02:24 PM 01/11/2023  | 

Điện Cần Chánh là nơi làm việc của các vua nhà Nguyễn, tổ chức lễ thiết triều và yến tiệc trong những dịp khánh hỷ, tiếp đón các sứ bộ quan trọng. Sau này, khi điện Kiến Trung xây xong vào năm 1921, các Vua Khải Định và Bảo Đại dùng nơi này làm chỗ ăn ở, làm việc và tiếp khách. Điện Cần Chánh được xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804), bị thiêu hủy vào năm 1947 trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1945-1954), hiện nay chỉ còn lại phế tích nền móng.

Quang cảnh trong điện Cần Chánh, chụp tại lễ tấn tôn của Hoàng đế Bảo Đại Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Điện Cần Chánh là một trong 3 ngôi điện quan trọng nhất của khu vực Hoàng thành được xây dựng vào đầu thời vua Gia Long, bố trí trên trục chính - Dũng đạo nằm giữa Điện Thái Hoà (Đại triều chính điện, nơi tổ chức các đại lễ của triều đình) và điện Càn Thành (Nhật triều chính điện, nơi ăn ở sinh hoạt riêng tư của Hoàng đế). Trước điện Cần Chánh là sân Bái đình, nơi hành lễ thường triều của văn võ bá quan khi chầu vua, dâng biểu. Điện cùng với nhà Tả vu, Hữu vu (phục vụ việc chuẩn bị nghi lễ và chiêu đãi khách) hợp thành bố cục kiến trúc hình chữ Môn.

Điện Cần Chánh là nơi nhà vua thiết thường triều, nơi làm việc thường xuyên giữa Hoàng đế và Nội các. Đây còn là nơi tổ chức các nghi lễ và hoạt động quan trọng: là điểm phát xuất của đoàn ngự đạo trong các đại lễ của triều đình trong Lễ Tế Nam giao, Lễ Đăng quang, Lễ mừng thọ của Hoàng đế, Lễ Phất thức (lễ lau chùi ấn tín của vương triều) vào hạ tuần tháng Chạp âm lịch hàng năm, Lễ tiếp đón các sứ bộ ngoại quốc quan trọng; các thân phiên, hoặc các quan chức ở trung ương và địa phương được thăng chức hay nhận lãnh một trách nhiệm nào đó, phải vào đây làm lễ bái mạng, lễ phục mạng và lễ bái tạ hay chiêm bái, bái mạng, bệ kiến, bệ từ cũng diễn ra tại đây. Vào giai đoạn cuối của triều Nguyễn, ngôi điện này còn được sử dụng với chức năng là phòng khánh tiết quốc gia, nơi tổ chức các buổi yến tiệc và ca múa trong những dịp khánh hỷ của hoàng gia và triều đình. Một minh chứng khai thác từ khối Châu bản triều Nguyễn là bản tấu của Nội các ngày 24 tháng Tám năm Tự Đức 31 (1878): “Hôm nay thần Bộ Lễ vâng trình bản sách và 1 sơ đồ sắp xếp thứ tự chỗ ngồi ở điện Cần Chánh cho các quan viên được về dự tiệc. Chúng thần vâng xét, thấy số người được hiện có triều bào được chiếu hàm dự yến là 122 viên cùng các khoản tâu trình đều là tuân theo lời phê và tham khảo liệu nghĩ thi hành[1].

Dưới thời Nguyễn, nơi đây lưu giữ trưng bày nhiều báu vật như các đồ sứ quý hiếm cũng như các hòm tượng bảo ấn bằng vàng và bằng ngọc của triều đình: Bản tấu của Nguyễn Tri Phương ngày 25 tháng Chạp năm Tự Đức thứ 19 (1866) về việc kiểm tra, lau chùi ấn báu: “Nay đó tới ngày lau chùi tỷ bửu. Chúng thần tuân theo tất cả đầy đủ quan phục đến điện Cần Chánh. Thái giám đem tới các hòm tỷ, bửu, kim sách, kim bài, ngọc bài. Chúng thần đem danh sách cùng sổ sách ra đối chiếu kiểm tra, tất cả đều phù hợp[2].

Trong gian giữa của điện không có ngai vàng, chỉ đặt một cái sập sơn son thếp vàng và trái dựa để là nơi vua ngồi làm việc. Tháng Năm năm Gia Long thứ 5 (1806) ấn định vào những ngày mồng 5, 10, 20, 25 đặt thường triều ở điện Cần Chánh, quan từ tứ phẩm trở lên mặc áo mũ thường triều vào lạy chầu [3]. Tuy nhiên, định kỳ thường triều có thể thay đổi theo từng thời đại. Từ thời Vua Tự Đức, các vua Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành TháiDuy Tân và Khải Định khi có việc trọng đại vua mới ngự ở điện Cần Chánh là nơi coi thường triều. Sách Đại Nam thực lục chính biên ghi chép: “Năm Ất Dậu, Hàm Nghi nguyên niên (1885), mùa thu, tháng 8, ngày Quý Tỵ, vua bắt đầu ngự điện Cần Chánh để nghe triều chính, rồi chuẩn cho thị triều cứ 5 ngày 1 lần (ngày mồng 1, 11, 21, phụng ngự ở điện Cần Chánh; ngày 5, 15, 25, phụng ngự tại điện Văn Minh, bắt đầu từ tháng 9)”[4].

Một dẫn chứng được khai thác từ nguồn Châu bản triều Nguyễn góp phần khẳng định thêm nhận định trên: Bản tấu của Bộ Lễ ngày mồng 10 tháng Mười một năm Thành Thái thứ 6 (1895) ghi chép: “Phụng xét, lễ tiết đông chí hàng năm theo lệ có thiết nghi lễ thường triều ở điện Cần Chánh. Hoàng thượng mặc cát phục ngự điện. Các Hoàng thân, Vương công quan văn ngũ phẩm võ tứ phẩm trở lên tham gia lễ. Lễ xong đều có ban yến 1 lần. Ngày 26 tháng này là tiết đông chí, đến ngày đó xin thiết nghi lễ thường triều tại điện đó[5].

Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỉ chép: “Điện Cần Chánh làm xong. Bầy tôi dâng biểu mừng. Vua ban yến theo thứ bực. Thưởng cho lính và thợ 6.000 quan tiền”

Cần Chánh là ngôi điện được xây dựng vào tháng Giêng năm Gia Long thứ 3 (1804) và hoàn thành vào tháng Giêng năm Gia Long thứ 4 (1805): “Điện Cần Chánh làm xong. Bầy tôi dâng biểu mừng. Vua ban yến theo thứ bực. Thưởng cho lính và thợ 6.000 quan tiền[6]. Những thông tin được khai thác từ khối tư liệu Châu bản triều Nguyễn về những năm tu bổ, sửa chữa điện Cần Chánh: Minh Mệnh thứ 16 (1835) thay đòn nóc và các rui mè bằng gỗ thiết mộc mới ở gian giữa và 1 gian bên phải điện do có nhiều chỗ bị mọt; năm Tự Đức thứ 32 (1879), tháo gỡ và lắp đặt các tấm cửa sổ kính gỗ để chống nóng; năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), năm Thành Thái thứ 18 (1905), tu bổ gường ngự bày ở tầng dưới đã bị mọt gãy và quét sơn, tu bổ lại hình rồng trên nóc do bị gãy đổ cùng các tòa bái đường trước sân điện, hành lang hai bên cho được nhã quan; năm Duy Tân thứ 3 (1909) sửa chữa ngói lợp, gỗ lạt bị hư hại, dột nát quá nhiều do đã lâu năm; năm Duy Tân thứ 9 (1915) sửa chữa xà đỡ trần và một số thanh rui đỡ bị rơi xuống; năm Khải Định thứ 2 (1917), sửa chữa cải tạo lại mái lợp; năm Bảo Đại thứ 18 (1943), sử dụng ngân sách Nam triều tu bổ điện là nơi tôn nghiêm do làm đã lâu năm có nhiều chỗ đã hư hỏng[7].

Bản tấu của Nguyễn Tăng Minh ngày 26 tháng Bảy năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) về việc sửa chữa lợp lại nóc điện Cần ChánhNguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Điện Cần Chánh là một trong rất ít công trình có niên đại sớm, tồn tại từ khi xây dựng 1804 đến hết thời nhà Nguyễn 1945 và bị thiêu hủy năm 1947, cấu trúc phần trên (gồm hệ khung gỗ và hệ mái) đã bị thiêu huỷ, chỉ còn sót lại phế tích là phần nền móng. Ngôi điện này đã trải qua 143 năm tồn tại, gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, đóng vai trò quan trọng trong nền chính trị quân chủ phong kiến thời Nguyễn, thể hiện quyền lực của vương triều và thiết chế chính trị Việt Nam thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20.

 


[1] TTLTQGI, Châu bản triều Nguyễn.

[2] TTLTQGI, Châu bản triều Nguyễn.

[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, HN 2007, tr.709.

[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 9, Nxb. Giáo dục, HN 2007, tr.185.

[5] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.

[6] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, HN 2007, tr.629, 667.

[7] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.

Thu Thủy - Phòng Phát huy Giá trị Tài liệu