07:41 PM 10/09/2024  | 

Trong khi ngày nay chúng ta có thể cập nhật thông tin mưa, nắng, bão táp… một cách nhanh chóng với độ chính xác cao thì hàng trăm năm trước, khi chưa có các thiết bị hiện đại, ông cha ta đã giải mã thiên tượng bằng cách nào. Đây vẫn luôn là một bí ẩn thú vị.

 

 

Quan tượng đài dưới triều Nguyễn, ảnh sưu tầm

 

Các vua triều Nguyễn nhận thấy thời tiết có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của muôn dân, vì vậy yêu cầu Khâm thiên giám, cơ quan chuyên chăm lo việc quan sát, chiêm nghiệm, dự báo các hiện tượng thiên nhiên cần phải sát sao để có cách ứng phó thích hợp. Năm Nhâm Ngọ (1822), Quảng Trị có sâu keo làm hại, dinh thần không báo, chỉ biên vào sổ nhật ký phong vũ, Vua Minh Mạng biết tin quở mắng, nhân sắc cho Khâm thiên giám là cơ quan theo dõi thiên văn, thời tiết rằng: Từ nay các thành dinh trấn có dâng bản đồ nhật ký phong vũ, nếu có những tai nạn gió bão, mưa đá, hạn, lụt thì phải tóm lấy những điều lớn tâu lên.[1]

Triều Nguyễn cho dựng Quan Tượng Đài làm nơi Khâm thiên giám quan sát thiên tượng. Vậy công việc quan sát và giải mã các hiện tượng thiên nhiên của Khâm thiên giám triều Nguyễn cách đây hai thế kỷ ra sao?

Cách xem thiên văn, dự báo thời tiết

Bản tâu của Khâm thiên giám năm Minh Mạng 5 (1824) cho biết cách xác định lượng mưa trong một khoảng thời giờ nhất định: Chúng thần cho đặt 1 thùng gỗ hình vuông, mỗi mặt 1 thước để đo nước mưa. Hôm nay mưa từ giờ Mão đến giờ Tỵ, nước hứng được 1 tấc 1 phân. Trên đất khô, nước thấm sâu xuống 4 tấc 4 phân.[2]

Khi thấy lượng mưa vẫn chưa được như mong muốn, Vua Tự Đức phê vào bản tâu của Khâm thiên giám: Truyền cho Phan Thanh Giản hết lòng cầu đảo.[3]

Châu bản triều Nguyễn nói về cách kiểm tra độ ẩm của cơ quan khí tượng triều Nguyễn như sau: Hôm nay đúng tiết hạ chí, chúng thần theo lệ kiểm nghiệm số than, đất mà trước đó 10 ngày chúng thần đã cân lấy mỗi thứ 2 cân, thăng bằng ở 2 đầu cân. Đến hôm nay vào đầu khắc 3, giờ Dần, chúng thần kiểm nghiệm thấy khí đất có hơi nặng một chút. So với tiết hạ chí hàng năm, năm nay cũng tương tự.

 

Châu bản triều Nguyễn với nhiều thông tin thú vị về cách người xưa dự báo thời tiết

 

Lúc bấy giờ, tiếng sấm đầu tiên trong năm âm thanh như thế nào cũng được coi là một dấu hiệu dự báo năm đó thuận lợi, tốt lành hay trắc trở, Châu bản triều Nguyễn năm Tự Đức 15 (1862) có nội dung: Giờ Thân ngày hôm nay có tiếng sấm đầu tiên tại phía Tây, âm của nó ỳ ỳ không to. Chúng thần tra sách nói rằng, tiếng sấm đầu tiên hòa nhã thì năm đó tốt. Lại nói tiếng sấm đầu tiên nếu ở phía Tây thì lúa chín được một nửa sẽ có nhiều sâu bọ. Dám xin theo lệ tâu lên. Châu phê: đã biết.[4]

Việc dự báo qua tiếng sấm còn mang màu sắc tâm linh. Bản tâu của Khâm thiên giám ngày 21 tháng 2 năm Minh Mạng 19 (1838) có đoạn: Vào giờ Thân ngày 20 tháng này, sấm phát ra ở phương Tây. Chúng thần vâng xem sách Quản khuy chép rằng, sấm phát ra vào tháng 2 thì trừ được hại, là cái mấu chốt để hưng lợi nhân quân. Vua phát hiệu lệnh hợp với đạo trời nên sấm vì thế mà phát ra. Nay sấm phát ra đầu năm là đúng thời vậy, tiếng sấm êm dịu thì năm ấy sẽ tốt. Nhà vua phê: Đạo trời thì sâu xa huyền bí nhưng đạo người thì làm cho hết mà thôi.[5]

Không chỉ đoán tiếng sấm, Khâm thiên giám triều Nguyễn còn có cách đoán trăng. Theo Châu bản triều Nguyễn, vào lúc 2 giờ sáng ngày 16 tháng 8 năm Bảo Đại 6 (1931), Khâm thiên giám quan sát thấy hình thể mặt trăng có khí sắc vàng, một lát sau khí đen bao trùm 9 phần, ánh sáng yếu mờ. Đến 4 giờ rưỡi trăng bắt đầu sáng trở lại. Thuộc viên của giám ấy hội đồng tra trong sách có nói rằng mặt trăng biến sắc đen, thì chủ có mệnh thủy sẽ bị bệnh.

Khi đó, hiện tượng nhật thực thường được vua quan triều Nguyễn coi là điềm dữ. Nên vào những ngày này, vua thường ở trong cung ăn chay, cầu phúc:

Ngày Giáp Ngọ, tháng Giêng, năm Tự Đức thứ 3 (1850), có nhật thực. Trước đây, toà Khâm thiên giám đem độ nhật thực tâu lên vua biết. Viện Đô sát xin tham xét điển lễ đời cổ để kính cẩn việc trời răn bảo. Ngày hôm ấy, vua ở trong cung ăn chay, cầu phúc, cung kính để cảm cách đến trời, đưa các quan vào tả, hữu vũ nghiêm tĩnh đợi khi Mặt Trời lại tròn mới lui.[6]

Sao Chổi cũng bị coi là sao xấu. Năm 1885, sao Chổi mọc ở phương Đông Nam (đuôi chỉ về tây bắc dài 7 - 8 thước). Vua Đồng Khánh hỏi Khâm thiên giám điềm tốt xấu thế nào? Dẫn đoán cho thực, tâu để biết. Giám thần tra sách thiên văn, rồi tâu: Sao Chổi là sao xấu, mỗi khi mọc ra, nên có trừ bỏ cái cũ, ban bố cái mới, mọc ở nơi nào trông thấy lâu thì tai nạn nhiều, lặn chóng, thì tai nạn ít; còn phương nào bị đuôi sao ấy chỉ vào, thì chịu tai hoạ. Lại nói: Sao chổi mọc ở phía Đông Nam, chỉ sang Tây Bắc, thì trong nước được mùa to. Địa phận nước ta, thuộc về Đông Nam, về điềm tốt xấu gián hoặc cũng có, sao Thái Bạch mọc ban ngày, tất chủ có gió to. Lại nói: Sao ấy mọc ban ngày, có việc quân, việc quân phải bãi, không có việc quân, việc quân sẽ nổi lên.

Vua bảo các đại thần rằng: …Gần nay, trẫm thấy thời tiết hơi được hòa thuận, lòng thực có mừng. Ngày nay ngờ đâu ác tinh lại mọc ra, thì thân mọn này chối sao được lỗi, nên sức cho Nội các vâng theo lời Dụ, khuyên răn các quan trong, ngoài, phải gia tâm giúp đời, cho vững yên cơ đồ mãi mãi, ấy là phúc lớn của vua, tôi, sĩ, thứ ta[7].

Việc đoán định các hiện tượng mây, mưa, nắng, gió, bão, hạn hán, mặt trăng, mặt trời, các sao… của Khâm thiên giám triều Nguyễn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm được đúc kết, được “cha truyền con nối” và cả tự thu thập kiến thức qua các bộ sách đầy màu sắc huyền bí của Trung Hoa. Đặc biệt, việc giải mã các hiện tượng thiên nhiên thường căn cứ hoặc đối chiếu với kinh nghiệm phán đoán của Trung Hoa.  Chẳng hạn việc dẫn sách đời Đường để lý giải “nhật thực”: Ngày mồng Một, tháng 2 năm Minh Mạng 21 (1840) có nhật thực. Trước đây, Khâm thiên giám tâu: giờ Tỵ ngày mồng Một tháng ấy có nhật thực. Ngày hôm ấy vua tự răn sửa mình, tránh không ngồi chính điện, thôi bỏ nghi vệ phiên triều. Đến giờ Tỵ, mây tối dầm hơi mưa, trông không thấy nhật thực. Khâm thiên giám bèn tâu rằng, xét sách sử đời Đường có nói: “nhật thực không ứng nghiệm, các quan nên chúc mừng”, cho là vua sửa đức nên mới được thế[8].

Thiết bị hỗ trợ việc xem thiên văn và dự báo thời tiết

Khâm thiên giám triều Nguyễn trang bị chậu hứng nước mưa, cây đo bóng mặt trời, phong vũ hàn thử biểu của Tây dương, đồ bản thiên văn nhật lịch, ống nhòm, bàn xem hướng gió …

Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), Vua Minh Mạng cấp cho Khâm thiên giám ba cái kính: chiêm nhật kính (kính xem mặt trời), đại thiên lý kính và thiên lý kính. Vua Dụ rằng: “Từ nay về sau, xem xét tượng trời, hết thảy các điều tai hay lành do mắt thấy tai nghe đích xác thì cho cứ thực mật phong tâu ngay.”[9]

Năm sau, Khâm thiên giám được trang bị thêm hai thước phong vũ và hàn thử. Thước phong vũ chuyên xem mưa gió thuận nghịch, lớn nhỏ. Thước hàn thử thì lấy mực nước ở trong ống lên xuống cao thấp mấy độ mà xét nghiệm. Trên thước có nét gạch ngang là chỗ bắt đầu xem nóng lạnh. Vua từng bảo bộ Lễ rằng: “Thước hàn thử vốn có độ thường, như khí trời tạnh sáng thì khí dâng lên, âm u thì khí sụt xuống, biết trước khí hậu, cái ấy rất nghiệm. Nếu ấm áp mà khí xuống, âm u mà khí lên thì là khí bất chính, nhân dân dễ sinh bệnh tật. Lấy thước ấy để đo lường khí hậu thực là phép diệu. Biết xem xét kỹ thì suy tính không sai”[10].

Vua triều Nguyễn, nhất là Vua Minh Mạng rất sát sao, thậm chí đích thân tìm hiểu cách sử dụng dụng cụ quan sát thiên văn. Trước kia người Pháp là Nguyễn Văn Chấn dâng 2 cái ống nhòm bằng đồng của Tây dương, gọi là ống nhòm mặt trời. Vua Minh Mạng để một cái ở trong cung, một cái cho Khâm thiên giám, chưa có ai biết dùng. Vua từng khi rỗi đem xem biết được cách xem, gọi Phan Huy Thực và Nguyễn Danh Giáp bảo rằng: “Cái ống nhòm này, để bằng, để lệch, để cao, để thấp, độ số khác nhau, gần thì đo được núi non, xa thì xem được trời đất, rất là diệu”. Bèn chỉ vẽ cặn kẽ cho họ tự biết suy xét.[11] Sau đó triều đình còn tổ chức sát hạch sử dụng ống nhòm[12].

Những phán đoán, tâu báo của Khâm thiên giám đúng trong nhiều trường hợp, tính toán được ngày giờ nhật thực, nguyệt thực để trình lên Vua từ trước đó và thông báo cho địa phương nơi sẽ xảy ra hiện tượng biết để theo dõi, quan sát, báo cáo về triều đình. Nhưng cũng có lúc các quan dự báo chưa chính xác, bị Vua nhắc nhở, quở phạt. Như vào giờ Mùi, ngày Mậu Tuất mùng 1 tháng 3 năm Tự Đức 28 (1875), có nhật thực. Trước đó, quan ở Khâm thiên giám tính toán không chính xác, cho rằng không có nhật thực. Vì vậy chánh giám Trần Văn Thừa bị xử đánh 60 gậy, phạt bổng 1 năm.[13]

Mặc dù hấp thụ phần nào kiến thức thiên văn qua sách Trung Hoa, tính được vĩ độ các tỉnh thành, xác định được thời gian nhật thực, nguyệt thực nhưng lúc bấy giờ Khâm thiên giám triều Nguyễn vẫn chưa vén được bức màn huyền bí che phủ các thiên tượng. Chính vua Minh Mạng, một người tự nghiên cứu thiên văn tới trình độ chỉ ra được chỗ sai trong tính toán của các quan Khâm thiên giám, cũng phải thừa nhận “thiên văn vốn là việc huyền diệu”.

 

 

 

[1] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên.

[2] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mạng.

[3] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức.

[4] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức.

[5] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mạng.

[6] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên.

[7] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên.

[8] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên.

[9] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên.

[10] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên.

[11] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên.

[12] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Thiệu Trị.

[13] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức.

Hồng Nhung