04:23 PM 11/09/2024  | 

Gia Long là vị Hoàng đế đầu tiên sáng lập nên triều Nguyễn. Dưới thời ông trị vì từ năm 1802 đến năm 1819, vua Gia Long luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến nông nghiệp, bởi lẽ nông nghiệp mùa màng luôn gắn chặt với đời sống của người dân. Vua cho rằng “Việc nông là gốc lớn của thiên hạ, Trẫm luôn lo nghĩ làm sao cho dân được nhờ”. Vì vậy ngay khi mới lên ngôi, trong 6 điều ân điển ban bố có tới 5 điều liên quan đến thuế và miễn giảm các hạng thuế nông nghiệp. Đặc biệt mỗi khi có thiên tai nhà vua đều nhanh chóng ban ban bố các biện pháp khẩn cấp nhằm cứu đói, sau đó thi hành các chính sách miễn giảm thuế để phục hồi đời sống nhân dân.

 

 

Hoàng đế Gia Long

 

Năm 1811, vua Gia Long ban Chiếu quy định lệ phát chẩn cho dân mỗi khi có thiên tai. Chiếu rằng: Xưa nay thiên tai các đời đều có thương đau, việc nhân chính là trước tiên xem nơi nào gặp thiên tai thủy họa, nhân dân khốn cùng đói khổ để kịp thời phát chẩn cứu dân. Nếu đợi tấu báo về sẽ chậm trễ không kịp việc, đó chẳng phải là ý muốn của triều đình khi thi hành nhân chính, cũng chẳng phải chức trách của các quan lại mẫn cán.

Vậy chuẩn cho từ nay về sau hễ nơi nào không may có thiên tai, dân cư đói khổ thì trước mắt cấp thiết các quan sở tại phải lập tức một mặt tấu báo lên triều đình được biết, một mặt thân hành đến nơi bị thiên tai xem xét rõ ràng tình hình, tính toán chẩn cấp ngay lương thực để cứu tế cho dân, không được trì hoãn. Việc xong làm biểu tấu lên đầy đủ.

Đây là việc cứu nguy cấp bách và là ân trạch của triều đình ban xuống, vì vậy từ nay về sau đặt làm lệ mãi mãi. Khâm mệnh. Đặc chiếu[1].

Sau đó, năm 1814 khi thời tiết mua màng không thuận lợi, vua Gia Long từng ban bố một đạo Chiếu trên khắp toàn quốc cho phép giảm thuế cho dân. Chiếu ban rằng:

Chiếu cho toàn thể thần dân trong thiên hạ được biết: Trẫm nghe rằng đạo làm vua cốt ở việc thi hành ân nghĩa, nền chính trị tốt đẹp trước tiên phải bảo vệ được người dân. Huống hồ năm nay thời tiết không thuận lợi, mưa nắng thất thường, mùa màng tại các địa phương thu hoạch không đồng đều, động phiền đến đời sống nhân dân, Trẫm thật xót thương. Vì vậy chiếu theo từng nơi mà cân nhắc khoan giảm việc thuế khóa.

Nay đặc chuẩn ban xuống cho các thành, doanh, trấn năm Giáp Tuất này, phàm các hạng công tư điền, tô thuế thực nạp, biệt nạp, thuế thân dung, tùy theo doanh trấn mà lượng giảm. Còn như các loại ruộng quan, ruộng thờ, đất trại, đất hoang lậu, cho thuê canh tác mỗi hạng theo lệ phải nộp thóc thì tùy theo số mẫu, hạng ruộng chiếu y theo công tư điền thổ vụ thu hạng 1,2,3 đều nhất loạt cho chiết giảm. Loại ruộng đất nào theo lệ phải nộp thóc mà không có xếp hạng, đều chuẩn cho theo loại ruộng hạng 2 mà chiết giảm để tất cả đều được thấm nhuần ân huệ. Các hạng trên đây thuế thóc gạo theo lệ trừ số đã được chuẩn cho giảm ra, còn loại phải trưng thu là bao nhiêu vẫn cho thu nạp đủ để sung quốc khố.

Đây là tấm lòng xót thương dân [của Trẫm], ngày Chiếu văn đến nơi quan các thành, doanh, trấn lập tức tuân phụng sao lục chuyển cho các đạo, phủ, huyện, tổng, xã, thôn, phường trong hạt được biết mà thi hành. Khâm mệnh. Đặc chiếu[2].

Bản Chiếu đã được truyền đi khắp toàn quốc, trong đó cho phép chiết giảm tô thuế tùy theo tình hình thực tế từng địa phương như sau:

  • Các doanh trực lệ Quảng Đức, Quảng Trị, Quảng Bình giảm 3/10.
  • Doanh trực lệ Quảng Nam giảm 2,5/10.
  • Các trấn thuộc thành Gia Định giảm 5/10.
  • Các trấn Bình Thuận, Bình Hòa, Thuận Thành giảm 2/10.
  • Trấn Phú Yên giảm 4/10.
  • Các huyện thuộc trấn Bình Định giảm 3/10, duy huyện Bồng Sơn giảm 5/10.
  • Trấn Quảng Ngãi giảm 5/10.
  • Hai trấn Nghệ An, Thanh Hóa và đạo Thanh Bình giảm 2/10.
  • Các nội ngoại trấn thuộc Bắc Thành và phủ Hoài Đức giảm 2/10.

 

 

 

 

Bản Chiếu của vua Gia Long ban bố việc giảm thuế cho dân trên toàn quốc

năm Giáp Tuất (1814). Nguồn: Châu bản triều Nguyễn.

 

Trong suốt thời gian trị vì 20 năm, vua Gia Long đã từng nhiều lần ban Chiếu lệnh miễn, giảm thuế cho dân tại nhiều địa phương trên toàn quốc khi gặp thiên tai mất mùa. Chính sách này cũng được các vua đời sau thực thi nhiều lần trong 143 năm cầm quyền của nhà Nguyễn và đã được ghi chép lại trong Châu bản triều Nguyễn hiện còn lưu lại đến ngày nay./.

 

Nguyễn Thu Hoài

 

[1] Châu bản triều Nguyễn, triều Gia Long, 2/87.

[2] Châu bản triều Nguyễn, triều Gia Long, 2/101.

Nguyễn Thu Hoài