Cửa ô là nơi chứng kiến những dấu son quá khứ, là gạch nối giữa hiện tại và tương lai. Ngày nay, người dân Thủ đô vẫn quen nói về Hà Nội với 36 phố phường và 5 Cửa ô. Nhưng thực tế Hà Nội từng có bao nhiêu Cửa ô? Và những Cửa ô này chính thức xuất hiện từ thời điểm nào trong lịch sử? Sự biến đổi của chúng ra sao cùng lịch sử của thành phố?... là một loạt những vấn đề mà không phải ai cũng có thể đưa ra câu trả lời.
Dưới triều Nguyễn, Thăng Long - Hà Nội biến đổi về vai trò và nhiều lần được điều chỉnh quy hoạch không gian. Theo “Bắc thành dư địa chí” soạn hồi đầu thế kỷ XIX, Hà Nội từng có 21 Cửa ô. Khi nhà Nguyễn hạ cấp kinh thành Thăng Long xuống chỉ còn là Bắc thành thuộc tỉnh Hà Nội, số Cửa ô chỉ còn 16. Trong bản đồ Tòa thành Hà Nội (thành đất) do hai ông Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến vẽ năm 1831 có ghi vị trí và tên của 16 Cửa ô. Ngoài ra, trên tòa thành đất bao bọc vòng ngoài còn xác định được 2 Cửa ô là Trung Hiền (ở ngã tư Bạch Mai - Đại La - Trương Định - Minh Khai) và Cửa ô Tây Dương (ở trước cây cầu Giấy bắc qua sông Tô). Nhưng đến bản đồ tỉnh thành Hà Nội vẽ năm 1866, đời vua Tự Đức thì chỉ còn 15 Cửa ô và không còn Cửa ô Nhân Hòa. Điều đáng chú ý là nhiều Cửa ô đã mang tên mới: Yên Hoa thành Yên Phụ, Yên Tĩnh thành Yên Định, Thạch Khối thành Nghĩa Lập, Phúc Lâm thành Tiền Trung, Tây Luông thành Trường Long (hoặc Cựu Lâu), Thanh Lãng thành Lãng Yên, Yên Ninh thành Thịnh Yên, Kim Hoa thành Kim Liên, Thịnh Quang thành Thịnh Hào. Tên gọi các Cửa ô được đặt theo tên các thôn xã ở đó nên số lượng và tên gọi các cửa ô cũng thay đổi theo tên các làng xã xưa ở Hà Nội.
Tờ Bẩm của huyện Thọ Xương gửi tỉnh Hà Nội ngày 12 tháng 02 năm Thành Thái I (1889) về việc xin đổi tên một số xã vì phạm húy.[1]/TTLTQGI
Và số lượng 15 Cửa ô vẫn giữ nguyên trên bản đồ Hà Nội năm 1873, tên các Cửa ô được thể hiện bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Pháp và được đánh số từ 01 đến 15
Thuyết minh Bản đồ Hà Nội năm 1873[2]./TTLTQGI
Qua bao biến động của lịch sử cùng với những tác động của người Pháp trong quá trình quy hoạch Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, các Cửa ô Hà Nội đã dần bị phá hủy trong đó phải kể đến việc người Pháp quy hoạch xây dựng quanh khu vực ô Cầu Giấy và phá bỏ Cửa ô này vào năm 1893.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vĩnh Phúc, Ô Cầu Giấy là một cửa ô xẻ qua tòa thành đất bao quanh khu đông dân cư ở phía Tây kinh thành Thăng Long. Vị trí Cửa ô này thuộc làng Thanh Bảo nên có tên là Ô Thanh Bảo. Từ thế kỷ XIX để thuận tiện cho giới kinh doanh giấy ở trong nội thành nên dân làng giấy ở Yên Hòa đã dựng ở Cửa ô những cái lán bầy giấy để bán thường gọi là những cái cầu hàng giấy. Do đó tên cửa ô Thanh Bảo cũng gọi là Cửa ô Cầu Giấy. Chữ Cầu ở đây là cầu bán hang (cầu chợ) chứ không mang nghĩa là cây cầu bắc qua sông. Vị trí ô Cầu Giấy là ở chỗ bến xe ô tô Kim Mã (bến này đã bị bỏ đi từ khi có bến xe Mỹ Đình) là giao điểm của phố Sơn Tây và phố Nguyễn Thái Học ngày nay.
Cửa ngõ Sơn Tây (ô Cầu Giấy) trên bản đồ Hà Nội năm 1890./Sưu tầm
Số phận thăng trầm của Cửa ô Cầu Giấy thực sự bắt đầu khi mà chính quyền Hà Nội muốn tìm một khu đất đủ rộng và phù hợp để quy hoạch nghĩa trang người Âu. Trong cuộc họp ngày 27/6/1891, Hội đồng thành phố Hà Nội đã quyết định lựa chọn một khu đất rộng gần ngay cửa ngõ Sơn Tây (tức ô Cầu Giấy) để làm khu nghĩa địa này:
Trích biên bản họp ngày 27/6/1891 của Hội đồng thành phố Hà Nội về việc lựa chọn vị trí để làm nghĩa trang người Âu ở gần cửa ngõ Sơn Tây (ô Cầu Giấy).[3]/TTLTQGI
Sơ đồ phân lô khu vực cửa ngõ Sơn Tây (cửa ô Cầu Giấy) thể hiện rõ vị trí khu đất ở cửa ô được lựa chọn để quy hoạch nghĩa địa.[4]/TTLTQGI
Theo thời gian, Cửa ô Cầu Giấy xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ bị đổ, nguy hiểm cho người dân hàng ngày qua lại, cơ quan chuyên chuyên môn đã đề nghị Thành phố phá bỏ Cửa ô này.
Thư của Phòng Quản lý Đường bộ Hà Nội gửi Đốc lý thành phố ngày 12/01/1893 đề nghị phá cửa Sơn Tây (cửa ô Cầu Giấy) vì có nguy cơ bị đổ, nguy hiểm cho người dân qua lại.[5]/TTLTQGI
Và số phận Cửa ô đã được định đoạt:
Giao kèo giữa Đốc lý Hà Nội và nhà thầu về việc phá cửa Sơn Tây ngày 04/02/1893./[6]TTLTQGI
Ô Cầu Giấy cũng như các Cửa ô xưa của Thăng Long- Hà Nội như Đông Mác, Yên Phụ, Cầu Dền, Đồng Lầm, Chợ Dừa… nay đã trở thành những nút giao thông hoặc những khu vực quan trọng của Thủ đô. Tuy vậy, hình dáng cửa ô xưa dù còn hay mất thì vẫn luôn đậm sâu trong tâm thức trong người Hà Nội để dù có đi đâu xa họ vẫn luôn cảm thấy tự hào vì đã được sinh ra và lớn lên ở Thủ đô ngàn năm văn hiến - Thành phố vì hòa bình.
Hải Yến - Nguyễn Hằng