Một phần tài liệu Địa bạ xã Thận Vi, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, xứ Sơn Nam thượng, lập năm Gia Long 4 (1805), sao năm Minh Mệnh 11 (1830), TTLTQG I, Địa bạ triều Nguyễn – 5266.
Địa bạ là quyển sổ ghi chép tổng số điền thổ của từng xã, thôn, phường, sở, trại, ấp, động, giáp, áng. Kê khai số ruộng vụ hè, vụ thu, thực canh, hoang phế, đền chùa và đất ao vườn, bãi tha ma đường sá, khe ngòi của địa phương và được các địa phương kê khai lập thành sổ, nộp cho nhà nước.
Địa bạ triều Nguyễn (1802-1945) là khối tài liệu có giá trị và chiếm số lượng lớn nhất trong toàn bộ khối tài liệu Hán – Nôm hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, với số lượng 17.058 đơn vị, tổng số 293.639 tờ. Có thể khẳng định, khối tài liệu này là sưu tập tài liệu gốc lớn và đầy đủ nhất về địa bạ cổ Việt Nam, bởi sau khi thống nhất hoàn toàn lãnh thổ, lần đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam, Vua Gia Long cho lập sổ thống kê ruộng đất trên toàn quốc.
Bảng thống kê Tài liệu Địa bạ hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Số TT |
Tên tỉnh |
Kí hiệu tra tìm ( từ số …. đến số…) |
1. |
Cao Bằng |
1 – 397 |
2. |
Hà Nội |
398 – 402 |
3. |
Hải Dương |
403 – 1.821 |
4. |
Hưng Hoá |
1.822 – 2.065 |
5. |
Kinh Bắc |
2.066 – 3.282 |
6. |
Kiến An |
3.283 |
7. |
Lạng Sơn |
3.284 – 3.663 |
8. |
Ninh Bình |
3.664 – 3.977 |
9. |
Quảng Yên |
3.978 – 4.161 |
10. |
Sơn Nam thượng |
4.162 – 5.544 |
11. |
Sơn Nam hạ |
5.545 – 6.810 |
12. |
Sơn Tây |
6.811 – 7.931 |
13. |
Tuyên Quang |
7.932 – 8.192 |
14. |
Thái Bình |
8.193 – 8.194 |
15. |
Thái Nguyên |
8.195 – 8.698 |
16. |
Bình Định |
8.699 – 9.920 |
17. |
Bình Thuận |
9.921 – 10.223 |
18. |
Hà Tĩnh |
10.224 – 10.492 |
19. |
Khánh Hoà |
10.492 (A) – 10.767 |
20. |
Kon – Tum |
10.768 |
21. |
Nghệ An |
10.769 – 11.178 |
22. |
Phú Yên |
11.179 – 11.346 |
23. |
Quảng Bình |
11.347 – 11.683 |
24. |
Quảng Nam |
11.684 – 12.631 |
25. |
Quảng Ngãi |
12.632 – 12.863 |
26. |
Quảng Trị |
12.864 – 13.229 |
27. |
Thanh Hóa |
13.230 – 14.849 |
28. |
Thừa Thiên |
14.850 – 15.208 |
29. |
An Giang |
15.209 – 15.354 |
30. |
Biên Hoà |
15.355 – 15.719 |
31. |
Định Tường |
15.720 – 15.943 |
32. |
Gia Định |
15.944 – 16.490 |
33. |
Hà Tiên |
16.491 – 16.569 |
34. |
Vĩnh Long |
16.570 – 16.931 |
35. |
Nam Định |
16.932 – 17.042 |
Tài liệu địa bạ đã khẳng định những giá trị to lớn của mình trong việc nghiên cứu lịch sử. Điều đó được thể hiện rõ trong các bộ chính sử của nhà Nguyễn như: Đại Nam thực lục, Đại Nam hội điển sự lệ,… đã sử dụng khá nhiều thông tin của tài liệu địa bạ. Trong thực tế hiện nay, tài liệu địa bạ đã được sử dụng làm tư liệu cho công trình nghiên cứu khoa học, luận văn tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân,… không thể không kể đến những công trình “Hệ thống tư liệu Địa bạ Việt Nam” do Giáo sư Phan Huy Lê chủ biên đã xuất bản từ năm 1995, gồm 3 tập là Địa bạ Hà Đông, Địa bạ Thái Bình và Địa bạ cổ Hà Nội đều khai thác từ tài liệu Địa bạ gốc bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. “Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn – Bình Định” của Nguyễn Đình Đầu, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1996. Tiến sĩ Phan Phương Thảo – Giảng viên Khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nghiên cứu và giới thiệu cuốn “Chính sách quân điền năm 1839 ở Bình Định qua tư liệu Địa bạ” cũng khai thác từ nguồn tài liệu này.
Các thông tin trong tài liệu địa bạ thường xuyên được khai thác và sử dụng để phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, để có kế hoạch hoặc đề án quy hoạch phù hợp và khả thi, các nhà quản lý không thể không khai thác các thông tin có trong tài liệu địa bạ như: Số liệu thống kê về tình hình đất đai, tình hình khai hoang mở rộng sản xuất nông nghiệp, chế độ sử dụng ruộng đất, chế độ sở hữu ruộng đất giữa các giai tầng xã hội và các dòng họ, chế độ trưng thu thuế khoá ruộng đất,… từ những giá trị trên giúp các nhà quản lý khai thác và sử dụng những thông tin quá khứ để có những quyết định hợp lý.
Theo thống kê của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, hiện nay tần số khai thác sử dụng tài liệu địa bạ ngày càng nhiều, ngoài đối tượng khai thác tài liệu địa bạ là các nhà nghiên cứu, các nhà sử học, sinh viên khoa Lịch sử và khoa Văn học ngành Hán – Nôm, thì một số đối tượng khác cũng rất quan tâm đến tài liệu địa bạ. Đó là một số cá nhân muốn tìm hiểu các thông tin về đất đai và dòng họ phản ánh trong khối tài liệu này. Như vậy, tài liệu địa bạ đã đáp ứng được nhu cầu chính đáng của nhân dân.
Bài viết này, mới chỉ là giới thiệu tổng quát về tài liệu địa bạ triều Nguyễn hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Tôi hy vọng, đây sẽ là nguồn tư liệu quý giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về tình hình ruộng đất của Việt Nam thời phong kiến.
Đoàn Thị Thu Thuỷ Phòng Công bố và Giới thiệu tài liệu