Buổi đầu, việc đi lại từ Sài Gòn sang Paris, Marseille,… và ngược lại mất quá nhiều thời gian di chuyển bằng đường biển, vì vậy chính quyền thuộc địa dần biến Đà Lạt thành khu nghỉ dưỡng trên cao dành cho quân nhân, tức chuyển đổi hình thức di chuyển theo chiều ngang đằng đẵng gần 2 tháng trời sang di chuyển tại chỗ theo chiều cao một cách nhanh chóng. Các khu nghỉ dưỡng trên cao khác cũng được chính quyền thuộc địa khai thác và đưa vào sử dụng để phục vụ du khách nhiều thành phần.
Ga Mỹ Tho. Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp
Việc đi lại khó khăn ở Đông Dương từng là vấn đề khiến chính quyền thuộc địa băn khoăn, vì vậy các mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt của Đông Dương theo thời gian dần được cải thiện, xe ô-tô hay hệ thống giao thông công cộng dần thay thế cho những chiếc phà, đò; hoặc xóa bỏ khoảng cách bằng tốc độ di chuyển như việc khai trương tuyến du lịch hàng không đầu tiên ở Đông Dương thông qua việc thiết lập tuyến bay “thủy phi cơ” nối Sài Gòn với Angkor vào tháng 4/1929.
Đông Dương trong cuốn sách Du lịch Đông Dương xưa chủ yếu tập trung mô tả phần lược sử các địa điểm du lịch nổi tiếng ở ba kỳ (Nam Kỳ, Bắc Kỳ và Trung Kỳ) của vương quốc Đại Nam (nay là Việt Nam). Theo chân các tác giả, độc giả lần lượt đi du lịch đảo Bạch Long Vĩ, đến Đồ Sơn, Sầm Sơn, Vịnh Hạ Long, Cam Ranh, Nha Trang, Côn Đảo, Cap Saint-Jacques (nay là Vũng Tàu), Phú Quốc, Sa Pa, Tam Đảo, Ba Vì, Bạch Mã, Bà Nà, Đà Lạt, Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, Thành nhà Hồ, Kinh đô Huế, Hải Vân Quan, Sài Gòn. Ngoài ra còn có Angkor và Phnom Penh (Campuchia), Vientiane và Luang Prabang (Lào). Bên cạnh nội dung lịch sử cô đọng (song ngữ Việt - Anh) là phần hình ảnh minh họa sinh động, bắt mắt.
Bìa sách Du lịch Đông Dương xưa, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và NXB Dân Trí, tháng 9/2024
Ở Đông Dương xưa từng tồn tại các hình thức du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa bằng các chuyến tham quan di tích - đền đài. Việt Nam trong quá khứ cũng từng thu hút ánh nhìn của du khách phương Tây như một xứ sở huyền ảo hay một tiếng vọng từ phương Đông. Từ những chuyến du lịch và trải nghiệm, họ đã cho ra đời nhiều ấn phẩm du ký độc đáo viết về Việt Nam xưa, ví dụ như Bắc Kỳ phong cảnh và ấn tượng (tác giả Hilda Arnhold), Ba năm ở An Nam (tác giả Gabrielle M. Vassal), Nam Kỳ ngao du (tác giả Léon Werth)… hoặc các bài viết/chương sách về Việt Nam của Pierre Barrelon, Brieux, Robert Chauvelot, Albert Morice… giàu tư liệu, đậm chất văn. Không hẹn mà gặp, các du khách cho rằng khi cập bến Sài Gòn, khách ngoại quốc cũng có một cảm giác tương tự như đặt chân lên nước Pháp vậy, Hà Nội thì rộng lớn và nghiêm trang…
Poster quảng bá du lịch Đông Dương - Các xứ Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ. Nguồn: Mạnh Hải Flickr
Du lịch Đông Dương xưa mang đến cho độc giả hiện đại một cuốn sách nhiều thông tin và hình ảnh, sự đọc đôi khi cũng biến thiên theo thời cuộc, theo độ ngắn của tiktok. Các bài viết vì thế cũng trở nên cô đọng hơn, viết như thế tưởng dễ mà khó.
Với kỳ vọng cùng độc giả “phượt khắp chốn quê hương”, hiện nay các địa điểm trên vẫn đang là điểm đến được yêu thích của du khách trong nước và quốc tế, các tác giả của cuốn sách Du lịch Đông Dương xưa đã thành công phần nào qua việc trình bày các ý tưởng viết sách của mình: mở một khe cửa về thời quá vãng, bảo tồn ký ức, và đặt ra những câu hỏi cho hiện tại lẫn tương lai./.
Nguyễn Quang Diệu