08:01 AM 10/02/2020  | 

Kỳ I: Lập nước, đặt quốc hiệu, xưng Hoàng đế Gia Long, vị Hoàng đế đầu tiên sáng lập nên triều Nguyễn, trị vì từ năm 1802 đến năm 1820, ông là người thống nhất giang sơn về một mối sau gần 300 năm chia cắt bởi cuộc chiến phân tranh Trịnh-Nguyễn. Nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của Hoàng đế Gia Long, cùng nhìn lại sự nghiệp của ông và công cuộc khai sáng vương nghiệp nhà Nguyễn qua Châu bản và một số tư liệu lịch sử.

Gia Long tên thật là Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh), còn có húy là Chủng () hay Noãn (), là con trai thứ ba của hoàng tử Nguyễn Phúc Luân với bà Nguyễn Thị Hoàn, và là cháu nội của Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ông sinh ngày 15 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (ngày 8 tháng 2 năm 1762), mất ngày 19 tháng 12 năm Kỷ Mão (ngày 3 tháng 2 năm 1820), truyền ngôi cho Hoàng Thái tử Nguyễn Phúc Đảm tức vua Minh Mệnh (Minh Mạng).

Có thể nói cuộc đời Nguyễn Ánh (Gia Long) là sự nghiệp của một võ tướng trên lưng ngựa. Năm 1777 khi mới 15 tuổi ông đã phải bôn tẩu gian nan, cùng với gia tộc chúa Nguyễn bắt đầu cuộc chiến 25 năm với Tây Sơn để khôi phục ngôi vị. Cho đến nay có khá nhiều quan điểm trái ngược về Nguyễn Ánh, nhiều người cho rằng ông bắt tay với Xiêm La, Pháp và nhà Thanh để chống lại Tây Sơn. Việc cầu viện ngoại bang nhằm khôi phục vương quyền đã khiến Nguyễn Ánh bị chỉ trích rất nhiều. Tuy nhiên khách quan mà nói, ông là người có đóng góp không nhỏ trong việc thống nhất giang sơn, kết thúc cuộc nội chiến liên miên nhiều thế kỷ ở Việt Nam.

Năm 1792, vua Quang Trung mất, nội bộ nhà Tây Sơn suy yếu, lợi dụng cơ hội đó Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn. Năm 1802 ông chính thức lên ngôi vua, lấy niên hiệu Gia Long, mở ra một triều đại quân chủ mới - Triều Nguyễn[1].

Chân dung vua Gia Long. Nguồn: Sưu tầm

Ngày mồng 1 tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802) ông cho lập đàn ở đồng An Ninh, hiệp tế trời đất, kính cáo việc đặt niên hiệu. Hôm sau kính cáo vong linh liệt thánh, lễ xong vua ngự ở điện, nhận lễ chầu mừng. Đặt niên hiệu là Gia Long, đại xá cho cả nước, ban chiếu cùng 6 điều thi ân.

Năm 1804, sau khi lên ngôi sắp đặt chính trị ổn định, vua Gia Long sai Lê Quang Định cùng các sứ thần sang nước Thanh cầu phong và đề nghị công nhận quốc hiệu Nam Việt với ý nghĩa “Các đời trước mở mang cõi viêm bang, mỗi ngày một rộng lớn, bao gồm cả các nước Việt Thường, Chân Lạp, dựng quốc hiệu là Nam Việt, truyền nối hơn 200 năm. Nay đã vỗ yên được toàn cõi Việt, nên cho khôi phục hiệu cũ để chính danh tốt”. Nhưng vua nước Thanh cho rằng chữ Nam Việt dễ bị nhầm lẫn bao gồm cả Đông Tây Việt[2] nên không muốn cho. Vua Gia Long hai ba lần phục thư biện giải, lại nói nếu không cho thì không thụ phong. Vua nhà Thanh ngại mất lòng, mới cho dùng chữ Việt Nam để đặt tên nước[3].

Ngay sau khi được nhà Thanh công nhận quốc hiệu, ngày Đinh Sửu, tháng 2 năm Giáp Tý (1804) vua Gia Long cho làm lễ kính cáo Thái miếu. Xuống chiếu bố cáo khắp trong ngoài rằng “Đế vương dựng nước, trước phải trọng quốc hiệu để tỏ rõ nhất thống. Xét từ các đấng tiên thánh vương ta xây nền dấy nghiệp, mở đất Viêm bang, gồm cả đất đai từ Việt Thường về Nam, nhân đó lấy chữ Việt mà đặt tên nước. Hơn 200 năm, nối hòa thêm sáng, vững nền thần thánh dõi truyền, giữ được vận trong ngoài yên lặng. Chợt đến giữa chừng, vận nước khó khăn, ta đem tấm thân nhỏ bé lo dẹp giặc loạn, nên nay nhờ được phúc lớn, nối được nghiệp xưa, bờ cõi Giao Nam, đều vào bản tịch. Sau nghĩ tới mưu văn công võ tướng, ở ngôi chính, chịu mệnh mới, nên lấy ngày 17 tháng 2 năm nay, kính cáo Thái miếu, cải chính quốc hiệu là Việt Nam, để dựng nền lớn, truyền lâu xa. Phàm công việc nước ta việc gì quan hệ đến quốc hiệu và thư từ báo cáo với nước ngoài, đều lấy Việt Nam làm tên nước, không được quen xưng hiệu cũ là An Nam nữa”. Sau đó hạ chiếu thông cáo đến các nước Xiêm La, Lữ Tống và các thuộc quốc Chân Lạp, Vạn Tượng đều biết[4].

Đặt quốc hiệu Việt Nam năm Gia Long thứ 3 (1804). Nguồn: Đại Nam thực lục, Đệ nhất kỷ, quyển XXIII

Mặc dù đã chính thức xưng vương, đặt niên hiệu vào năm 1802, nhưng với tư tưởng của người có chí lớn, muốn thể hiện quyền uy thiên tử, theo đề nghị của quần thần, năm 1806 vua Gia Long lên ngôi Hoàng đế tại điện Thái Hòa. Trong bản Chiếu ban bố việc lên ngôi Hoàng đế có lời rằng: Trẫm nghĩ: Đức của người làm vua giống như mặt trời, vương giả lấy đó mà soi sáng; đạo thống như trời, thánh nhân nhờ đấy mà noi theo phép tắc. Lớn lao thay nhà nước ta, bao trùm cả cõi Nam! Các thánh đời trước, dựng nghiệp dốc lòng, gắng sức xây nền, hai trăm năm lẻ, thánh hiền tiếp nối, công đức rạng danh… Trẫm nhờ uy linh tông miếu xã tắc và sức mạnh của quần thần, phá được quân thù, khôi phục nghiệp cũ, mở mang bờ cõi, lập nên công lớn, thực là chức phận của Trẫm, đâu dám ở ngôi cao. Nhưng các thân công đại thần nhiều lần tâu rằng trách nhiệm yên dân trời đã giao cho Trẫm mà lịch số vô cùng cũng duy có Trẫm nối dõi, cố xin Trẫm lên ngôi Hoàng đế để tỏ rõ đại thống. Vì vậy, Trẫm định ngày mồng 7 tháng này kính cáo Trời Đất, ngày 9 kính cáo Tôn Miếu, ngày 12 tiếp nhận sách văn, tôn xưng Hoàng đế[5].

Sau khi lập quốc, Gia Long cho lập danh sách truy tôn, tặng thưởng các công thần theo phò vua khai quốc. Vua ban Dụ rằng: Đấng vương giả dựng nghiệp truyền mối, trước phải tôn thờ người có đức, báo đáp người có công. Nhà nước ta trăm trận vất vả mới khôi phục được non sông, đành là mệnh trời yêu mến, nhưng cũng thực là nhờ sức của các tướng sĩ cùng ta chống kẻ thù chung. Phàm người có chiến công, còn sống thì đã được vinh gia tước trật, duy những người vì nước bỏ mình, trong lúc can qua bận rộn, chưa kịp truy phong, mà sổ ghi công trạng vẫn còn, thì đều cho các quan chưởng lãnh và chánh phó trưởng chi [của các viên đã mất] tới trước điện hầu nghe bàn công truy tặng, để cho yên ủi hồn thơm đã khuất[6]. Lại ra lệnh thu dùng con cái, không có con thì dùng cháu, không có cháu thì dùng em, tùy theo công lao nặng nhẹ, hoặc trao cho quan chức, hoặc cho miễn binh dao trọn đời. Sau đó sai trấn Phiên An chọn đất xây đền, đặt tên là đền Hiển Trung, thờ những công thần, lại sắc cho Bộ Lễ bàn định điển lễ thờ tự, hằng năm xuân thu làm lễ tế. Đặt phu coi đền 25 người.

Ngoài ra ông còn cho sửa sang phả điệp tông thất, kê khai con cháu trong phả hệ. Bản Chiếu ngày 15 tháng 12 năm Gia Long thứ nhất (1802) chiếu cho những người thuộc dòng Nguyễn Phước tộc biết: Từ khi Đức Tiên Thái Vương[7] dựng nước, Nam giao thánh thần truyền nối trải được tám, chín đời, các chi phái sinh sôi phồn thịnh. Khi nước nhà mới khởi nghiệp mở mang, tông tính nhiều phen bôn ba. Nay nhờ liệt thánh rủ lòng che chở, bình kẻ tiếm loạn, duy việc các thế hệ thân thích trong dòng họ đến nay vẫn chưa được rõ ràng. Vì vậy nay ban đặc chiếu căn cứ từ Đức Tiên Thái Vương cùng Liệt Tiên Thánh Vương cho đến nay chiếu theo phả điệp của hoàng tộc phụng truyền cho công tính các chi phái đều kê khai rõ ràng các đời, phả hệ phỏng từ Đức Tiên Thái Vương sinh hạ được công tử là hiền ngôi, ai là dòng đích, ai là dòng thứ, nối sinh con cháu các thế hệ được bao nhiêu, nhận ân điển của liệt triều cũng vậy. Hễ công tính các chi phái hiện còn bao nhiêu, ai đã được dự vào hàng quan chức, ai chưa được đều phải kê khai đầy đủ theo các thế hệ trước, nghiên cứu rõ ràng đích thực, sửa sang phả điệp trình lên để xem xét[8].

Sắp xếp ổn định xong việc định đô, đặt niên hiệu, quốc hiệu, tôn xưng đế hiệu, báo đáp công thần, sửa sang tông phả; Hoàng đế Gia Long bắt tay vào công cuộc xây dựng thiết chế bộ máy chính quyền, chế định triều nghi, luật pháp, binh ngạch, khoa cử…  Công cuộc khai quốc của ngài còn rất nhiều việc phải làm.

Đón xem Kỳ II: Công cuộc kiến thiết triều Nguyễn


[1] Trên thực tế mùa xuân tháng Giêng năm Canh Tý (1780) Nguyễn Ánh đã xưng vương tại Gia Định để chính danh khi tiễu phạt Tây Sơn. Tuy nhiên vẫn dùng niên hiệu Cảnh Hưng nhà Lê và ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo từ thời Hiển tông Hiếu minh hoàng đế làm bảo tỷ truyền quốc. Vì vậy năm 1802 mới là năm chính thức bắt đầu triều đại Gia Long và cũng là năm bắt đầu của triều Nguyễn.

[2] Tức vùng Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Hoa.

[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện Sử học, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002, trang 580.

[4] Đại Nam thực lục, đã dẫn, trang 588.

[5] Đại Nam thực lục, đã dẫn, trang 665.

[6] Đại Nam thực lục (Tiền biên), đã dẫn, trang 277.

[7] Tức Chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

[8] Châu bản triều Nguyễn, Gia Long tập 1, tờ 2-3.

Nguyễn Thu Hoài