Kỳ I. Từ kỳ vọng đến thất vọng mang tên "Albert Sarraut"
Đôi nét về con tàu mang tên Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut[i]
Một năm sau khi Đội tàu thương mại Đông Dương ra đời, Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut đã tới thăm Xưởng đóng tàu Sài Gòn[ii] đặt hàng đóng tàu chở hàng với tải trọng hơn 3.000 tấn. Tuy cơ sở vật chất của xưởng đóng tàu này không đảm bảo do chỉ chuyên sửa chữa tàu có trọng tải trung bình, nhưng tàu Albert Sarraut vẫn được đặt hàng. Sau nhiều báo cáo về thị trường nguyên vật liệu vốn đang khan hiếm do các nước tham gia Chiến tranh Thế giới thứ I có nhu cầu lớn về đóng tàu, sản xuất vũ khí khí tài, đẩy giá cả tăng cao, các tấm tôn thô đã được đặt mua từ Mỹ và được đo cắt tại xưởng. Xưởng đóng tàu Sài Gòn đã phải xây mới nhà xưởng, sắm thiết bị dụng cụ đáp ứng việc đóng tàu trọng tải lớn. Tháng 01/1920, những chiếc đinh tán đầu tiên của con tàu thứ 17 theo mẫu Marie-Louise do Công ty vận tải hàng hải ở Pháp đặt hàng bắt đầu đóng ghép các mảnh thép, ban đầu 10 công nhân lắp ráp nước ngoài được cử đến xưởng đóng tàu Sài Gòn rồi dần dà được thay thế bằng nhân công bản xứ và cho đến ngày hạ thủy, có tới 500 công nhân tham gia đóng tàu.
(Ảnh Tàu Albert Sarraut đang được đóng tại xưởng đóng tàu Sài Gòn)
Ngày 06/4/1921, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định, theo đó tàu chở hàng trọng tải 3300 tấn do Xưởng đóng tàu Sài Gòn đóng sẽ mang tên "Albert Sarraut". Ngày 07/4/1921, Albert Sarraut được đích thân Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Maurice Long chủ trì lễ hạ thủy và nghi thức hạ thủy truyền thống diễn ra với cảnh vợ ông ta - người đỡ đầu"con tàu" đập vỡ chai sâm-panh vào mũi tàu.
Theo tài liệu lưu trữ thuộc phông Hạm đội Đông Dương, dưới sự chỉ huy giám sát của viên kỹ sư Decamp, Albert Sarraut có tổng chiều dài 85 m, chiều dài của tàu giữa hai đường vuông góc là 81,28m, chiều rộng 12m, trọng tải 3100 tấn[iii], lòng tàu sâu 5,90m, 12m là chiều cao tới cầu tàu, 11m là chiều cao tới boong mũi, mớn nước khi đang chở hàng là 6m, công suất là 1100 mã lực. Các điện tín về việc sửa chữa tàu năm 1924 cho biết, lò đốt được lắp cho tàu Albert Sarraut là mẫu Morrison. Thư đề ngày 24/9/1921[1] của kỹ sư hải quân hạng nhất Henry - giám đốc tạm quyền phụ trách đóng tàu hải quân và thủy lực gửi giám đốc Hải đội Đông Dương cho hay, tàu Albert Sarraut có ba hầm tàu (hai hầm tàu hai bên và một hầm tàu dự trữ), khả năng dự trữ tới 19 ngày chất đốt, mỗi mã lực tiêu thụ 1 kg than/giờ và chỉ số tiêu thụ chất đốt này dao động tùy vào chất chất lượng chất đốt được tiếp tế tại các cảng của Viễn Đông. Theo đúng thiết kế, tàu có thể đi biển tại các vùng biển như eo biển Malacca, đảo Sonde của Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia. Tổng chi phí đóng tàu là 600.000 đồng Đông Dương.
( Ảnh: Lễ hạ thủy tàu Albert Sarraut ngày 07/4/1921. Nguồn: Sưu tầm)
Bản hợp đồng đầy rủi ro của "chúa sông" Bạch Thái Bưởi
Do muốn mở rộng tầm hoạt động hàng hải khắp Đông Dương và các nước lân cận như Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, và Philippines, ngày 28/4/1922, Bạch Thái Bưởi[iv] ký hợp đồng thuê tàu chở hàng chạy bằng hơi nước Albert Sarraut trong thời hạn 1 năm với Giám đốc Hạm đội Đông Dương Lochard, đại diện cho Toàn quyền Đông Dương. Bản hợp đồng được Toàn quyền phê chuẩn ngày 18/5/1922 và giao cho bên thuê ngày 13/6/1922, bắt đầu hoạt động từ ngày 16/6/1922, với số tiền thuê hàng tháng là 5400 đồng cộng với tiền bảo hiểm.
(Ảnh: Chân dung "chúa sông" Bạch Thái Bưởi. Nguồn: Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng
Trang đầu tiên của hợp đồng thuê tàu, hồ sơ số 59, Phông Hạm đội Đông Dương, TTLTQG I)
Bản hợp đồng gồm 11 điều khoản, theo đó Bạch Thái Bưởi thuê tàu trần[v] tàu Albert Saurraut đóng mới hoàn toàn. Tuy với danh nghĩa là thuê tàu trần[vi], nhưng trên thực tế Bạch Thái Bưởi phải thuê thủy thủ đoàn do Ban lãnh đạo Hải đội Đông Dương chỉ định, thuyền trưởng là đại úy Herren - người báo cáo trực tiếp về mặt kỹ thuật cho Giám đốc Hải đội Đông Dương và báo cáo về khai thác thương mại tới Bạch Thái Bưởi, kỹ thuật viên trưởng là Pinatel.
Theo những gì ghi trong hợp đồng, bên thuê tàu là ông Bạch Thái Bưởi tuyên bố nắm rõ mọi bộ phận cùng những lắp đặt trên tàu. Đặc biệt, ông cũng tuyên bố nắm rõ kết quả của các lần chạy thử chính thức với chất đốt chất lượng tốt và những thay đổi có thể trong tiêu thụ chất đốt, tùy theo chất lượng chất đốt và vận hành tàu. Đây là điểm tiềm ẩn rủi ro đầu tiên.
Theo điều 5, ngoài việc phải trả toàn bộ phí đi biển, chủ thuê tàu còn phải trả tiền bảo hiểm gồm: 2 triệu franc bảo hiểm vỏ tàu, 1 triệu francs cho bảo hiểm máy tàu. Thêm vào đó, chủ thuê tàu phải chịu trách nhiệm cho sửa chữa và trả phí đối với những hỏng hóc vượt quá 5.000 francs, cũng như các sửa chữa ở mọi mức phí do lỗi hoặc thiếu chú ý của thủy thủ đoàn cũng như mọi mất mát thiết bị.
Điều 9 quy định, chủ thuê tàu sẽ mua 745 tấn than đá cardiff ở kho Sài Gòn với giá 21 đồng/tấn để đảm bảo chất lượng tiêu thụ chất đốt của tàu.
Ngày 06/07/1922, tàu Albert Sarraut rời Sài Gòn thực hiện chuyến đi biển đầu tiên tới Thượng Hải. Tuy nhiên, ngay ngày đầu tiên đã có những bất thường ở lò sưởi, mở đầu cho chuỗi hỏng hóc tiếp theo, buộc tàu phải lưu cảng nhiều ngày, ảnh hưởng đến kinh doanh vận tải của chủ thuê tàu.
(Ảnh: Thư của Giám đốc Hải đội Đông Dương gửu luật sư Mandrette, hồ sơ số 63, Phông Hạm đội Đông Dương, TTLTQG I)
Ngày 18/3/1923, giám đốc Hải đội Đông Dương thông báo cho luật sư Mandrette của Phủ Toàn quyền Đông Dương về việc ngày 13/3/1923, luật sư Antoine Baffeleuf đã thay mặt cho bên thuê tàu Bạch Thái Bưởi đệ đơn lên Tòa án thương mại Hà Nội yêu cầu hủy hợp đồng thuê tàu ký ngày 28/4/1922, đòi bồi hoàn tiền thuê tàu cùng chi phí sửa chữa là 50.000 đồng Đông Dương. Cuộc chiến pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê tàu chính thức bắt đầu.
[i]. Hồ sơ số 212, Phông Hạm đội Đông Dương (Flottile Indochinoise), Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
[ii] .Hay còn được biết đến với tên gọi Cơ xưởng Hải quân Ba Son. Sắc lệnh ngày 06/9/1923 quyết định nhượng lại xưởng đóng tàu, trước thuộc quản lý của Bộ Hải quân và Thuộc địa cho chính quyền cai trị ở Đông Dương. Tham khảo thêm bài viết https://www.archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/ba-son-%E2%80%93-co-xuong-hai-quan-quan-trong-bac-nhat-xu-nam-ky.htm
[iii] . Theo hợp đồng ký ngày 28/4/1922, tổng trọng tải chính thức của tàu là 2156,22 tấn, Hồ sơ số 59, Hạm đội Đông Dương, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
[iv]. Bạch Thái Bưởi (1874-1932) được mệnh danh là "chúa sông" bởi ông là một doanh nhân nổi tiếng thành công trong lĩnh vực kinh doanh vận tải đường sông ở Đông Dương.
[v] . Nguyên văn hợp đồng tiếng Pháp là "contrat d'affrétement à coque nue du vapeur "Albert Sarraut", Hồ sơ số 54, Hạm đội Đông Dương, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
[vi]. Trong thời hạn thuê tàu trần, chủ tàu tạm giao con tàu cho người thuê quản trị và khai thác. Người thuê tự đảm trách việc thuê thuyền viên, có quyền chỉ định thuyền trưởng và máy trưởng nhưng phải được sự đồng ý của chủ tàu. Nếu chủ tàu có lý do chính đáng không bằng lòng việc làm của họ thì chủ tàu có quyền yêu cầu thay thế bằng người khác. Người thuê có quyền quản trị và khai thác con tàu chở hàng trong khu vực hoạt động được quy định trong hợp đồng.
Ngọc Nhàn