Năm 1976, tỉnh Kiên Giang được tái lập
Ngày 20 tháng 9 năm 1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 245-NQ/TW về việc bỏ khu, hợp tỉnh trong toàn quốc và Nghị quyết số 19/NQ ngày 20 tháng 12 năm 1975 của Bộ Chính trị về việc điều chỉnh việc hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam.
Tháng 2 năm 1976, Chính phủ Việt Nam quyết định tái lập tỉnh Kiên Giang trên cơ sở toàn bộ diện tích tỉnh Rạch Giá và ba huyện: Châu Thành A, Hà Tiên, Phú Quốc vốn thuộc tỉnh Long Châu Hà trước đó. Lúc này, huyện Châu Thành A bị giải thể và sáp nhập trở lại vào huyện Châu Thành như trước. Tỉnh Kiên Giang khi đó gồm thị xã Rạch Giá và 8 huyện: An Biên, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Hà Tiên, Phú Quốc, Tân Hiệp, Vĩnh Thuận. Tỉnh lỵ là thị xã Rạch Giá.
Ngày 03 tháng 6 năm 1978, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 125-CP về việc chia huyện Châu Thành thuộc tỉnh Kiên Giang thành hai huyện lấy tên là huyện Hòn Đất và huyện Châu Thành thuộc tỉnh Kiên Giang.
Ảnh 1. Quyết định số 125-CP ngày 03 tháng 6 năm 1978 của Hội đồng Chính phủ. Nguồn
Năm 1983 và năm 1986 hai huyện Kiên Hải và huyện An Minh lần lượt được thành lập.
Năm 2007, Chính phủ điều chỉnh địa giới hành chính các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận để thành lập huyện U Minh Thượng; thành lập xã thuộc các huyện Vĩnh Thuận, Kiên Lương, Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Tỉnh Kiên Giang gồm thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên và 12 huyện.
Ảnh 2. Nghị định 58/2007/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận để thành lập huyện U Minh Thượng; thành lập xã thuộc các huyện Vĩnh Thuận, Kiên Lương, Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Nguồn TLLTLSKG
Năm 2008, huyện Giang Thành được thành lập. Sau hơn 40 năm, tỉnh Kiên Giang thành lập thêm 6 huyện, cho đến năm 2009, tỉnh gồm 15 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Cho đến nay, sau khi nâng cấp huyện Phú Quốc, thị xã Rạch Giá và Hà Tiên thành thành phố, tỉnh Kiên Giang gồm 3 thành phố và 12 huyện.
Kiên Giang ngày nay[1] là một tỉnh có diện tích rộng nhất vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với hơn 6.352 km2. Là một tỉnh có vị trí đặc biệt quan trọng ở Tây Nam Tổ Quốc, với các lợi thế tự nhiên và sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, Kiên Giang đang vươn tới mục tiêu, đến năm 2030, là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm kinh tế biển của Quốc gia. Các thành phố Rạch Giá - Hà Tiên – Phú Quốc là tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển, trong đó: Thành phố Phú Quốc là trung Phú tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới; thành phố Rạch Giá là thành phố thương mại, dịch vụ xanh; thành phố Hà Tiên là đô thị di sản. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống văn minh, hạnh phúc.
[1] Theo Niên giám thống kê năm 2021 của Tổng cục Thống kê.
Đỗ Hoàng Anh