Năm 1870, theo niêm giám hành chính Nam Kỳ, hạt thanh tra Hà Tiên, nguyên là huyện Hà Châu, gồm 3 tổng (Hà Thanh, Thanh Gi, Bình Yên), 10 làng. Cư dân gồm có 4.689 người; hạt thanh tra Rạch Giá, nguyên là hai huyện Kiên Giang và Long Xuyên gồm 7 tổng (Kiên Định, Thanh Giang, Kiên Hào, Giang Ninh, Long Thuỷ, Quảng Xuyên, Quảng Long) và 110 làng. Cư dân có 16.450 người
Hà Tiên và Rạch Giá được đổi gọi là tỉnh theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1900. Năm 1913, tỉnh Hà Tiên nhập vào tỉnh Châu Đốc và trở lại thành tỉnh độc lập năm 1924.
(ảnh 1) Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương về việc đổi gọi các đơn vị hành chính ở Nam Kỳ thành tỉnh. Nguồn TTLTQGI
Từ hạt thanh tra đến tỉnh Hà Tiên
Hà Tiên, với tư cách một đơn vị hành chính sau khi chia tách với Rạch Giá, là một tỉnh có diện tích nhỏ, dân số ít. Hà Tiên gồm các tổng trong đất liền và đảo Phú Quốc và một số đảo nhỏ khác. Từ năm 1888 đến 1892, Hà Tiên sáp nhập vào hạt tham biện Châu Đốc. Kể từ năm 1892 đến năm 1899, hạt tham biện Hà Tiên trở lại thành đơn vị độc lập. Từ năm 1900 đến hết thời kỳ thuộc địa, Hà Tiên là một tỉnh độc lập ở Nam Kỳ, dưới quyền quản lý của một viên tỉnh trưởng.
(Ảnh 2) Bản đồ tỉnh Hà Tiên năm 1909. Nguồn TTLTQGI
Tỉnh Hà Tiên gồm đảo Phú Quốc và một số đảo nhỏ cùng với phần đất liền giáp tỉnh Rạch Giá và tỉnh Châu Đốc, phía Tây giáp Cao Miên.
Theo Nghị định số 31 ngày 19 tháng 7 năm 1921 của Thống đốc Nam Kỳ, tỉnh Hà Tiên gồm 4 quận:
1. Châu Thành, trung tâm hành chính ở Mỹ Đức, gồm địa phận các làng Mỹ Đức, Kỳ Lô, Lộc Trĩ (tổng Hà Thanh), Thuận Yên và Dương Hoà (tổng Thanh Gi);
2. Quận Giang Thành, trung tâm đặt tại Tân Thanh, gồm địa phận các làng Tân Thanh, Tiên Khanh, Hoà Thanh, Phú Mỹ (tổng Hà Thanh) và Trà Tiên (tổng Thanh Gi);
3. Quận Hòn Chông, trung tâm đặt tại Bình Trị, gồm địa phận các làng Bình Trị và An Bình (tổng Bình An);
4. Quận Phú Quốc, trung tâm đặt tại Dương Đông, gồm địa phận các làng Dương Đông, Hàm Ninh, Phú Du (tổng Phú Quốc).
Ảnh 3 Nghị định số 31 ngày 19 tháng 7 năm 1921 của Thống đốc Nam Kỳ về việc tổ chức hành chính của tỉnh Hà Tiên. Nguồn TTLTQGI
Từ hạt thanh tra đến tỉnh Rạch Giá
Dưới thời Pháp thuộc, Rạch Giá là một trong các tỉnh rộng lớn, có diện tích đứng thứ 3 ở Nam Kỳ, giáp các tỉnh Châu Đốc, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và tỉnh Hà Tiên.
(Ảnh 4) Bản đồ tỉnh Rạch Giá năm 1909. Nguồn TTLTQGI
Sau khi Pháp chiếm được thành Hà Tiên, hạt thanh tra Rạch Giá gồm huyện Kiên Giang được thành lập theo Nghị định ngày 01 tháng 8 năm 1867 của Thống đốc Nam Kỳ. Tổng Long Thuỷ được tách khỏi Kiên Giang, cùng với 2 tổng của Sóc Trăng để lập hạt tham biện Bạc Liêu theo Nghị định ngày 18 tháng 12 năm 1881. Đến ngày 27 tháng 12 năm 1892, hạt tham biện Rạch Giá được tái lập. Từ năm 1900, Rạch Giá được đổi gọi là tỉnh, đứng đầu là một viên tỉnh trưởng.
Cho đến cuối năm 1940, theo Niên giám Đông Dương, tỉnh Rạch Giá gồm 6 quận: Châu Thành (tỉnh lỵ); Gò Quao; Giồng Riềng; An Biên; Long Mỹ; Phước Long, 354.640 dân. Tổ chức hành chính này cơ bản duy trì đến cuối thời Kỳ Pháp thuộc.
Trong gần 1 thế kỷ dưới thời Pháp thuộc, tỉnh Hà Tiên và tỉnh Rách Giá có các điểu chỉnh về địa giới các đơn vị hành chính và địa giới hành chính các cấp. Tuy nhiên, đây vẫn luôn là 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh độc lập cho đến giữa thế kỷ 20.
Đỗ Hoàng Anh
Đỗ Hoàng Anh