Những ngày đầu thành lập
Công ty Bông Bắc Kỳ là công ty vô danh được thành lập vào năm 1900, với số vốn là một triệu phơ-răng, trụ sở ban đầu đặt tại Nam Định nên còn được gọi là Công ty Bông Nam Định. Đây quả là một việc làm hết sức táo bạo bởi vào thời điểm đó, xứ sở này thiếu thốn đủ thứ như: máy móc, nhân sự chuyên môn, bông… để cho phép Công ty vận hành!
Nhìn bề ngoài thì có vẻ đúng vậy nhưng thực ra điều này không quan trọng lắm, trên thực tế, một nhà máy sợi về bản chất chính là một nhà máy chế biến và chúng ta không thể không nhắc đến các công ty chế biến nằm rất xa các trung tâm sản xuất. Các nhà máy sợi chiếm vị trí hàng đầu trong số những ngành kỹ nghệ đặc biệt. Anh là quốc gia sở hữu số lượng lớn nhà máy sợi, và không có cây bông nào được trồng ở đây. Đồ len cũng được nhập khẩu vào quốc gia này với số lượng lớn. Như vậy, Công ty Bông Bắc Kỳ ở trong hoàn cảnh như hầu hết các công ty khác khi đặt trụ sở tại một xứ phải nhập khẩu nguyên liệu. Trái lại, Công ty được hưởng một số điều kiện thuận lợi khác: nhân công dồi dào, giá rẻ, nguồn cung cấp than thuận lợi, cuối cùng là tiềm năng to lớn liên quan đến sức tiêu thụ hàng hóa tại địa phương.
Những dấu mốc vàng son
Kết quả đã chứng minh cho những tính toán chính xác của người sáng lập: ông Anthyme Dupré, người qua đời vào năm ngoái [năm 1940 - ND]. Ông vừa là quan cai trị - người đại diện vừa là người điều hành doanh nghiệp trong suốt 40 năm. Kế nhiệm ông là ông Pierre Benoist.
Như đã nêu ở trên, ban đầu doanh nghiệp này có số vốn là 1 triệu phơ-răng; năm 1910: 2 triệu phơ-răng; năm 1911: 3 triệu phơ-răng; năm 1920: 5 triệu phơ-răng và hiện giờ [năm 1940] là 80 triệu phơ-răng - một sự gia tăng đáng kể.
Năm 1911: Công ty mua lại Nhà máy sợi Hải Phòng của Công ty Bông Đông Dương.
Năm 1913: Công ty mua lại Nhà máy sợi Hà Nội của Công ty Meiffre - Cousins; lập thêm một nhà máy Tẩy - Nhuộm ở Nam Định.
Năm 1918: Công ty lập một xưởng dệt chăn sợi ở Nam Định.
Năm 1922-1923: Lập thêm một nhà máy dệt sợi ở Nam Định.
Năm 1927: Lập xưởng cán bông ở Nam Định.
Năm 1931-1932: Lập nhà máy điện ở Nam Định để phục vụ riêng cho ngành.
Năm 1937: Lập thêm một nhà máy sợi ở Nam Định, với 51.000 cọc sợi.
Đầu những năm 1940, Công ty Bông Bắc Kỳ đã sở hữu một nhà máy sợi bông ở Hải Phòng. Còn ở Nam Định, có 03 nhà máy sợi bông, 03 nhà máy dệt (1.400 máy), 01 xưởng sản xuất bông băng, 01 nhà máy Tẩy - Nhuộm - Hồ sợi và vải, 01 xưởng dệt chăn sợi, 01 xưởng cán bông. Các nhà máy ở Nam Định chiếm tổng diện tích là 79.255 mét vuông. Máy móc, thiết bị phần lớn là của Pháp, Anh, Đức. Nguyên liệu chính gồm có: bông của Nam Trung Kỳ, Bắc Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Campuchia. Ngoài ra, các nhà máy này còn nhập bông của Mỹ, Ấn Độ, Ai Cập, đôi khi nhập của Tây Phi.
Một phân xưởng tại Công ty Bông Bắc Kỳ ở Nam Định, nguồn: Manhhai flickr
Trong lĩnh vực kéo sợi, dụng cụ cũng như thiết bị dệt, tẩy và nhuộm phần lớn do Pháp sản xuất. Ngoại trừ đội ngũ quản lý và kỹ thuật viên là người Pháp, đội ngũ nhân viên còn lại chủ yếu là người An Nam - những người được trả lương rất cao. Các sản phẩm của Công ty phần lớn đến tay người dân bản xứ - khách hàng chính, và cung cấp cho ngành thủ công Đông Dương.
Ngoài sản xuất sợi và vải, Công ty còn có hai sản phẩm rất quan trọng đó là bông băng và chăn.
Các phân xưởng tại Công ty Bông Bắc Kỳ, nguồn: TTLTQGI
Có thể nói các nhà xưởng của Công ty khá hiện đại, nơi tiến hành các công đoạn sản xuất và sửa chữa đa dạng nhất.
Cho đến đầu thập niên 40 [của thế kỷ 20], Công ty Bông Bắc Kỳ vẫn được coi là một trong những cơ sở công nghiệp của Pháp lớn nhất, hiện đại nhất vùng Viễn Đông.
Tài liệu tham khảo:
- Tuần san Indochine năm 1941, số 42.
- S.988 - Hội chợ - Triển lãm, tháng 12 năm 1941. Thành phố - tỉnh Nam Định.
- Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858-1918 của tác giả Dương Kinh Quốc, tr. 269-270.
Hoàng Hằng