06:48 PM 23/11/2024  | 

Kiên Giang là một tỉnh ven biển nằm tận cùng phía Tây Nam của Việt Nam, trong vùng đồng bằng sông Cửu Long có đường biên giới chung với vương quốc Cam- pu-chia, bao gồm cả phần đất liền và hải đảo. Phía Đông và Nam giáp Cần Thơ, An Giang. Phía Nam giáp Cà Mau và Bạc Liêu. Phía Tây giáp vịnh Thái Lan.

Kiên Giang là một tỉnh ven biển nằm tận cùng phía Tây Nam của Việt Nam, trong vùng đồng bằng sông Cửu Long có đường biên giới chung với vương quốc Cam- pu-chia, bao gồm cả phần đất liền và hải đảo. Phía Đông và Nam giáp Cần Thơ, An Giang. Phía Nam giáp Cà Mau và Bạc Liêu. Phía Tây giáp vịnh Thái Lan.

Dưới thời nhà Nguyễn, diện tích Kiên Giang ngày nay thuộc đất Hà Tiên xưa, một vùng đất được khai phá bởi cha con Mạc Cửu. Khi Mạc Cửu được chúa Nguyễn Phúc Chu ban làm Tổng binh trấn Hà Tiên, đất Hà Tiên khi đó bao gồm vùng đất rộng lớn với 7 xã thôn tương ứng với lãnh thổ của các tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang ngày nay. Ghi chép về huyện Kiên Giang, sách Đại Nam nhất thống chí chép rằng “huyện Kiên Giang nguyên là đất đất Rạch Giá, từ lúc Mạc Cửu mở mang, mới lệ vào Hà Tiên, đặt đạo Kiên Giang. Năm Gia Long thứ 7, đặt 2 huyện Kiên Giang và Long Xuyên do đạo quản trị. Năm thứ 9, đổi lệ vào Hà Tiên. Năm Minh Mạng thứ 6, bỏ đạo, đặt chức Tri huyện, lại đặt huyện Hà Tiên thuộc phủ An Biên. Năm thứ 13, chia tỉnh hạt gọi là tỉnh Hà Tiên, đổi phủ An Biên làm phủ Quan Biên, đổi huyện Hà Tiên làm huyện Hà Châu...”[1]

Năm 1735, Mạc Cửu qua đời, Mạc Thiên Tích thay cha nối nghiệp cơ đồ, mở mang bờ cõi. Năm 1739, Mạc Thiên Tích lập thêm 4 huyện là: Long Xuyên, Kiên Giang, Trấn Giang, Trấn Di.

Năm 1757, được vua Cao Miên cắt 5 phủ phía Tây Nam nước Chân Lạp để trả ơn, Mạc Thiên Tích đã dâng đất lên chúa Nguyễn và được chúa Nguyễn ưng thuận, nhập 5 phủ này vào đất Mang Khảm, đồng thời lập ra đạo Kiên Giang (lỵ sở là Rạch Giá) và Long Xuyên (lỵ sở là Cà Mau) thuộc trấn Hà Tiên.

Sau khi chúa Nguyễn Ánh lấy lại được đất Hà Tiên từ tay người Xiêm La, năm 1788, chúa Nguyễn đem 2 đạo Kiên Giang và Long Xuyên nhập vào dinh Vĩnh Trấn.

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long. Cùng với việc thiết lập hệ thống hành chính thống nhất đất nước, nhà vua bắt tay vào chỉnh đốn vùng đất Hà Tiên. Hai đạo Kiên Giang và Long Xuyên được cải tổ lại, thuộc về trấn Vĩnh Thanh. Năm 1808, đạo Kiên Giang đổi thành huyện Kiên Giang thuộc trấn Vĩnh Long. Năm 1810, huyện Kiên Giang thuộc phủ An Biên, trấn Hà Tiên.

Năm 1832, vua Minh Mạng bãi bỏ các dinh trấn và thành Gia Định, lập Nam Kỳ lục tỉnh (là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, An Giang, Vĩnh Long và Hà Tiên), huyện Kiên Giang thuộc phủ An Biên, tỉnh Hà Tiên. Đến năm Minh Mạng thứ 16 (1835), do tình hình mở mang nông nghiệp thuận lợi, dân tứ xứ tụ hội về đông đúc, triều Nguyễn lập thêm tổng Giang Ninh, huyện Kiên Giang.

   

(Năm Tự Đức thứ 4 (1851), vua Tự Đức ngự phê trên bản Tấu của bộ Lại về việc sắp xếp lại các phủ huyện thuộc tỉnh Hà Tiên. Theo đó, phủ An Biên kiêm lý huyện Hà Châu, số đinh các loại hơn 400 người, ruộng đất hơn 300 mẫu. Huyện Kiên Giang, số đinh các loại hơn 800 người, ruộng đất hơn 900 mẫu. Huyện Long Xuyên, số đinh các loại hơn 1100 người, ruộng đất hơn 1300 mẫu)[2]

 

Cho đến cuối giai đoạn triều Nguyễn độc lập, Kiên Giang là 1 trong 3 huyện cùng với huyện Hà Châu và Long Xuyên, thuộc phủ An Biên, tỉnh Hà Tiên. Khi đó, huyện Kiên Giang bao gồm 4 tổng là Giang Ninh, Kiên Định, Kiên Hảo và Thanh Giang.

Kể từ khi Pháp xâm lược, tổ chức hành chính tại Nam kỳ cũng thay đổi theo các quyết định của chính quyền thuộc địa. Tỉnh Hà Tiên cũ được tách thành hai đơn vị hành chính cấp tỉnh là Hà Tiên và Rạch Giá

 

[1] Đại Nam nhất thống chí quyển 26

[2] Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 35 tờ 248, TTLTQGI

Hải Yến