên binh lính ra vào huyên náo, nên chuẩn cho tạm dời ra đó, để được yên tĩnh, đợi công việc xong, lại theo như cũ)[6]. Một ví dụ được khai thác từ nguồn Châu bản triều Nguyễn là bản tấu hai bộ Lễ, Lại ngày 22 tháng Năm năm Đồng Khánh thứ 2 (1887): “Nay xin ngày 15 tháng này thiết thường triều tại điện Khâm Văn. Hoàng thượng ngự triều, văn võ bá quan theo ban xếp trước sân điện thị hầu. Quan Kinh lược đai thần bái mệnh nhận phù tiết chuẩn bị cho kịp đi. Về các quan mới được thăng chuyển xin cùng làm lễ bái mệnh luôn[7].

Sách Đại Nam thực lục chính biên chép: “Tháng 3 nhuận, sắc rằng từ nay gặp tháng nhuận thì những kỳ đại triều thường triều đều miễn. Ghi làm lệ mãi mãi”

Kí ức ghi chép Lễ Thường triều dưới triều Nguyễn - cuộc gặp mặt theo định kỳ giữa vua và bá quan văn võ đã lùi vào quá khứ, nhưng nét đẹp truyền thống này còn mãi lưu truyền trong các nguồn tư liệu chính sử và Châu bản triều Nguyễn.

 


[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, HN 2007, tr.709.

[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 4, Nxb. Giáo dục, HN 2007, tr.940.

[3] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.

[4] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.

[5] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.

[6] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 9, Nxb. Giáo dục, HN 2007, tr.317.

[7] TTLTQG 1, Châu bản triều Nguyễn.

Thu Thủy - Phòng Phát huy Giá trị Tài liệu