Sông Ngự Hà vốn là dòng sông Kim Long cũ được uốn nắn, điều chỉnh lại dòng chảy. Ngự Hà đã được hình thành vào hai thời điểm khác nhau và ghi dấu ấn của hai vị vua nổi tiếng đầu triều Nguyễn: phần phía đông vào thời Gia Long (1802-1819) và phần phía tây vào thời Minh Mệnh (1820-1840). Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết: “Sông Ngự Hà đầu năm Gia Long đào từ sông Tả Hộ thành đến Võ Khố thì dừng, gọi là Thanh Câu. Năm Minh Mệnh thứ sáu (1825), lại đào từ Võ Khố thông đến sông Hữu Hộ thành rồi đặt cho tên hiện nay (Ngự Hà)”1
Theo nội dung văn bia Ngự chế Ngự Hà bi kí御製御河碑記dựng tại đầu cầu Ngự Hà (còn gọi là cầu Kho, cuối đường Đinh Tiên Hoàng hiện nay), vua Minh Mệnh cho biết sông Ngự Hà “nguyên trước là một phân nhánh của sông Hương. Đức Hoàng khảo Cao hoàng đế ta khắc phục Kinh thành, tuỳ theo cái thế của nó mà làm hoàn thành. Nó chảy qua Vũ khố, uốn về bắc, sang đông, quay về nam, rồi lại hướng về đông ra khỏi Kinh thành, thông với sông Hộ Thành, tức là từ dãy phố cửa Đông Nam thành nội qua sông đến cửa Chính Bắc; thường bắc cầu gỗ để đi lại”.2
Hai phần phía đông và phía tây của Ngự Hà đã được hình thành cách nhau 20 năm (1805-1825). Chiều dài của Ngự Hà là 3.388m, tính từ điểm tiếp giáp với sông Đông Ba đến điểm tiếp giáp với sông Kẻ Vạn. Bề rộng giữa hai bờ kè ở các đoạn sông không đồng đều. Ở Đông Thành Thủy Quan (cống Lương Y), sông rộng đến 67m, nhưng càng về phía tây, dòng sông càng hẹp. Đến Tây Thành Thủy Quan, kích thước ấy chỉ còn lại khoảng 2/3. Ngày xưa mực nước ở Ngự Hà sâu trung bình 1,50m. Bấy giờ, hai bờ của con sông đã được kè bằng đá núi (sơn thạch), dày khoảng 1,50m để giữ cho đất khỏi sạt lở3.
Như vậy, nửa phía đông của sông Ngự Hà vốn là một nhánh của sông Kim Long cũ. Khi quy hoạch và xây dựng Kinh thành, vua Gia Long đã cho san lấp một số đoạn của con sông ấy để xây dựng thành lũy lên trên đó, đồng thời cho đào lấp và uốn nắn một số đoạn để tạo ra con sông có dạng gấp khúc như hình thước thợ. Đoạn gấp khúc bắt đầu khoảng trước mặt trường đại học Kinh tế ở đường Phùng Hưng ngày nay, sau đó chảy lên phía bắc, qua phía đông, lại chảy về phía nam, rồi qua phía đông một lần nữa, ra ngoài Kinh thành để lưu thông với Hộ Thành Hà và sông Hương. Sở dĩ người đương thời phải tạo ra đoạn đường thủy này là vì khu vực nằm ở phía bắc và phía tây hồ Tịnh Tâm bây giờ là Kinh thương (Kinh thương京倉 nghĩa là kho thóc của Kinh đô), nơi triều đình thiết lập nhiều nhà kho lớn để chứa đựng và lưu trữ những loại lương thực và vật liệu cần thiết cho triều đình, chẳng hạn như kho lúa gạo, kho muối, kho tiền, kho kim loại... Mọi ghe thuyền chở các loại vật hạng từ các địa phương trong nước về Kinh đô Huế đều vào cửa biển Thuận An, ngược dòng sông Hương hoặc sông Phổ Lợi vào Ngự Hà và nhập hàng ở những kho bên phía bờ nam của sông này. Cũng chính vì vậy mà xưa nay ở đây có địa danh xóm Cầu Kho, chợ Cầu Kho...4
Đại Nam thực lục ghi chép rất rõ về việc đào sông này dưới triều Minh Mệnh trong 2 năm 1825 và 1826 để hoàn chỉnh hệ thống Ngự Hà do Vệ uý Nguyễn Văn Lộc và Thự Thống chế Nguyễn Đăng Xuyên trông coi 6000 người các quân làm việc. Nếu gặp mộ cổ, gò táng mà có hài cốt thì cấp cho tiền vải đem chôn chỗ khác; đồng thời cho xây cửa cống ở phía sau Hoàng thành. Đoạn khơi vét dài 291 trượng 5 thước. Trên sông Ngự Hà có xây 3 cây cầu đá bắc qua: 1. Từ đường cái tại cửa Đông Nam đến cửa Chính Bắc gọi là cầu Ngự Hà; 2. Từ phía Bắc Hoàng thành đến phía tả cung Khánh Ninh gọi là cầu Khánh Ninh; 3. Từ đường cái cửa Chính Nam đến cửa Tây Bắc gọi là cầu Vĩnh Lợi. Hai cây cầu gỗ bắc qua: 1. Từ phía trước cửa Kinh Thương đến phía Nam Tịch Điền gọi là cầu Bác Tế; 2. Từ đường phía hữu Hoàng thành đến phía tả cung Bảo Định gọi là Bình Kiều. Những cây cầu này sau này đều được làm bằng đá và dựng nhà lợp mái ngói ở trên5.
Hệ thống nước của sông Ngự Hà được thông thủy bằng 2 cửa cống Đông Thành Thủy Quan và Tây Thành Thủy Quan. Ở dưới hai cửa cống này đều có áp quan (cửa có tấm ván sập xuống nâng lên để khi cần cho ghe thuyền đi qua thì nâng lên, cũng như dùng để đóng mở thoát nước chống ngập úng bên trong kinh thành); phía trên xây cầu đá có lan can và đặt đại bác phòng thủ vào thời Minh Mệnh.
Phía đầu hai cửa nước sông Ngự Hà khá hẹp nên sau mỗi trận lụt thường bị bồi lắng, hàng năm đều được nạo vét để thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa vào Kinh thương và đi lại của tàu thuyền.
Trong kho Châu bản triều Nguyễn hiện lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I hiện nay còn nhiều Châu bản ghi chép về việc cho đào và nạo vét dòng sông quan trọng này. Chẳng hạn bản Tấu ngày 11 tháng Giêng năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) về việc: “sông Ngự Hà đoạn từ cửa Đông đến cửa Tây Thành, theo dòng nước đến cầu Bạch Hổ có nhiều chỗ bị cát bồi nên cho đào vét. Phủ Thừa Thiên đã huy động 300 dân phu đào vét lòng sông rộng 3 trượng, sâu 3 thước 5 tấc.”6
Trong quá trình làm việc nạo vét sông Ngự Hà, ngoài binh dân địa phương làm việc còn phái binh lính các tỉnh của các tỉnh ở Nghệ An, Hải Dương vào Kinh thao diễn sẽ ở lại cùng tham gia nạo vét sông, như bản Tấu ngày 24 tháng 3 năm Tự Đức thứ 10 (1856), bản Phúc của Bộ Binh ngày 27 tháng 3 năm Tự Đức thứ 10 (1856); bản tấu của Bộ Binh, Bộ Công ngày 14 tháng 3 năm Tự Đức thứ 11 (1857). Nội dung của bản Tấu ngày 24 tháng 3 năm Tự Đức thứ 10 (1856), xin tạm dịch như sau: “Lần này biền binh 2 tỉnh Nghệ An, Hải Dương đến Kinh đô thao diễn xong xuôi, đã tư cho quan Bộ Công xem xét những ngày gần đây công việc cần phải giải quyết nhiều hay ít, có nên lưu lại số biền binh ấy để làm. Từ đó về sau căn cứ theo bản phúc trình thì công việc năm nay ở các nơi tuỳ theo nhiều ít mà tâu xin phái cử các biền binh ở Kinh đến làm, trong đó có khoản con sông hộ thành bên phải cần phải xây đá. Trước đây đã xin đợi biền binh các tỉnh thao diễn xong sẽ phái đến làm. Nay xét thấy đoạn sông này cần phải xây đá, cần số binh lính rất nhiều mà số lính thao diễn ở Kinh chỉ có 2 vệ, làm sẽ không đủ nên đoạn sông này đợi sau này xem xét lại đã. Duy có sông Ngự Hà từ cầu Vĩnh Lợi đến Thuỷ Quan tây thành dài 96 trượng 5 thước, hai bên sông cát bồi rộng đến mép nước từ 1 trượng 5 thước đến 3 trượng 7 thước, hiện lòng sông còn rộng trên dưới 6, 7 trượng, mức sâu từ 1 thước đến 1 thước 7 tấc nên phải nạo vét. Số biền binh 2 tỉnh ấy nên chăng vẫn giữ lại để nạo vét đoạn sông này như số biền binh của tỉnh Thanh Hóa, Sơn Tây, Ninh Bình thao diễn tại Kinh hồi năm ngoái.”7
Sông Ngự Hà gắn liền với sự phát triển thịnh suy của kinh thành Huế, là dòng sông quan trọng trong việc điều tiết lưu lượng nước ở bên trong kinh thành Huế. Với hình thù như một thước thợ, sông Ngự Hà cùng với sông Hương bao bọc bên ngoài tạo cho kinh thành Huế sự uyển chuyển mềm mại đầy chất thơ.
Ngày nay, với sự quan tâm của chính quyền sở tại, cùng với vai trò quan trọng trong việc tiêu thoát nước, sông Ngự Hà đang được nạo vét hồi sinh trở thành một điểm nhấn của kinh thành Huế. Trên sông Ngự Hà trong xanh đầy thơ mộng hiện nay đã có nhiều loại hình du lịch phát triển như du lịch khám phá đôi bờ sông bằng thuyền và ca nô.
Chú thích:
Hoàng Nguyệt - Phòng Công bố giới thiệu tài liệu